18/05/2023 14:06 GMT+7

Cần cơ chế xử lý xung đột khi thực thi nghị quyết mới thay nghị quyết 54

Để đảm bảo tính khả thi của nghị quyết mới thay nghị quyết 54, các chuyên gia cho rằng cần quy định rõ cơ chế xử lý xung đột pháp lý, trách nhiệm trong quá trình thực thi.

Cần cơ chế xử lý xung đột khi thực thi nghị quyết mới thay nghị quyết 54 - Ảnh 1.

Tham dự hội thảo sáng 18-5 có nguyên lãnh đạo TP.HCM, các sở, ban, ngành TP cùng các chuyên gia, nhà khoa học - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Sáng 18-5, Học viện Cán bộ TP.HCM cùng tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học thí điểm cơ chế, chính sách mới vượt trội tại TP.HCM. 

Phân cấp ủy quyền cao hơn để gỡ “nghẽn” khi bỏ chính quyền đô thị

Trong các tham luận thì những khó khăn trong quản lý nhà nước cấp cơ sở được nhiều đại biểu đưa ra trao đổi. Ông Võ Quốc Trường, trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Gò Vấp, nêu quan điểm cần có cơ chế phân cấp ủy quyền cho chủ tịch UBND quận quyết định đầu tư với dự án nhóm C nguồn vốn ngân sách địa phương TP.HCM. 

Bởi khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND quận bị hạn chế, thiếu tính chủ động.

Cụ thể nếu trước khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, công tác lãnh đạo thực hiện dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công sẽ do HĐND cấp huyện quyết định. 

Tuy nhiên sau khi bỏ mô hình này, quyền quyết định chuyển về cho UBND TP, địa phương không còn nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP. 

Mặt khác thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư công trên địa bàn của các quận cũng không còn, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ và ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tương tự, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cũng cho rằng những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền đô thị, đòi hỏi dự thảo nghị quyết mới này cần quy định rõ hơn về cơ chế phân cấp ủy quyền.

Trong đó, đặc biệt quan tâm thẩm quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức về chi trả lương theo khối lượng, hiệu quả công việc. Hay đề xuất cho phép TP thực hiện quy trình thủ tục đơn giản hơn trong việc thu hút, sử dụng nhân tài tham gia khu vực công.

Trước bối cảnh phát triển mới, tiềm ẩn nhiều vấn đề phi truyền thống, theo ông Hiền, TP cần có thẩm quyền được thí điểm các cơ chế chính sách mới theo mô hình “sandbox” để phát triển kinh tế xã hội.

Cần dự liệu xung đột pháp lý khi thực hiện nghị quyết

Cần cơ chế xử lý xung đột khi thực thi nghị quyết mới thay nghị quyết 54 - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - Ảnh: N.T.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản, nhìn nhận những cơ chế chính sách được đề xuất trong dự thảo phản ánh tư duy mới của Đảng, triết lý phát triển mới của đất nước, chứ không đơn thuần nó là câu chuyện của riêng TP.HCM.

Và nếu như nghị quyết được thông qua, TP sẽ có những cơ chế chính sách mới và phân cấp cho các sở ngành, địa phương, chứ không phải chỉ dừng ở cấp tỉnh.

“Qua đây chúng ta phải đặt ra vấn đề, ngay cả trước hoặc sau khi những cơ chế chính sách vượt trội này được thông qua nó cũng chưa thỏa mãn so với yêu cầu phát triển của TP. 

Do vậy chúng ta phải dần hình thành cơ chế tự thân, chứ không phải trong quá trình làm thấy chiếc áo chật mới xin chiếc áo mới”, ông Hà chia sẻ.

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - đánh giá hội thảo lần này đã khẳng định những thành tựu TP.HCM đạt được trong thời gian qua, trong đó có vai trò của nghị quyết số 54, đồng thời dự báo những thách thức đang và sẽ đặt ra đối với sự phát triển của TP trong thời gian tới.

Hội thảo đã dành sự quan tâm đối với việc xây dựng các cơ chế, chính sách đối với TP Thủ Đức, để đảm bảo địa phương này phát triển đúng với kỳ vọng trên cơ sở phân cấp và trao quyền nhiều hơn.

Theo ông, để đảm bảo tính vượt trội và khả thi các cơ chế, chính sách mới cần hướng tới đảm bảo tính mở, dự liệu được các vấn đề trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các xung đột pháp lý, xung đột về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

“Cần xác lập cơ chế ưu tiên trong thực hiện các cơ chế, chính sách của nghị quyết mới nếu xảy ra các xung đột trên, cũng như cài đặt giải pháp tháo gỡ, hóa giải các vấn đề trong tiến trình thực hiện”, ông Phát nói.

Bỏ đề xuất được tăng tỉ lệ điều tiết, nên hay chăng?

Cũng tại hội thảo, bà Phạm Phương Thảo, nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM, trăn trở khi trong dự thảo nghị quyết mới không nói đến việc tăng tỉ lệ điều tiết cho TP.

“Dù trong dự thảo này có nói cho TP vay đến 120%, nhưng nếu không được tăng tỉ lệ điều tiết thì mình vay nhiều vậy lấy đâu để trả, sẽ rất khó khăn”, bà Thảo nói.

Theo bà Thảo, tỉ lệ điều tiết của TP thời gian qua chỉ tăng từ 18-21%, quá thấp so với các đô thị trung tâm trên thế giới. Trong khi mỗi năm TP cần hàng trăm nghìn tỉ đồng để đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhưng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu.

Cần xem xét tăng tỉ lệ điều tiết cho TP và cần ổn định tỉ lệ phân chia ngân sách để địa phương này có thể chủ động về nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đột phá.

Chính sách đột phá cho TP.HCM: phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các tổ chức, cá nhânChính sách đột phá cho TP.HCM: phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các tổ chức, cá nhân

Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa có báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên