Ngư dân lo cầu tạm chặn đường
Để đưa tàu đến âu tàu Cửa Phù tránh áp thấp nhiệt đới, ngư dân phải vượt qua cầu tạm bắc ngang công trình cầu Nhật Lệ 3 đang thi công. Nhưng nước lũ về lớn hoặc thủy triều lên thì nhiều tàu cá sẽ không thể qua được cầu tạm này.
Ngày 18-9, nhiều ngư dân tại xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chuẩn bị đưa tàu lên âu tàu Cửa Phù, nằm trên sông Nhật Lệ để tránh áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, đường lên âu tàu đang bị một cầu tạm bắc ngang công trình cầu Nhật Lệ 3 đang thi công chặn lại.
Ngư dân lo khi thủy triều lên hoặc nước lũ từ thượng nguồn về lớn, tàu cá sẽ không thể qua lọt gầm cầu tạm này để đến âu tàu.
Theo ngư dân địa phương, cầu tạm này được đơn vị thi công cầu Nhật Lệ 3 dựng lên để phục vụ việc thi công từ nhiều tháng nay. Khi không có mưa lũ hoặc thủy triều xuống, việc tàu thuyền qua lại dưới gầm cầu tạm này cũng khá dễ dàng.
Nhưng khi thủy triều lên, hoặc thượng nguồn mưa lớn, nước lũ sẽ đổ về làm nước sông Nhật Lệ dâng cao thì tầm cao của cầu tạm sẽ không đủ để nhiều tàu thuyền của ngư dân, đặc biệt là tàu lớn đi qua.
Khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên và có khả năng hướng về Quảng Bình, ngư dân đã về bờ để đảm bảo an toàn. Nhưng cầu tạm này khiến nhiều người chưa dám đưa tàu qua.
Chính quyền xã Bảo Ninh cho biết đã làm việc với đại diện đơn vị thi công để tìm phương án hỗ trợ ngư dân. Tuy nhiên, phía đơn vị thi công nói vấn đề này thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Đạt, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình nói đã tiếp nhận thông tin sự việc. Ông Đạt cho biết đã chỉ đạo cán bộ đến kiểm tra trực tiếp để tìm giải pháp.
"Đến hiện tại nhiều tàu lớn đã vào âu thuyền tránh bão. Chỉ còn một số tàu vừa chưa vào. Chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi để khuyến khích ngư dân đưa tàu vào âu sớm, tránh thời điểm thủy triều lên hoặc mưa lớn nước nguồn về sẽ không vào được", ông Đạt nói.
Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19-9
Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0h ngày 19-9 để an toàn cho ngư dân trước áp thấp nhiệt đới được dự báo sẽ mạnh thành bão số 4 và khả năng đổ bộ vào tỉnh này.
Ngày 18-9, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu cấm biển từ 0h ngày 19-9 để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân trước áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.
Thời hạn cấm biển được thực hiện cho đến thời điểm an toàn trở lại.
Theo đó, đợt áp thấp nhiệt đới này được dự báo sẽ mạnh thành bão và khả năng đổ bộ vào Quảng Bình. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý thuyền nan, thuyền nhỏ. Đồng thời bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các tàu, thuyền trưởng tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của đợt áp thấp nhiệt đới để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Các đơn vị hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu bè tại nơi tránh trú, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm, cháy nổ khi neo đậu; chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc, hỗ trợ nhau khi có sự cố; tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Sau khi cấm biển, lực lượng chức năng phải kiên quyết không cho tàu thuyền rời bến nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.
Ngay từ đêm 17-9, biên phòng Quảng Bình đã liên lạc qua hệ thống vô tuyến kêu gọi nhiều tàu thuyền về bờ. Đến nay đã có 7.262 tàu thuyền của tỉnh vào nơi neo đậu.
Hiện vẫn còn 51 tàu thuyền đang trên đường đi tránh trú.
Ngoài việc cấm biển, tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các địa phương đề phòng nguy cơ ngập lụt, lũ quét sau bão. Đặc biệt là các vị trí có nguy cơ sạt lở đất cao như đồi Phòng Không (xã Đức Hóa), thôn 5 (thị trấn Quy Đạt), thôn Rục (xã Hồng Hóa)...; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày.
Được biết, toàn tỉnh Quảng Bình hiện nay có tổng số 7.313 tàu thuyền đang khai thác hải sản trên biển. Trong đó phần lớn tập trung ở vùng biển vịnh Bắc Bộ, một số khai thác ở vùng biển gần quần đảo Trường Sa, cùng một số tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ.
Từ sáng đến trưa 18-9, Quảng Bình đã bắt đầu có mưa.
Quảng Trị: Người dân đưa tàu cá vào âu, giằng néo nhà cửa
Hàng trăm tàu cá lớn nhỏ được ngư dân đưa vào neo đậu ở âu tàu xã Triệu An, giằng néo chắc chắn. Người dân ven biển dùng bao cát, dây thừng gia cố mái nhà.
Sáng 18-9, tại Quảng Trị có mưa vừa và mưa to. Chính quyền địa phương và người dân cấp tập chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.
Tại huyện đảo Cồn Cỏ, quân dân trên đảo chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; kêu gọi tàu thuyền vào bờ; riêng tàu cá của các hộ dân tại đảo đã đưa lên bờ an toàn.
Trong buổi sáng, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng đảo Cồn Cỏ dùng bao cát gia cố mái nhà dân, các công trình công cộng. Các cây cao trên đảo cũng được cắt tỉa.
Toàn bộ khách du lịch trên đảo được đưa hết vào bờ từ hôm qua. Hiện, các lãnh đạo của huyện Cồn Cỏ túc trực đầy đủ trên đảo để ứng phó với tình hình mưa gió.
Trong khi đó, tại âu tàu ở xã Triệu An (huyện Triệu Phong), Đồn biên phòng Triệu Vân cho ca nô đi dọc sông để tuyên truyền, hướng dẫn người dân vào neo đậu, giằng néo tàu thuyền an toàn. Hiện, âu thuyền này có 180 tàu của tỉnh Quảng Trị và 45 tàu với 134 thuyền viên ngoại tỉnh.
Lực lượng biên phòng cũng tỏa đi các thôn xóm, hỗ trợ các hộ dân neo đơn, già yếu chằng chống nhà cửa, dùng bao cát để gia cố mái nhà.
Cũng trong sáng nay, một cơn lốc xoáy ập vào thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh). Ông Nguyễn Xuân Phương - chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt - cho biết cơn lốc có thiệt hại nhỏ, làm đổ một số biển hiệu, cây xanh và tốc mái một điểm trường mầm non.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, đến chiều qua, toàn tỉnh có 2.278 chiếc tàu/5.564 thuyền viên vào neo đậu an toàn tại các bến, tàu thuyền ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn là 56 chiếc/406 thuyền viên.
Tỉnh Quảng Trị có công điện gửi các địa phương về ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Quảng Trị yêu cầu các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các cơ quan kiểm đếm, quản lý các tàu thuyền còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu đô thị, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Trị đề nghị người dân nâng cao cảnh giác với diễn biến mưa bão, lũ trong 3 - 5 ngày tới, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và ven các sông suối ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Chằng chống nhà cửa cẩn thận, không trú ẩn trong các nhà tạm, công trình xuống cấp; neo đậu tàu thuyền, lồng bè kỹ càng, chắc chắn, tuyệt đối không ở trên lồng bè và tàu thuyền khi có gió mạnh, sóng lớn.
Đài này dự báo từ ngày 18 đến 20-9, Quảng Trị có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, TP Đông Hà, Triệu Phong, Quảng Trị, Hải Lăng, Cồn Cỏ phổ biến từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm; 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông từ 120 - 220mm, có nơi trên 300mm.
Đà Nẵng: Dân quân trực vớt rác, thông dòng tại các kênh vùng trũng
Sau nhiều giờ mưa lớn, nước tại nhiều tuyến kênh đi qua các khu dân cư quận Liên Chiểu dâng cao. Chính quyền đã bố trí máy xúc, nhân lực trực tại chỗ để vớt rác tấp vào các thành cầu.
Tại cầu nối hai bên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam), trưa 18-9, nhiều dân quân tự vệ, lực lượng phòng chống bão lụt có mặt trên thành cầu để vớt, thông dòng các tảng cây lục bình trôi dạt từ thượng nguồn.
Đường Mẹ Suốt, các khu dân cư ở dọc kênh Đa Cô là điểm ngập nặng nề nhất tại TP Đà Nẵng. Năm 2022, trận lụt lịch sử đã khiến nhiều khu dân cư ngập trong biển nước. Nguyên do một phần từ hệ thống tiêu thoát dọc kênh bị thắt nghẹn bởi cây cối, rác thải.
Mặt khác tình trạng cơi nới, lấn chiếm lòng kênh để làm công trình cũng khiến kênh Đa Cô giảm khả năng thoát nước.
Ứng phó với mưa lớn, từ sáng 18-9, lực lượng địa phương đã có mặt ở cầu để ứng trực, vớt rác bám dưới sàn cầu.
Tại các cầu ngang nối đường Tôn Đức Thắng, đường Nguyễn Khắc Nhu, lượng bèo nổi cùng rác thượng nguồn cũng ùn ùn kéo về và dồn ứ.
Chính quyền đã huy động hai máy xúc, nhiều nhân lực ứng trực trong mưa lớn để rác đổ về tới đâu thì nạo vét, thông dòng tới đó. Nhờ vậy tới 11h30, kênh Đa Cô vẫn chưa tràn bờ, người dân vẫn hồi hộp theo dõi mưa lũ trong bất an.
Cuối trưa 18-9, mưa như trút nước vẫn xảy ra diện rộng toàn thành phố Đà Nẵng. Nhiều khu dân cư trũng thấp đã bắt đầu ngập lụt. Trên các tuyến đường nước cũng ngập sâu khiến xe cộ lội bì bõm.
Vùng sạt lở Trà Leng: Sẵn sàng di dời dân những điểm nguy cơ
Lãnh đạo xã Trà Leng, nơi từng xảy ra thảm họa sạt lở năm 2020 cho biết địa phương này lập đội xung kích, sẵn sàng phương án di dời dân tránh mưa lũ, sạt lở núi.
Xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, nơi đã từng trải qua thảm họa sạt lở, lũ quét sau bão số 9 năm 2020 khiến nhiều người chết, mất tích, nhà cửa bị vùi lấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 18-9, ông Lê Đình Lực - phó chủ tịch UBND xã Trà Leng, cho biết trước đó vào cuối tháng 8, xã đã ban hành quyết định kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và những văn bản, phương án phòng chống thiên tai.
Đặc biệt địa phương củng cố lại đội xung kích, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phân công cán bộ đứng điểm các thôn để chủ động phòng chống thiên tai.
Theo ông, từ rạng sáng đến nay ở địa bàn có mưa vừa. Xã cũng có phương án di dời, sơ tán dân, qua kiểm tra những điểm có nguy cơ gồm thôn 1 có 3 điểm, thôn 2 là 5 điểm, thôn 3 là 2 điểm.
Nếu tình hình mưa lũ phức tạp, người dân ở các điểm này sẽ được đội xung kích di dời, sơ tán đến những nơi an toàn như nhà văn hóa, trường học, các nhà dân kiên cố.
Tàu thuyền ở Hoàng Sa đã tránh trú an toàn
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, 24 giờ qua các địa phương trên địa bàn tỉnh có mưa vừa nhiều nơi, có nơi mưa to.
Lượng mưa đo được ở xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) 121mm, phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) 108mm; xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) 104 mm, xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My) 99mm, xã Phước Năng (huyện Phước Sơn) 96mm…
Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nông Sơn, Phước Sơn, Tây Giang.
Tổng số tàu cá 2.576/13.520 lao động, số tàu cá đang hoạt động trên biển là 161 tàu/1.634 lao động. Trong đó có 118 tàu hoạt động vùng lộng, khu vực Hoàng Sa 6 tàu, Trường Sa 37 tàu. Hiện nay các phương tiện ở quần đảo Hoàng Sa đã vào tránh trú an toàn.
Đối với tàu cá QNa 91180TS đang gặp nạn, đến 10h sáng nay tàu CSB 6001 tiếp cận và hỗ trợ lai dắt tàu, dự kiến chiều cùng ngày hai tàu sẽ về đến Hải đoàn 21, huyện Núi Thành.
Các hồ chứa thủy lợi và các công trình đê kè trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn.
Trường hợp không đảm bảo phải tổ chức di dời công nhân, phương tiện thi công đến nơi an toàn.
Hiện nay diện tích lúa thu hoạch 36.500/37.096 ha, diện tích còn lại tập trung ở Núi Thành 47ha, TP Tam Kỳ 50ha và một số huyện miền núi. Thành phố Hội An không tổ chức đón khách ra đảo Cù Lao Chàm.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành công điện chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.
Huế mưa lớn, người dân đem ô tô đến công viên tránh ngập
Dù chỉ mới đón trận mưa lớn đầu tiên của mùa mưa bão nhưng nhiều người dân ở Huế đã lo lắng, đem ô tô đi đến công viên, những nơi cao để tránh bị ngập.
Trong ngày 18-9, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên ở tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn. Trong đó, huyện Phú Lộc có những điểm như Bạch Mã mưa trên 245mm, Lăng Cô trên 200mm…
Do mưa lớn dự báo sẽ kéo dài nên tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi cảnh báo về việc có thể gây nguy cơ ngập úng đô thị ở những nơi trũng thấp ở TP Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà…
Trước cơn mưa như trút nước, nhiều người dân ở TP Huế đã lo ngại việc ô tô của họ bị ngập nên đã hối hả chạy đến chỗ cao ráo.
Đầu giờ chiều, khu công viên trước mặt Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Thừa Thiên Huế đã có rất nhiều ô tô đến đậu. Đây là khu vực cao hơn mặt đường Tố Hữu chừng 50cm và từng là nơi đậu ô tô của cư dân sống quanh khu vực này vào trận lũ lụt lịch sử ở Huế vào năm 2023.
Anh Ngọc Thanh, trú chung cư Aranya (phường Xuân Phú, TP Huế) cho biết dù mưa mới ào ào đổ xuống trong buổi sáng nhưng những tuyến đường như Hoàng Lanh, Nguyễn Lộ Trạch… đã dần xuất hiện những đoạn tụ nước.
"Nếu cứ mưa như thế này thì kiểu gì cũng phải đưa ô tô đi đến chỗ cao. Như trận mưa tháng 11 năm ngoái, nhiều người ở chung cư tôi không kịp đem xe đi chạy lũ khiến hàng trăm xe tiền tỉ bị ngập nước", anh Thanh nói.
Ông Đặng Văn Hòa, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định mưa lớn do áp thấp nhiệt đới hiện nay khó có khả năng gây ngập lụt tương tự như trận lũ vào tháng 11-2023 ở Huế.
Nguyên do là bởi hiện nay các hồ chứa nước ở Huế đang có mực nước an toàn, đồng thời cũng chưa xuất hiện lũ trên các sông.
Tuy nhiên ông Hòa nhận định mưa lớn sẽ gây ngập úng đô thị ở nhiều tuyến đường, khu dân cư thấp trũng ở TP Huế.
Theo ông Hòa, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đang xây dựng một bản đồ ngập lụt, trong đó có thông tin những tuyến đường nào ở TP Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy có thể đậu ô tô trong trường hợp nước các sông dự báo đạt mức báo động 3.
"Hiện nay các bước xây dựng bản đồ, phương án cho phép đậu xe ở những tuyến đường trong trường hợp thiên tai khẩn cấp đang được hoàn thiện và trình những cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến trong tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới bản đồ cùng phương án cho phép đậu xe sẽ được thông qua", ông Hòa nói.
Nghệ An: Cắt tỉa cây xanh, thủy điện Bản Vẽ xả lũ
Tỉnh Nghệ An đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó với mưa lớn được dự báo ảnh hưởng từ áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Ngày 18-9, các công nhân của Công ty cổ phần công viên cây xanh TP Vinh, Nghệ An đang cấp tập cắt tỉa cây xanh để ứng phó với mưa bão.
TP Vinh hiện có khoảng 50.000 cây xanh. Năm nay, công tác cắt tỉa cây xanh được TP Vinh thực hiện sớm, ưu tiên trước đối với các tuyến phố trung tâm đông dân cư và xe cộ, các khu vực trường học.
Ngoài ra, tại các tuyến đường xung yếu, ven sông, các tuyến đường đang thực hiện chỉnh trang vỉa hè, hạ tầng ngầm dẫn đến cây xanh có nguy cơ mất ổn định.
Theo kế hoạch, mùa mưa bão năm 2024, TP sẽ tôn tạo 2.600 cây, rà tán 1.080 cây, thanh lý 107 cây trên 75 tuyến phố, công viên.
Rút kinh nghiệm từ các địa phương các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng bởi bão Yagi, TP Vinh sẽ cắt tỉa các cây có đường kính và chiều cao lớn, cây nặng tán, cây nghiêng nguy hiểm, cây mọc lệch tán, đặc biệt là cành khô, sâu, mục…
Với các tuyến phố mới cải tạo như Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, cây xanh trồng mới sẽ được chống đỡ bằng những thanh kim loại chắc chắn để giúp hạn chế gãy đổ do thiên tai.
Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vinh, giai đoạn năm 2020-2025, thành phố Vinh đầu tư trên 900 tỉ đồng triển khai 33 công trình dự án chống ngập úng. Nhờ vậy, qua các đợt mưa lớn vừa qua, tình trạng ngập úng ở trung tâm TP Vinh đã cải thiện rất nhiều.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết từ 7h sáng 18-9, thủy điện Bản Vẽ - công trình thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ - đã xả nước đón lũ, mức xả từ 800m3/s đến dưới 1.000m3/s.
Tỉnh Nghệ An đề nghị các địa phương, đơn vị thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin xả nước hồ thủy điện để chủ động phòng tránh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận