18/09/2017 10:39 GMT+7

Bình Nhưỡng né trừng phạt như thế nào?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các trừng phạt không thể ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hay thậm chí xuất khẩu thiết bị quân sự ra nước ngoài. Tờ South China Morning Post mới đây tổng hợp các cách mà Bình Nhưỡng đã né cấm vận.

Bình Nhưỡng né trừng phạt như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un chỉ đạo chương trình hạt nhân của Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Tuần trước, Bộ tài chính Mỹ đã tiết lộ Triều Tiên đã sử dụng cơ chế đặc biệt để bán các mặt hàng như than, trong đó có sự hậu thuẫn rất lớn của Nga và Trung Quốc.

Thứ nhất, Triều Tiên sử dụng hình thức đổi chác trực tiếp mà không cần sử dụng tiền, không để lại dấu vết giao dịch. Trong một số trường hợp, nước này nhận thanh toán bằng USD, euro hay nhân dân tệ trong bối cảnh đồng won (KPW) của nước này mất giá trầm trọng, còn khoảng 1.000 won đổi một USD, theo Washington Post.

Chẳng hạn với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là than, Bộ tài chính Mỹ dẫn ví dụ một công dân Trung Quốc tên Chi Yupeng sử dụng công ty vật liệu Dandong Zhicheng để đổi các bộ phận tên lửa, hạt nhân lấy thép, than của Bình Nhưỡng.

Cách mà Triều Tiên vận chuyển than cũng ly kỳ như phim. Trợ lý bộ tài chính Mỹ phụ trách tài chính khủng bố Marshall Billingsley tiết lộ các tàu hàng từ Trung Quốc thường tắt thiết bị định vị để tránh bị theo dõi trước khi vào các cảng của Bình Nhưỡng để lấy than. Những hình ảnh này được chụp lại từ vệ tinh. Sau đó, các tàu này sẽ trở lại nơi đã tắt định vị, bật lại thiết bị và chạy thẳng sang Nga.

Triều Tiên cũng bị cáo buộc làm giả đăng ký tàu khi nhiều tàu hàng của công ty Quản Lý Hàng Hải Đại Dương của nước này nhiều lần đi vào vùng biển quốc tế dù được đăng ký là tàu nội địa.

Trong khi đó, theo tờ Manila Bulletin của Philippines, 18 quốc gia Thái Bình Dương mới đây đã đồng loạt kiểm tra lại toàn bộ tàu đăng ký ở khu vực này sau khi Fiji phát hiện 20 tàu mang cờ Fiji nhưng không đăng ký. Ngoại trưởng New Zealand Gerry Brownlee lo ngại tàu hàng của Triều Tiên gắn cờ giả của các nước để tránh cấm vận.

"Như chúng tôi biết thì GDP được công khai của Triều Tiên không đủ lớn để hỗ trợ chương trình hạt nhân mà họ đang vận hành nên phải có chợ đen hoặc đường ngoài đi vào quốc gia này" - Ông Brownlee nói.

Ngoài khoản tiền từ xuất khẩu, Bình Nhưỡng cũng có nguồn thu nhập ổn định khoảng 500 triệu USD từ hơn 100.000 lao động ở nước ngoài.

Theo thông tin của SCMP, Triều Tiên cũng thành lập các công ty bình phong để tạo tài khoản ngân hàng chuyển tiền quốc tế. Tờ này dẫn một báo cáo của Liên Hiệp Quốc khẳng định Glocom, một công ty sản xuất thiết bị liên lạc quân sự của Bình Nhưỡng, có vô số công ty bình phong như vậy.

"Một hóa đơn thôi cũng thường phải đi qua một loạt giao dịch" - báo cáo viết.

Trong nhiều trường hợp, các nhân viên ngoại giao cũng tham gia mở các tài khoản liên ngân hàng dưới tên mình hoặc tên các công ty bình phong.

Kết quả là Triều Tiên khá thành công trong việc buôn bán vũ khí, thậm chí đào tạo quân sự cho một số nước đặc biệt là ở châu Phi. "Cuộc điều tra của LHQ cho biết khách hàng bao gồm Angola, Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda và Tanzania".

Cuối cùng, Bình Nhưỡng cũng cải tiến các thiết bị phi quân sự thành thiết bị quân sự. Chẳng hạn trong đợt phô diễn quốc phòng hồi 4-2017, hình ảnh từ truyền thông cho thấy chiếc xe chở tên lửa hàng nhân của Triều Tiên là từ hãng xe Sinotruk của Trung Quốc. Công ty này chỉ thừa nhận bán xe dân sự cho Bình Nhưỡng.

Bình Nhưỡng né trừng phạt như thế nào? - Ảnh 2.

Một tàu chở khách của Triều Tiên trên sông Yalu - Ảnh: Reuters

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên