02/06/2016 12:00 GMT+7

Donald Trump trong mắt “quân sư” ​Manafort

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Quân sư chiến lược trong kỳ tranh cử sơ bộ của tỉ phú Donald Trump có dáng vẻ như một giám đốc thành đạt: quần áo bảnh bao, tóc tai chải chuốt, tay đeo đồng hồ Rolex...

“Quân sư” Manafort trò chuyện cùng đội ngũ “hậu trường” của Donald Trump ở New York - Ảnh: Reuters
“Quân sư” Manafort trò chuyện cùng đội ngũ “hậu trường” của Donald Trump ở New York - Ảnh: Reuters

Chức danh của người đàn ông 67 tuổi nhưng còn đẹp mã như tài tử điện ảnh này là “giám đốc chiến dịch và chiến lược”.

Ở vị trí đó, đương nhiên Paul Manafort tin chắc như đinh đóng cột rằng Trump sẽ hạ đo ván Hillary Clinton trong cuộc so kè tháng 11 tới.

Trump vô đối

“Trump sẽ thắng”. Manafort quả quyết: “Chỉ trừ phi chúng tôi không chịu làm việc. Dùng chữ "chúng tôi" ở đây là ý tôi muốn nói mọi người phải làm việc như tôi”. Thậm chí vị quân sư tự tin này còn phán xanh rờn: “Cuộc đua sắp tới chẳng có gì khốc liệt cả” vì “Trump không có đối thủ”!

Theo Manafort, việc chọn người liên danh giữ vai trò phó tổng thống sẽ cực kỳ quan trọng vì thể hiện cách thiên hạ nhìn Donald Trump có xứng đáng vai trò ông chủ Nhà Trắng tương lai hay không.

Manafort khẳng định Trump sẽ không chọn liên danh là phụ nữ hoặc người thuộc nhóm thiểu số vì như thế không phải là Trump và “chẳng khác trò mị dân”.

Vị “quân sư” của tỉ phú Mỹ nhận định: “Donald sẽ cần một người có kinh nghiệm để lo những việc mà ông ấy không muốn làm. Donald xem mình ở vị trí chủ tịch hội đồng quản trị hơn là giám đốc điều hành hoặc tổng giám đốc”.

Nhưng cho đến nay, theo Manafort, “chúng tôi có trong tay một danh sách dài ứng viên đứng liên danh nhưng mỗi cái tên này đều có nhiều vấn đề lớn”.

Về tình hình Đảng Cộng hòa, Manafort không tin rằng những người ủng hộ đảng này bị chia rẽ sau khi Trump giành chiến thắng.

“Họ toàn nói tào lao, nói vống lên” - Manafort khẳng định số ghét Trump đang giảm dần và số thành viên Cộng hòa ủng hộ có thể tăng đến mức 90-93%!

Manafort cũng tiết lộ việc vận động trong quốc hội: “Tôi đã ba lần đi gặp các nghị sĩ tại quốc hội và đa số ủng hộ chúng tôi. Một số thượng nghị sĩ vẫn chưa chắc sẽ ủng hộ Trump nhưng tôi tin họ sẽ thay đổi ý kiến”.

Manafort cũng tố cáo cách thăm dò dư luận không công bằng trong đợt tranh cử lần này, chẳng hạn khi nói đó là kết quả của quốc gia nhưng lại chỉ được thực hiện ở một vài bang có chọn lọc theo ý muốn của bên công bố.

Manafort tiết lộ cách đội ngũ của mình đi vận động khối cử tri gốc Latin. “Chúng tôi nói với họ về công ăn việc làm, an ninh quốc gia, khủng bố, những giá trị truyền thống của người Mỹ và về giáo dục. Theo đúng trật tự đó.

Mối lưu tâm của nhóm cử tri này cũng giống hệt nhóm cử tri da trắng đang có việc làm. Chúng tôi chỉ cần quy tụ được gần 30% cử tri gốc Latin ở một số bang chủ chốt thì chắc chắn họ sẽ bỏ phiếu cho Trump”.

Học làm tổng thống

Manafort hiểu rất rõ Trump vì họ là chỗ quen biết lâu năm. Manafort nhìn nhận: “Chúng tôi không thay đổi được Donald Trump. Không ai có thể nói ông ấy nên làm gì”.

Với cá tính mạnh và tự cao như kiểu Trump, theo lời Manafort, nhà tỉ phú rất ít lắng nghe ý kiến của những người trợ giúp, luôn giữ khoảng cách với cấp dưới và thường ra quyết định rất kiệm lời, bằng một cái gật đầu hay một tin nhắn trên Twitter vào ban đêm.

Nhưng theo Manafort, Trump cũng đang đổi thay để thích ứng với công việc mới. “Nhiệm vụ chính của chúng tôi hiện nay là thuyết phục dân chúng rằng Donald có đủ sức gánh vác trọng trách tối cao.

Donald có hiểu được điều đó không? Tôi cho là có vì ông ấy biết còn phải học hỏi nhiều và đó là điều ông ấy đang làm thường xuyên.

Ông ấy đọc các báo cáo, đọc báo chí, nói chuyện qua điện thoại và tiếp khách thường xuyên hơn. Khi ở trong phòng làm việc sẽ thấy ông ấy đang ngày càng kiểm soát được công việc”.

Manafort cũng không quên tán dương tài năng thiên bẩm của ông chủ mình: “Chúng tôi đã cho tiến hành không biết bao nhiêu cuộc thăm dò riêng nhưng bản thân Donald lại có cách phân tích riêng của mình suốt cả ngày. Quả thật tôi thấy hình như ông ấy luôn phân tích đúng tình hình”.

Cách làm của đội ngũ Trump là tương tác qua mạng xã hội và sử dụng người tình nguyện ở cấp địa phương nhỏ.

“Trump không muốn tiêu tiền cho chiến dịch tranh cử như người khác làm lâu nay. Khi nghe đến con số 500 triệu USD, ông ấy đã nói với chúng tôi: “Mấy thằng đó chỉ là tìm cách moi tiền trên số quỹ vận động đó”. Nhưng tôi đã trấn an ông ấy rằng chúng tôi xài rất đúng nơi, đúng lúc”.

Giờ đây nhiệm vụ quan trọng trước mắt của Manafort và đội ngũ là chuẩn bị cho Donald Trump trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ của bên Dân chủ.

“Trong các cuộc tranh luận giữa ứng viên, ông ấy luôn chọn cách tấn công quyết liệt. Điều cần nhớ không phải là những gì ông ấy nói mà là cách ông ấy nói ra điều đó”, Manafort khéo léo đúc kết nhằm khỏa lấp đi kiểu ăn nói bạt mạng của Trump.

“Cách thức tranh luận của Trump là đẩy cuộc tranh luận lên đến cực điểm rồi mới trở lại mức quân bình ở giữa. Ông ấy sẽ luôn đứng ngoài quy chuẩn nhưng lại biết đồng điệu với những gì người dân Mỹ đang nghĩ
Paul Manafort (giám đốc chiến dịch và chiến lược của Donald Trump)

Quá khứ đầy vết

Nghề nghiệp chính của Manafort là cố vấn, là vận động hành lang, là “đánh bóng hình ảnh cho khách hàng". Trước khi làm việc cho Trump, vị quân sư từng tốt nghiệp luật của ĐH Georgetown này có quá khứ nghề nghiệp lừng lẫy.

Cây bút bình luận Alain Campiotti của nhật báo Le Temps (Thụy Sĩ) đánh giá Manafort đang điều hành một trong những công ty vận động chính trị uy lực nhất của Mỹ. Trong lý lịch nghề nghiệp của Manafort có những cái tên vốn bị xem là “độc tài” của thế giới.

Manafort & Co từng cố vấn chính trị cho Ferdinand Marcos của Philippines đến tận năm 1986 khi tổng thống Ronald Reagan quyết định buông đồng minh ngày càng trở nên rắc rối này.

Manafort, người cũng từng tham gia trong chiến dịch tranh cử của Reagan, khi đó đã đánh hơi được nên buông khách hàng Marcos chỉ vài giờ trước khi Washington tuyên bố cắt đứt quan hệ.

Nhưng hẳn cũng nhờ tư vấn của Manafort mà Marcos đã kịp chuyển tài sản cá nhân của mình sang bảo toàn ở Thụy Sĩ!

Trong danh sách khách hàng của Manafort & Co thời hoàng kim còn có những cái tên như Mahamed Siyaad Barre - tổng thống Somalia (1969-1991), Mobutu Sese Seko - vị tổng thống độc tài của CHDC Congo (1965-1997), Sani Abacha - vị tướng độc tài từng nắm quyền ở Nigeria (1993-1998), Jonas Savimbi - vị tướng từng đối đầu chính phủ Angola nhiều năm liền...

Thường xuyên chửi nhà báo

Cánh nhà báo đi đưa tin về Donald Trump hầu như đều hiểu một điều: vị tỉ phú ưa nói thẳng này không thích nhà báo! Trong tất cả cuộc tập hợp vận động của mình, ông Trump thường tìm cách để những người ủng hộ mình la ó, nhạo báng cánh nhà báo.

Bản thân người ứng cử vị trí tổng thống Mỹ cũng thường chửi cánh nhà báo, cả ở chốn công cộng lẫn trên mạng xã hội.

Cuộc họp báo dài 40 phút hôm 31-5 tại tòa nhà Trump ở New York đã trở thành cuộc đấu khẩu căng thẳng khi ông Trump bị báo chí truy hỏi về số tiền quỹ 6 triệu USD hỗ trợ các cựu chiến binh Mỹ. Trump thậm chí mạt sát một nhà báo của Đài truyền hình ABC.

Trump thậm chí thách thức: “Quý vị có nghĩ tôi sẽ thay đổi cách ăn nói như thế này? Không, tôi sẽ không thay đổi gì cả. Tôi sẽ tiếp tục tấn công báo chí. Tôi thấy báo chí chính trị thiếu trung thực một cách đáng sợ”.

Dù vậy, thống kê cho thấy truyền thông Mỹ lại dành chú ý về Donald Trump gấp đôi so với bà Hillary Clinton.

________________

Kỳ 7: Cả thế giới e dè Trump

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Người giỏi công kích đối thủ

>> Kỳ 2: Donald Trump: Hồn Dân chủ, da Cộng hòa

>> Kỳ 3: Donald Trump đang phá vỡ những rào cản

>> Kỳ 4: Bầu cử Mỹ liệu sẽ có đảng thứ ba?

>> Kỳ 5: Những người "không giống ai" phía sau Donald Trump

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên