12/05/2023 11:03 GMT+7

Chính sách đột phá cho TP.HCM: phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các tổ chức, cá nhân

Ủy ban Tài chính - Ngân sách vừa có báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số chính sách cho TP.HCM được coi là đột phá, song chỉ ở quy mô hẹp - Ảnh 1.

Chiều 12-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thiếu các quy định về trách nhiệm

Cơ quan thẩm tra cho rằng việc xây dựng dự thảo nghiêm túc, công phu, tâm huyết, cầu thị. Đảm bảo tính kế thừa nghị quyết 54, tích hợp một số chính sách tương đồng với các địa phương có cơ chế đặc thù.

Nếu thực hiện thành công thí điểm các chính sách này sẽ tạo tiền đề quan trọng để TP.HCM có bước phát triển mới và tác động tích cực đến cả nước. Hồ sơ dự thảo cơ bản đủ điều kiện trình kỳ họp thứ 5.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, phạm vi chính sách được đề xuất trải rộng trên nhiều lĩnh vực; một số chính sách mới, tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, đời sống, xã hội; chứa đựng nhiều quy định khác với pháp luật hiện hành.

Vì vậy, để có căn cứ vững chắc cho việc quyết định, báo cáo đánh giá tác động cần được chuẩn bị sâu sắc hơn, cụ thể hơn, cả về mặt tích cực và cả những khó khăn, thách thức...

Cạnh đó, cần chi tiết hơn về kết quả đầu ra, nhất là các chính sách tác động đến thu chi ngân sách nhà nước, nguồn lực thực hiện.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ một số vấn đề cần cân nhắc thêm. Trong đó, cần chú trọng hơn nữa những chính sách thực sự đột phá, tạo bước chuyển mới trong khai thác tiềm năng theo đúng nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.

Cơ quan thẩm tra nhận định dự thảo đã có một số chính sách được coi là đột phá, song chỉ ở quy mô hẹp. "Đề nghị nghiên cứu để có bước vượt trội, tránh nhiều về số lượng nhưng hạn chế về sức nặng", cơ quan thẩm tra lưu ý.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, dự thảo tập trung nhiều vào chính sách chi ngân sách. Tuy nhiên, các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi thành phố có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu.

Vì vậy, cần có chính sách thu hợp lý, khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi.

Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, còn thiếu vắng các quy định về trách nhiệm. Đề nghị bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm, bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.

Đặc biệt, về điều kiện bảo đảm triển khai, dự thảo quy định theo hướng tăng cường phân cấp và ủy quyền.

Nhiều nhiệm vụ được giao cho HĐND, UBND TP; phân cấp cho nhiều cấp. Để triển khai các quy định này cần khá nhiều văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm...

Vì vậy, đề nghị quy định rõ trong điều khoản thi hành những công việc cần triển khai; giao trách nhiệm cụ thể, tránh tình trạng ban hành xong nghị quyết nhưng không thể vận hành do tổ chức, cá nhân, các cấp, ngành không rõ căn cứ triển khai.

44 nội dung chính sách cụ thể

Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo nghị quyết có hai loại chính sách với tổng cộng 44 nội dung cụ thể.

Bao gồm các chính sách đã được quy định tại nghị quyết 54 và các nghị quyết cơ chế đặc thù đã được áp dụng ở các địa phương khác hoặc đang quy định tại các dự thảo luật trình Quốc hội.

Các chính sách mới lần đầu tiên được quy định tại dự thảo nghị quyết với 4 nhóm vấn đề gồm đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy.

Tại dự thảo giao Chính phủ trình Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội, cạnh tranh quốc tế để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Theo cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến cho rằng, việc đưa vào dự thảo nội dung trên là chưa đủ căn cứ.

Đề nghị rà soát, quy định theo đúng nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, theo đó chỉ quy định nghiên cứu, sớm trình Quốc hội ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM.

Cạnh đó, dự thảo quy định việc thành lập Sở An toàn thực phẩm. Cơ quan thẩm tra cho hay đa số ý kiến cần thuyết minh về sự cần thiết và tính hợp lý.

Ngoài ra, theo nghị quyết 18 của trung ương, trường hợp đặc biệt cần tăng thêm đầu mối từ cấp vụ, cục hoặc tương đương trở lên phải có ý kiến của Bộ Chính trị. Do đó, nếu việc thành lập Sở An toàn thực phẩm làm tăng đầu mối phải có ý kiến của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội: Sẽ có 27 chính sách mới trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCMChủ tịch Quốc hội: Sẽ có 27 chính sách mới trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến có 8 nhóm chính sách liên quan 44 cơ chế, trong đó có 27 chính sách cụ thể mới được Chính phủ trình trong cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên