Hôm qua 22-8, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang ra bản cáo trạng mới truy tố 5 bị can trong vụ án gian lận thi cử tại tỉnh này hồi năm 2018.
Trước đó hơn một tháng, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã phải trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra, bổ sung những chứng cứ quan trọng của vụ án.
Thời điểm đó, Tuổi Trẻ Online đã đặt vấn đề: theo kết luận điều tra và cáo trạng (lần một) của vụ án, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Giang chưa làm rõ được vai trò, trách nhiệm cũng như quá trình tác động nâng điểm của 210 vị phụ huynh đối với 5 bị can để sửa điểm cho 107 thí sinh; cũng như chưa làm rõ được có hay không chuyện "chi tiền chạy điểm" trong vụ án này.
Thế nhưng, theo bản cáo trạng mới ký ngày hôm qua, Viện kiểm sát tỉnh cho biết cơ quan điều tra đã lấy lời khai của phụ huynh, người liên quan đến 99/107 thí sinh. 41 người trong số này khẳng định đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (nguyên trưởng và phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang, là bị can trong vụ án) nâng điểm cho con, cháu họ.
Cáo trạng cũng xác định không có gia đình thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ tác động nâng điểm. Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đều khai chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân...
Như vậy, có thể hiểu rằng sau hơn một tháng điều tra bổ sung chứng cứ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Giang vẫn không thể làm rõ được có hay không vấn đề chi tiền để chạy nâng điểm trong mùa thi năm 2018.
Điều làm rõ được duy nhất tới nay là những lời khai, những giải trình về việc nâng điểm đều do "được nhờ vả từ mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân".
Có thật là như vậy không?
Tạm để qua một bên những nghi vấn "chi tiền nâng điểm" chưa được làm rõ, thì công luận có quyền yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Giang phải làm rõ một vấn đề: những ai, những cán bộ đảng viên nào và thông qua những mối quan hệ như thế nào để "nhờ vả" ông Hoài, ông Lương và một số cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang can thiệp sửa nâng điểm cho thí sinh.
Nói cách khác, phải làm rõ bản chất của sự "nhờ vả" này có phải là "bánh ít đưa đi, bánh quy đưa lại", anh chị giúp tôi sửa nâng điểm cho con, trong tương lai tôi ủng hộ anh chị trong việc bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, cơ hội thăng tiến khác…
Nếu đúng, đây có khác gì một dạng "vụ lợi" mà thứ những người giúp sửa nâng điểm nhận được không phải là tiền, tài sản, mà là những yếu tố phi vật chất.
Chừng nào những nội dung này còn chưa được làm rõ, việc xử lý những cán bộ đảng viên liên quan trong vụ gian lận thi cử tại Hà Giang sẽ không triệt để, không làm cho dư luận và nhân dân "tâm phục khẩu phục".
Điều này càng quan trọng khi hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình đã và đang xử lý rốt ráo các cá nhân liên quan trong vụ gian lận thi cử ở hai tỉnh, còn tỉnh Hà Giang tới nay các động thái triển khai khá chậm trễ dù đây là địa phương có nhiều cái "nhất": phát hiện gian lận thi cử đầu tiên, có số lượng thí sinh được sửa nâng điểm đông nhất (107 em), có số phụ huynh liên quan nhiều nhất (210 người)…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận