08/05/2018 14:12 GMT+7

Khoảnh khắc mở rương

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTO - Báo Tuổi Trẻ phát động cuộc thi viết "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" để bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình. Mở đầu là bài viết 'Khoảnh khắc mở rương' của tác giả Phạm Xuân Nguyên.

Khoảnh khắc mở rương - Ảnh 1.

Khoảnh khắc đó cách đây đã gần nửa thế kỷ, vào đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi tôi đang học năm cuối cấp hai trường làng Thạch Linh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Lúc đó trong nhà tôi có một cái rương của một thầy giáo dạy văn cấp ba, nơi cha tôi làm việc gửi nhờ. Thầy bảo cái rương đó đựng sách quý và cha tôi bảo tôi không được tự tiện mở xem.

Ngày qua tháng lại cái rương để trong buồng, mỗi lần ra vô tôi nhìn nó và thấy tò mò. Những sách quý gì ở trong đó nhỉ? Cũng xin nói là cha tôi rất chịu khó mua sách văn học cho tôi vì thấy tôi có thiên hướng văn. 

Tiền lương viên chức hồi ấy của cha 60 đồng/tháng nuôi cả gia đình năm người mà có tháng cha trích ra đến 10 đồng để cho tôi mua sách. Cha biết tôi ham đọc sách nên ông phải ngăn trước thằng con lục lọi cái rương sách được gửi ở nhà để giữ lời hứa với người đồng nghiệp.

Nhưng rồi cái tính tò mò của một cậu học sinh thích sách trong tôi đã vượt lên lời dặn của cha. Một hôm tôi đã cậy cái rương ấy ra.

Đến bây giờ đã gần nửa thế kỷ trôi qua tôi vẫn không thể nói hết cái bất ngờ ngơ ngác của mình khi nhìn vào những cuốn sách có trong rương hiện ra trước mắt. 

Đó hầu hết là những cuốn sách in trước 1945 như Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh - Hoài Chân), Bướm trắng (Nhất Linh), Làm đĩ (Vũ Trọng Phụng), Thi văn bình chú (Ngô Tất Tố)... Cuốn nào cũng có đóng dấu hai chữ "Hương Sa" như là tên hiệu của chủ nhân sách.

Khỏi nói là tôi đã vồ lấy từng cuốn mà đọc, dẫu là phải đọc lén cha, nhất là vào buổi đêm sau khi cha đã đi nằm và tôi đã làm xong bài vở. Tôi đã thuộc bài thơ "Nghỉ hè" của Xuân Tâm ngay từ hồi đó sau khi đọc Thi nhân Việt Nam. Đọc Bướm trắng tôi chưa hiểu lắm. Đọc Làm đĩ tôi thấy khiếp. Và đọc Thi văn bình chú thì tôi thích thú.

Thi văn bình chú cuốn một in năm 1941 lần đầu cho tôi biết đến văn học trung đại nước nhà qua sự bình chọn chú giải của nhà nho Ngô Tất Tố. Có thể nói nó đã đặt nền móng cho lòng yêu văn học cổ của tôi và cho đến khi vào học khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, vốn hiểu biết của tôi về các tác gia văn học thời trước là từ cuốn sách này.

Tôi đã thuộc ngay bài Tự thán tương truyền của Nguyễn Trãi, bài Đèo Ngang và bài Đề miếu nàng Trương của Lê Thánh Tông, bài Sai thằng Cam (Nguyễn Gia Thiều). 

Bài Đèo Ngang mãi về sau này vẫn không thôi làm tôi ngạc nhiên, nhất là khi so với bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, ở ngôn ngữ thuần Việt của nó, mà còn là thuần Việt theo kiểu nói của người miền Trung nữa. 

Bài Sai thằng Cam thì đến nay lại càng thêm có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh phê bình văn học sinh thái đang được quan tâm. Ông Đầu xứ Tố cũng đã khơi gợi cho tôi cách bình văn qua cách ông phẩm bình những tác phẩm được chọn.

Vậy là tôi đã chịu ơn các tác giả và nhà xuất bản nhờ một cơ duyên từ khoảnh khắc mở cái rương sách được gửi ở nhà cha mẹ tôi trong những tháng ngày chiến tranh đang ác liệt ở một vùng quê khu Bốn.

"Khoảnh khắc mở rương" của tôi khi còn là cậu học trò trường làng là một ký ức tôi giữ mãi. Nhờ khoảnh khắc ấy, cái rương sách thuở nhỏ đã thành cái rương tri thức của cuộc đời tôi.

Nhà xuất bản tên Mai Lĩnh

Sau này học ra, về làm việc tại Viện Văn học, cái vốn ban đầu từ những cuốn sách trong cái rương ấy đã được tôi bồi đắp, phát triển thêm trên bước đường phê bình nghiên cứu của mình. Những quyển sách đó được in dưới tên nhà xuất bản Mai Lĩnh.

Cũng phải sau "khoảnh khắc mở rương" rất lâu tôi mới thực sự thấy rõ tầm vóc sự nghiệp xuất bản của Mai Lĩnh. Đó là một sự nghiệp khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đích thực của dân tộc, một sự nghiệp khơi dòng cho văn chương hiện đại nước nhà.

Cùng với những nhà xuất bản tư nhân đương thời, Mai Lĩnh đã đóng góp phần xứng đáng của mình cho cuộc gìn giữ văn hóa văn chương nước nhà ngay ở thời Pháp thuộc.

Chỉ tồn tại 10 năm (1936 - 1946) nhưng Mai Lĩnh đã in được những sách khảo cứu lịch sử, văn hóa để lại dấu ấn sâu đậm trong công cuộc tiến hóa tinh thần của nước Nam ta.

Khoảnh khắc mở rương - Ảnh 3.
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên