Một người đàn ông chờ khách hàng ghé mua đồ trên con đường vắng bóng người ở Bangkok trong bối cảnh thủ đô Thái Lan đang phong tỏa và hạn chế đi lại để ngăn dịch COVID-19 lan rộng ngày 12-7-2021 - Ảnh: REUTERS
Theo báo Bangkok Post, Bộ Y tế Thái Lan ngày 13-7 cho biết nước này ghi nhận thêm 56 ca tử vong và 8.685 ca bệnh mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 353.712 ca, trong đó có 2.847 ca tử vong.
Tính riêng đợt bùng dịch từ đầu tháng 4 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận 324.849 ca bệnh, trong đó có 2.753 ca tử vong và 228.029 người đã bình phục.
Trước đó một ngày, Thái Lan đã ban hành một bộ tiêu chí mà các bệnh nhân COVID-19 cách ly tại nhà hoặc tại điểm cách ly trong cộng đồng phải tuân theo để được hoàn trả chi phí y tế.
Bộ tiêu chí nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện quyết định của Chính phủ Thái Lan trong việc cho phép các bệnh nhân COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly tại nhà hoặc các điểm cách ly được phê duyệt trong cộng đồng của họ.
Theo đó, những bệnh nhân đủ điều kiện sẽ được hoàn trả chi phí y tế ở mức 1.100 baht (33,67 USD) một ngày, trong không quá 14 ngày. Các chi phí thiết bị y tế sử dụng trong thời gian cách ly tại nhà cũng sẽ được nhà nước hoàn trả với mức phí tương ứng.
Theo quy định của Bộ Tài chính, bệnh nhân COVID-19 cũng có thể được hoàn tiền thuốc men, chụp X-quang, xét nghiệm... Trong khi đó, hoàn trả chi phí vận chuyển ca bệnh là 1.100 baht và khử trùng phương tiện vận chuyển là 3.700 baht.
Tại nước láng giềng Campuchia, tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp. Theo báo Khmer Times ngày 13-7, Tòa thị chính Phnom Penh và Bộ Y tế Campuchia đã cảnh báo về một đợt phong tỏa tiềm năng khác nếu người dân, đặc biệt là giới trẻ, không tuân thủ các biện pháp phòng dịch hiện tại.
Bộ Y tế Campuchia cho biết các ca bệnh nhập khẩu và biến thể Delta đang đe dọa các tỉnh biên giới, đặc biệt sau khi nhiều lao động nhập cư trở về từ Thái Lan mắc COVID-19, góp phần làm tăng số ca bệnh theo ngày ở nước này.
Bộ Y tế khẳng định Campuchia đã chạm tới lằn ranh đỏ về nguy cơ lây lan COVID-19. Bộ cho biết chỉ khi người dân hợp tác và tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế trong lĩnh vực kinh tế thì xã hội mới có thể trở lại bình thường.
Campuchia ngày 12-7 ghi nhận thêm 911 ca bệnh và 23 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh toàn quốc lên 61.870 ca, trong đó có 925 ca tử vong.
Một khu phố ẩm thực ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 12-7-2021 trong bối cảnh chính quyền đang siết các biện pháp phòng dịch - Ảnh: REUTERS
Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy y tế nghiêm trọng trong khi liên tiếp ghi nhận kỷ lục về số ca bệnh trong 24 giờ.
Theo Hãng tin Reuters, Indonesia ngày 12-7 ghi nhận thêm 40.427 ca bệnh và 891 ca tử vong. Cho tới nay, Indonesia có trên 2,5 triệu ca bệnh, trong đó có 67.355 ca tử vong, và là quốc gia có số ca bệnh cao nhất Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh cũng không khả quan tại một số quốc gia châu Á.
Theo Reuters, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận trên 1.000 ca bệnh trong 24 giờ trong ngày thứ 7 liên tiếp. Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 13-7 báo cáo thêm 1.150 ca bệnh trong 24 giờ.
Tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc là 170.296 ca, trong đó có 2.048 ca tử vong.
Thủ đô Seoul và các tỉnh lân cận đã bước vào hai tuần chống dịch nghiêm ngặt chưa từng có từ ngày 12-7. Để ngăn chặn đợt bùng dịch thứ tư, Chính phủ Hàn Quốc đã cấm tụ tập trên 3 người sau 18h, đóng cửa trường học và các hoạt động hiếu hỉ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình. Các cơ sở thể thao, giải trí phải đóng cửa và nhà hàng chỉ được hoạt động đến 22h.
Trong khi đó, bang New South Wales ở Úc ngày 13-7 ghi nhận thêm 89 ca bệnh trong 24 giờ, giảm so với 112 ca bệnh trong 24 giờ của ngày trước đó.
Dù vậy, bang đông dân nhất nước Úc vẫn đối mặt với nguy cơ kéo dài lệnh phong tỏa, sẽ hết hạn vào ngày 16-7, nếu tình hình không khả quan hơn. Hiện thành phố Sydney và một số khu vực lân cận trong bang New South Wales đã bước vào tuần thứ ba phong tỏa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận