18/02/2025 16:59 GMT+7

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao do chủ đầu tư lập

Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông vận tải) được giao làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao do chủ đầu tư lập - Ảnh 1.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ xây mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h - Ảnh minh họa: Chat GPT

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh vừa ban hành quyết định giao Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Thời gian thực hiện: năm 2025-2027.

Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn hằng năm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt thực hiện chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, kiện toàn tổ chức để bảo đảm đủ năng lực thực hiện quản lý đầu tư dự án.

Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, trình Bộ Giao thông vận tải; chịu trách nhiệm toàn diện trước bộ trưởng và pháp luật về tiến độ, chất lượng hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi.

Trước đó, trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường sắt là đại diện chủ đầu tư.

Ngày 30-11-2024 Quốc hội đã ban hành nghị quyết 172/2024/QH 15 quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Dự án có quy mô đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 héc ta, gồm: đất trồng lúa khoảng 3.655ha, đất lâm nghiệp khoảng 2.567ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605ha. Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người.

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).

Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

Tiến độ thực hiện dự án: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035.

Giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao  - Ảnh 3.Xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương dự thảo nghị quyết của Chính phủ về triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trình Thủ tướng trong tháng 1-2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên