12/05/2018 14:44 GMT+7

Giọt nước mắt trên rẫy bắp

HỮU CHƠN (TP.HCM)
HỮU CHƠN (TP.HCM)

TTO - Chuyện xảy ra năm tôi lên 12 tuổi và đó là bài học vô giá, vì một phần nhờ nó mà tôi nên người.

Giọt nước mắt trên rẫy bắp - Ảnh 1.

Cuối thập niên 1970, huyện Hoài Ân quê tôi là một trong những huyện nghèo của tỉnh Nghĩa Bình (nay là Bình Định).

Chưa "bần cùng" đã sinh "đạo tặc"

Sự thiếu thốn vật chất là điều dễ dàng nhận biết qua từng mái nhà tranh, vách đất xiêu vẹo mà cứ sau mỗi mùa mưa bão là phải dựng lại, hay những đứa trẻ lớn tồng ngồng nhưng vẫn phong phanh bộ quần áo vá chằng vá đụp cùng với đôi chân trần chai cứng.

Miếng cơm manh áo là nỗi lo duy nhất lúc ấy. Bởi thế nên trẻ con thất học hoặc nghỉ học sớm là chuyện thường tình.

Điều khiến tôi chú ý và sau này cứ day dứt mãi là hình ảnh cả ba mẹ con đều khóc. Nước mắt họ còn nhiều hơn những hạt bắp...

Tuy nhiên, gia đình tôi ít khó khăn hơn so với nhiều người khác. Trong khi hàng xóm phải chạy ăn từng bữa thì nhà tôi cũng đủ gạo nấu cơm ngày hai lần. Anh em tôi được đến trường từ khi lên sáu tuổi. Mặc dù chưa dư dả gì, nhưng thời điểm ấy được như nhà tôi không phải là nhiều.

Hồi học cấp I, tôi chỉ phải học buổi sáng, chiều đến tôi hay đi theo các bạn thả bò dưới chân một quả đồi trong thôn. Trong lúc bò gặm cỏ, chúng tôi tổ chức chơi những trò mà trẻ con thời ấy đều biết, từ thả diều đến trốn tìm hay đánh đáo...

Chiều hôm ấy, chơi chán chê rồi mà trời vẫn chưa tối nên chúng tôi ngồi tán dóc. Nhiều đứa trong nhóm than đói bụng, một phần vì đang lúc giáp hạt nên bữa trưa chúng chỉ được ăn hơn một chén cơm. Với tuổi ăn tuổi lớn thì chừng đó thấm vào đâu, chẳng khác nào muối bỏ biển.

Bỗng một đứa nói rằng bên trên ngọn đồi có rẫy bắp vừa đến lúc thu hoạch nhưng không có ai trông coi, nếu lên bẻ trộm cũng chẳng ai biết. Bắp đầu mùa mà nướng thì ngon phải biết.

Thế là cả nhóm hăm hở kéo lên. Công sức người chủ gieo trồng, chăm sóc chắc mấy tháng trời mới được như vậy, nhưng công đoạn "triệt hạ" lại nhanh đến chóng mặt. Nhất là với kẻ hái trộm thì tốc độ còn khủng khiếp hơn. Chẳng mấy chốc, rẫy bắp bị tàn phá như qua một trận bão. Chúng tôi vừa bẻ vừa giẫm đạp không thương tiếc, nên những gì còn lại chỉ là cảnh hoang tàn.

Chúng tôi ăn thì ít, mà bỏ vương vãi thì nhiều. Lượng bắp còn thừa có lẽ phải vài chục ký nhưng không đứa nào dám mang về, sợ bị người lớn "truy xuất" nguồn gốc nên chúng tôi ném bừa bãi nhiều nơi.

Chiều hôm sau, chúng tôi vừa đến gần chỗ hay thả bò thì thấy một phụ nữ dẫn theo hai đứa bé, một trai một gái chừng 4-6 tuổi. Cả ba con người đi tìm, nhặt nhạnh từng trái bắp nằm lăn lóc. Điều khiến tôi chú ý và sau này cứ day dứt mãi là hình ảnh cả ba mẹ con đều khóc. Nước mắt họ còn nhiều hơn những hạt bắp...

Lời dạy "Đói cho sạch, rách cho thơm"

Đó là chị M., chồng chị qua đời hai năm trước do bệnh. Chị vừa làm mẹ vừa làm cha và rẫy bắp tội nghiệp kia là nguồn sống rất quan trọng của ba mẹ con. Nhưng chúng tôi đã tàn phá cả mùa vụ đó.

Chuyện bẻ trộm bắp của chúng tôi chỉ có... rẫy bắp biết. Song, hoàn cảnh gia đình chị đã khiến cả nhóm thực hiện một quyết định dũng cảm: đến tận nhà xin lỗi chị.

Dù rất giận và đứt ruột đứt gan, nhưng chị vẫn mở lòng khoan dung. Chị khuyên chúng tôi hãy lấy đó làm bài học nhớ đời, câu nói của chị hôm ấy tôi vẫn thuộc tới giờ: "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Chị biết các em chẳng qua vì nghịch ngợm chứ không phải thói quen. Nhưng "đói cho sạch, rách cho thơm", hãy biết quý trọng những gì của người khác như của chính mình vậy".

Để "lấy công chuộc tội", nhiều ngày sau đó chúng tôi tự nguyện đến "khắc phục hậu quả" bằng cách thu dọn rẫy bắp và làm đất để trồng vụ mới. Hằng ngày, cả nhóm vẫn đưa bò đến thả và kiêm luôn việc trông nom vườn bắp cho chị. 

Thỉnh thoảng vào chủ nhật, chúng tôi tới giúp chị dọn dẹp nhà cửa. Dần dà chị xem chúng tôi như con, hai bé của chị xem nhóm tôi như những người anh. Kể từ đấy chúng tôi có thêm một gia đình nữa.

Thân thiết với gia đình "nạn nhân" nên tôi được biết thêm chị từng học hết cấp III (điều rất hiếm ngày ấy), song hoàn cảnh khiến chị phải gác lại giấc mơ học tiếp. Thế rồi duyên số đưa chị về làm dâu đất này. Tầm hiểu biết của chị vượt xa thân phận một phụ nữ nông dân, nhờ đó chúng tôi được học hỏi từ chị nhiều điều hay.

Vài năm sau, chị đưa hai con về quê nhà tại Quảng Bình sinh sống nên chúng tôi không có dịp gặp lại chị. Nhưng trong thâm tâm, mỗi người luôn tự nhủ phải sống tốt, sống đẹp để chuộc lại lỗi lầm và xứng đáng với lòng vị tha của chị. Đó cũng là khoảnh khắc vấp ngã đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời tôi.

"Băng trộm" bắp ngày xưa giờ đây có người là bác sĩ, có người đang hằng ngày đứng trên bục giảng... Còn tôi phục vụ trong cơ quan bảo vệ pháp luật. Gần 30 năm công tác, tôi từng cảm hóa được nhiều phận đời trót lầm đường lạc lối từ câu chuyện bản thân và cách ứng xử của người phụ nữ ấy.

Mỗi dịp tết về thăm quê, lũ chúng tôi đều hàn huyên, ôn lại kỷ niệm xưa để nhắc nhở mình dù ở hoàn cảnh nào cũng phải sống trong sạch như lời chị dạy ngày trước: "Đói cho sạch, rách cho thơm".

Nếu chị đọc bài viết này, cho tôi được một lần nữa xin lỗi và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc.

Cuộc thi viết "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi"

Thể lệ: Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email. Độ dài tối đa: 1.500 chữ.

Tiêu chí: câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động. Bài viết chưa từng được đăng, phát trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Các bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).

Giải thưởng: nhất: 30 triệu đồng, nhì: 20 triệu đồng, ba: 10 triệu đồng và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.

Thời gian bắt đầu và kết thúc: Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.

Đối tượng dự thi: Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên thường xuyên của báo Tuổi Trẻ). Mỗi tác giả được gửi tối đa 2 bài. Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Gửi về: báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam) hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email, vui lòng ghi Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".

Tòa soạn

Kể từ ngày phát động cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi", Tuổi Trẻ đã nhận được bài viết của các tác giả: Bình Nguyễn (Hữu Chơn), Bùi Thanh Tuấn, Lê Tuyết, Trần Ninh Bình, Đào Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Cảm, Phạm Văn Thọ, Lê Phương Trí (TP.HCM); Phạm Đình Phong, Lê Hải Nhung (Hà Nội); Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng); Nguyễn Văn Tiệt, Nguyễn Minh Út (Tú Nguyên) (Long An); Trần Thanh Huyền, Nguyễn Kim Phượng (Cần Thơ); Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu); Lê Tấn Thời (An Giang); Lại Thị Ngọc Hạnh (Đại Lâm) (Đắk Lắk); Đỗ Ánh Nguyệt (Thái Nguyên); Mỹ An (An Nhiên) (Bình Dương); Vũ Thị Huế (Lâm Đồng); Phạm Văn Bình (Thanh Bình) (Quảng Ninh); Hồ Hữu Thiện (Đồng Nai); Nguyễn Ngọc Hà, Khánh Ngọc (Phan Tuyết), Lê Thạch, Nguyễn Chí Dũng (Thiên Anh), Bùi Hiển, Trần Thị Phượng (Nhiên Phượng), Trần Thị Diệu Hiền.

Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Trân trọng.

Cùng chia sẻ Cùng chia sẻ 'Khoảnh khắc thay đổi đời tôi'

TTO - Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" để bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình với giải nhất lên đến 30 triệu đồng. Mời bạn tham dự!

Giọt nước mắt trên rẫy bắp - Ảnh 6.
HỮU CHƠN (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên