Nhà tôi khi ấy nghèo lắm, cả nhà chín miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và đồng lương ít ỏi của ba. Ba mẹ vất vả khổ cực là thế nhưng bảy anh chị em của tôi đều được ăn học đến hết lớp 12, kể cả đại học và cao đẳng.
Có lúc anh chị vì thương ba mẹ định bỏ học để đỡ đần các em nhưng ba mẹ tuyệt đối không cho. Tất cả mọi thứ đều ưu tiên cho việc học và mua sách vở cho chúng tôi. Vì vậy, việc ra quán ăn một tô bún với anh em tôi là một điều hết sức xa xỉ.
Dù gia cảnh khó khăn là thế nhưng đứa con út như tôi vẫn được ba chiều chuộng hơn các anh chị trong nhà.
Tối hôm ấy, tôi cứ nằng nặc đòi ba dẫn đi ăn bún cho bằng được. Cuối cùng ba cũng xiêu lòng đèo anh em tôi đi ăn bún - việc chưa bao giờ xảy ra. Lần đầu tiên trong đời tôi nghiệm ra một chân lý là cứ kiên trì sẽ... thành công. Anh trai kế hơn tôi ba tuổi cũng được ba dẫn ra quán, lần đầu.
Không nói thì cũng biết hai đứa háo hức như thế nào. Mặc dù cực kỳ khát nước, tôi cũng không dám uống vì sợ lỡ... no rồi không ăn được thì phí!
Quán bún ngay ngã tư thị trấn. Cô chủ quán có tạng người khá to lớn, mọi người hay gọi là cô Tư "ù". Cảm giác ngồi vào bàn, lau đũa, lau muỗng và chờ món ăn mới thú vị làm sao, giống như chúng tôi sắp sửa bước vào một bữa tiệc hoàng gia chứ chẳng chơi.
Cô chủ đến bên bàn của ba cha con tôi, cô cười trông hiền lắm chứ không đáng sợ như ngoại hình quá khổ kia: "Ba cha con ăn gì đây, bún giò, bò hay cá?".
Ba tôi cứ ậm ừ mãi. Chưa bao giờ tôi thấy ba mình lúng túng và bối rối như vậy. Mãi không thấy ba trả lời, cô Tư gợi ý luôn: "Hay làm ba tô cá đi ha. Chỉ năm nghìn một tô thôi".
Ba tôi luống cuống đưa tay vào túi quần rồi rút ra một tờ bạc hai nghìn đồng. Ông nhìn vào đôi mắt háu ăn của anh em tôi rồi hít một hơi thật sâu, nói: "Cô cho tôi một tô nhiều bún với nước giá hai nghìn cho hai đứa nhỏ".
Cô Tư cầm tờ tiền, nhìn ba cha con tôi rồi mỉm cười ra quầy múc bún. Nụ cười ấy có lẽ là nụ cười đẹp nhất mà tôi từng thấy. Hai anh em tôi chưa bao giờ được ăn quán nên cũng chả biết tô bún nước ấy sẽ như thế nào. Chúng tôi ngồi nghịch đũa với nhau phấn khích chờ đợi. Nhoáng một cái, cô Tư đã bưng ra một tô bún nóng hổi với đĩa rau sống tươi ngon.
"Bún của hai anh em đây nhé!".
Tôi lúc ấy cũng không hề thắc mắc là tại sao chỉ có một tô, chỉ biết là tôi sắp được ăn món bún ngon nhất hành tinh. Mặt ba lúc ấy buồn lắm, nhưng cố thật vui vẻ đẩy tô bún lại phía anh em tôi:
"Hai đứa ăn đi cho nóng, cả quán này chỉ có duy nhất một tô đặc biệt không cho thịt nên hai anh em con cùng ăn chung đi nha".
Hai anh em tôi cứ hí hửng tưởng tô bún ấy đặc biệt thật nên thay phiên nhau ăn ngấu nghiến, hì hụp húp đến khi trong tô hết nhẵn mới sực nhớ ra ba tôi vẫn đang chăm chú ngồi nhìn anh em tôi ăn ngon lành.
"Ủa, sao nãy giờ ba không ăn?" - tôi hỏi sau khi đã chén sạch bát bún. Ba tôi vỗ lên bụng bình bịch: "Ba còn no quá chừng no...".
Hai đứa ngoan ngoãn chào cô chủ quán rồi leo lên xe cho ba đạp về. Đêm ấy chúng tôi đã ngủ thật ngon và mơ những giấc mơ thật đẹp.
Bát bún năm ấy đã giúp anh em tôi tràn đầy tin yêu và hi vọng sống. Dù khó khăn chất chồng vẫn tìm thấy tia hi vọng, sự lạc quan giống như cách nhìn về tô bún đặc biệt ấy của ba tôi lẫn nụ cười trìu mến và thái độ phục vụ ân cần của cô chủ quán lúc đó.
Nếu năm ấy ông chấp nhận đầu hàng số phận, thừa nhận mình không đủ tiền để mua nổi cho anh em tôi tô bún thì có lẽ đã không có những người trẻ tự tin, đầy hi vọng như chúng tôi hôm nay.
Thay vì tỏ thái độ khinh khi với người nghèo, cô Tư năm ấy đã dạy cho chúng tôi bài học về sự tôn trọng và cả lòng cảm thông chỉ với giá hai nghìn đồng.
Chúng tôi bây giờ đã lớn, đã nếm qua những món ngon lạ mắc tiền nhưng có lẽ khoảnh khắc hạnh phúc khi được tận hưởng bát bún ngon nhất quả đất ấy cả đời này chúng tôi không bao giờ quên.
Cảm ơn ba đã thật kiên cường và lạc quan trong những năm tháng ấy. Ba mãi là niềm tự hào và là món quà tuyệt vời nhất mà Thượng đế đã ban cho chúng con.
Từ ngày 25 đến 28-5, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Vũ Thị Phương, Tăng Mỹ Ngân, Vũ Thị Ngọc Thu, Mai Khâm, Tạ Ngọc Hiền, Phạm Minh Hiền (TP.HCM); Nguyễn Thị Quỳnh Nhi (Lâm Đồng); Lê Thu Thảo, Đỗ Văn Nga, Đinh Quang Hoạch (Hà Nội); Trần Thị Kim Giang (Tiền Giang); Hà Đào (Tân Bình); Nguyễn Văn Danh (Phú Yên); Lê Ngọc Hạnh (Bình Dương); Nguyễn Thị Huyền Nga, Mai Thắng (Vũng Tàu); Lê Tấn Thời (An Giang).
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận