Quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký ngày 20-6 nêu rõ: Sau hơn 3 năm đại dịch COVID-19 hoành hành ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ, ngày 5-5 Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, cho phép chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 như hầu hết các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác.
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh được chú trọng vào phát hiện, cách ly sớm trường hợp nghi mắc và tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh.
Cụ thể, người bệnh có dấu hiệu mắc COVID-19 (ho, sốt) khi đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chỉ dẫn khám tại phòng khám truyền nhiễm; thực hiện xét nghiệm chẩn đoán nhanh COVID-19.
Những trường hợp dương tính COVID-19 phải nhập viện được cách ly, điều trị tại khoa cấp cứu (nếu người bệnh ở trong tình trạng cấp cứu) hoặc được cách ly, điều trị theo chuyên khoa.
Tại các khoa lâm sàng, nếu phát hiện người bệnh mắc COVID-19 thì chuyển người bệnh vào buồng cách ly của khoa để cách ly, điều trị.
Buồng khám bệnh truyền nhiễm, hô hấp; khu vực tiếp đón (khoa cấp cứu) và các buồng cách ly tại các khoa lâm sàng phải đảm bảo yêu cầu về thông khí và luôn có sẵn các điều kiện, phương tiện cách ly theo quy định.
Nhân viên y tế trực tiếp thăm khám người mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cần mang khẩu trang y tế và găng tay, tuân thủ nghiêm quy định vệ sinh tay.
Về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, Bộ Y tế lưu ý tất cả nhân viên y tế khi thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh COVID-19 tuân thủ đúng các bước lựa chọn, sử dụng, tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo hiệu quả an toàn theo nguy cơ lây nhiễm.
Khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Đồng thời, cơ sở khám chữa bệnh tăng cường thực hành vệ sinh tay; vệ sinh khử khuẩn các môi trường bề mặt và phương tiện vận chuyển, chăm sóc người bệnh. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở một số tình huống đặc biệt như: phẫu thuật người bệnh COVID-19; bảo vệ người bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tư vấn người bệnh tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo lịch tiêm chủng và các hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, tại Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngày 30-8-2022 của Bộ Y tế, kết quả xét nghiệm COVID-19 thực hiện xác định bằng PCR, theo hướng dẫn mới ca COVID-19 mới được xác định chẩn đoán nhanh.
Hướng dẫn trước đó cũng yêu cầu cơ sở y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt các phương tiện phòng hộ cá nhân theo cấp độ tiếp xúc; khu cách ly điều trị COVID-19 phải được chia thành ba vùng theo cấp độ lây nhiễm (thấp, trung bình, cao)… tại hướng dẫn mới đã không còn.
Như vậy so với các hướng dẫn trước đó, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành đã có nhiều nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, sang quản lý COVID-19 như hầu hết các bệnh truyền nhiễm nhóm B khác.
3 đường lây truyền COVID-19
Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế cho hay theo các bằng chứng hiện tại cho thấy vi rút lây truyền qua ba đường:
Lây truyền qua giọt bắn: vi rút phát tán ra từ miệng hoặc mũi của người bị bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở.
Lây truyền qua tiếp xúc: xảy ra khi tay ô nhiễm do tiếp xúc với các dịch tiết, bề mặt ô nhiễm vi rút sau đó động chạm vào các vị trí mắt, mũi, miệng.
Lây truyền qua không khí: vi rút lây lan từ các tiểu phần dịch hô hấp nhỏ phát tán ra từ miệng hoặc mũi của người bị bệnh khi họ ho, hắt hơi, nói, hát hoặc thở.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận