19/05/2018 17:10 GMT+7

Chiếc ghế đá bệnh viện

NGUYỄN PHI
NGUYỄN PHI

TTO - Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Chiếc ghế đá bệnh viện - Ảnh 1.

Đúng giờ hẹn lấy kết quả sinh thiết cho mẹ, tôi len lỏi qua đám đông đứng ngồi chen chúc trên vỉa hè phố Quán Sứ để vào Bệnh viện K. Hai ngày trước khi nội soi, bác sĩ nói tới 90% mẹ tôi bị ung thư dạ dày, nhưng vẫn còn chút hi vọng là không phải. Có thể đó chỉ là một khối viêm bị co kéo, sùi lên dạng hình nấm.

Dạng hình nấm, trước đây tôi cũng có chút hình dung về nó qua bức ảnh thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Tôi có 10% để hi vọng.

Tôi nhận kết quả tại phòng khám nhưng không mở ra ngay, mà cầm ra ngoài sân bệnh viện. Chọn một cái ghế đá cạnh gốc cây, tôi bóc ra.

Trên đó không có chữ "ung thư", chỉ nhìn thấy chữ "carcinoma tế bào nhẫn", tôi mở vội Google để tra. Đấy cũng là cụm từ mà sau này tôi cứ tra đi tra lại đến hàng nghìn lần và thuộc lòng từng trang tài liệu. Lúc đó, trang tài liệu đầu tiên đập vào mắt tôi đã giải thích ngay: "carcinoma" là ung thư. Ung thư tế bào nhẫn là ung thư khó chữa bậc nhất...

Rất lâu sau tôi mới đứng dậy khỏi ghế đá.

Tôi chỉ nhớ trước khi đứng lên, tôi ngửa mặt lên và nhìn thấy những cành cây khẳng khiu trên đầu mình. Lúc đó vừa ra tết. Cây bằng lăng như bộ xương gầy guộc in hằn lên bầu trời, sập xuống mắt tôi...

***

30, 40 hay thậm chí là 50 vẫn chưa phải là tuổi có thể hiểu được giá trị của cuộc đời. Con người trưởng thành vỡ vạc ra không chỉ do năm tháng, mà còn do các biến cố.

Tôi đã sắp bước sang tuổi 40 khi tôi nhận kết quả sinh thiết dạ dày của mẹ. Tuổi đó, tôi tưởng tôi đã trải qua đủ thứ cay đắng của cuộc đời, nhưng hóa ra không phải, trước đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn tuổi. 

Đứa trẻ ấy nhìn cuộc đời và chỉ thấy sự tiến lên, có thua thiệt thì cũng chỉ là trong cuộc ganh đua với người đời. Chứ tôi chưa biết mặt bên kia của cuộc sống, đó là sự phai tàn, mất mát, là số phận, là trời định, là cái chết. Đó mới là những thứ mình không thể cưỡng lại được.

Lái xe trên đường về mà nước mắt tôi trào ra, đôi lúc khóc nấc lên thành tiếng. Tôi hình dung tới cảnh mẹ tôi trọc đầu, cắm ống đầy người, héo tàn như bộ xương và chết dần trong đau đớn tận cùng. Ung thư, lúc bấy giờ tôi hiểu là thế.

Anh bạn tôi, bác sĩ điều trị ung thư, an ủi tôi rất nhiều, nhưng tôi không nghe được điều gì. Cuối cùng, anh nói ngắn gọn: giống như cậu cho ngón tay vào cốc nước sôi bỏng. Ban đầu cậu không chịu được. Nhưng cuối cùng cậu sẽ chịu được.

Tôi sẽ không kể về 6 tháng ròng rã điều trị cho mẹ tôi, hết phẫu thuật cắt dạ dày đến 7 đợt truyền hóa chất, mỗi đợt kéo dài 2 ngày 3 đêm. Hóa chất tràn ra do vỡ ven khiến tay mẹ tôi xám lại, sưng phồng. 

Những hôm nửa đêm về sáng, trực cơ quan xong, tôi phi xe vào bệnh viện vắng vẻ, dựng xe cạnh chiếc ghế đá ướt lướt thướt dưới gốc cây bằng lăng, ngồi nhẩm tính từng ngày đã trôi qua, lắm hôm còn ngủ quên ngay trên ghế đá, hoặc ngủ vạ vật trong xe.

Tôi dần nhận ra rằng chiếc cốc nước nóng mà ngón tay tôi ngâm vào vẫn khiến đau nhức như ban đầu, nhưng đôi khi nó dịu đi bởi một vài may mắn xuất hiện. Hóa ra trong bất kỳ bất hạnh nào, con người vẫn không ngừng hi vọng để khỏi rơi vào những bất hạnh lớn hơn. 

Ung thư là bất hạnh lớn, nhưng ung thư giai đoạn cuối sẽ khác hẳn với giai đoạn đầu, khác như thể án tử hình so với án treo. Lại những thời khắc thót tim trước phòng bác sĩ để nhận kết quả giải phẫu bệnh.

Truyền hóa chất rụng hết tóc là nỗi sợ hãi tột cùng của chúng ta khi nghĩ về ung thư. Nào ngờ đâu, khi nhận thông báo đủ điều kiện truyền hóa chất cho mẹ, tôi lại mừng rớt nước mắt. Truyền được hóa chất là còn may mắn. Lại những ngày chờ kết quả xét nghiệm gen HER-2 xem có điều trị "trúng đích phân tử" được không; chờ kết quả chụp Pet xem có "tồn dư" tế bào lạ trong cơ thể như thế nào.

Tôi không kể nhiều về những ngày điều trị cho mẹ nữa. Ai có thân nhân bị ung thư cũng đều trải qua những cung bậc như thế, tột cùng đau khổ, nhen nhóm hi vọng, rồi lại bị giội những gáo nước lạnh, rồi lại lập cập đứng lên...

Sáu năm đã trôi qua, nhờ trời, sức khỏe mẹ tôi vẫn ổn định. Mỗi lần đi qua đường Quán Sứ (Hà Nội) nhìn đám đông ngồi la liệt trên vỉa hè, có người còn cầm theo cả bình truyền thuốc với dây nhợ lằng nhằng..., tôi không còn thờ ơ nữa. Bởi trong những người ấy từng có tôi, có mẹ tôi, có các anh em tôi lăn lộn trực chờ gom nhặt từng mẩu hi vọng. 

Nhớ hôm cuối cùng vào viện lấy giấy xuất viện, cảm ơn các bác sĩ, y tá xong, qua thăm những người bệnh cùng phòng còn nằm lại, tôi dựng xe bên ghế đá ngồi nghỉ, duỗi tay duỗi chân, thưởng thức những ngày an nhàn đầu tiên. Phía trước vẫn còn là một chặng đường dài, cứ 3 tháng, rồi 6 tháng một lần phải cho mẹ vào viện kiểm tra một bận để nhận thêm "quota" cuộc đời...

Ngồi trên ghế đá một lúc, tôi ngẩng đầu lên. Tôi giật mình, phía trên đầu tôi không phải là những cành cây gầy trơ xương, mà là vòm lá xum xuê của cây bằng lăng tím. Kể từ ngày đầu tiên tôi nhận kết quả sinh thiết của mẹ dưới gốc cây này đến giờ đã 6 tháng, cây bằng lăng đã kịp trổ một mùa hoa tím ngát.

Từ ngày 15 đến 17-5, Tuổi Trẻ đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Ha Ho; Trần Thị Hải, Nguyễn Hải Phượng, Nguyễn Văn Công (Đồng Nai); Nguyễn Diệu Linh, Phạm Đình Phong, Nguyễn Thị Kim Oanh, Kiều Khánh Linh, Nguyễn Thị Mai (Hà Nội); Nguyễn Thùy Gương (Đồng Tháp); Thu Hiền, Nguyễn Mai Duyên, Lê Thị Việt Nga (Đà Nẵng); Nguyễn Công Liệt (Long An); Ba Dia Chau; Trương Thị Ngọc Lý, Trần Thị Tiêu (Huế); Nguyễn Thu Thủy (TP.HCM); Trần Đức Lộc (Đà Lạt); Mai Thắng (Vũng Tàu).

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Trân trọng.

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Giọt nước mắt trên rẫy bắp Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Giọt nước mắt trên rẫy bắp

TTO - Chuyện xảy ra năm tôi lên 12 tuổi và đó là bài học vô giá, vì một phần nhờ nó mà tôi nên người.

NGUYỄN PHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên