29/04/2019 11:21 GMT+7

Bàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên lại đông vui

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Cuộc gặp của lãnh đạo Nga - Triều Tiên và cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ - Nhật Bản gần đây có thể là khởi đầu cho sự quay lại của mô hình đàm phán sáu bên.

Bàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên lại đông vui - Ảnh 1.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay với Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Nga - Ảnh: Reuters

Trong tuần qua, có hai cuộc họp đáng chú ý trên chính trường quốc tế. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại thành phố Vladivostok (Nga) thì Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Tạp chí The Atlantic (Mỹ) ngày 27-4 có bài viết cho rằng đây là thời điểm cả Nga lẫn Nhật Bản đều cố gắng thể hiện sức ảnh hưởng của mình trong câu chuyện hạt nhân Triều Tiên.

Tại Vladivostok, Tổng thống Nga Putin cho biết ông tin rằng bất kỳ sự bảo đảm nào từ phía Mỹ cũng cần thiết phải nhìn nhận lập trường ủng hộ từ các nước khác từng tham gia đàm phán sáu bên trước đây bên cạnh Mỹ và Triều Tiên, theo Hãng tin Reuters. Các nước này là Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới quan sát có nhiều ý kiến xung quanh ý định của Nga. Có người tin rằng Nga chưa hẳn muốn tham gia thật sâu vào câu chuyện này, quan điểm khác lại quả quyết Nga luôn tìm cách thể hiện vai trò trong chính trường quốc tế.

Lấy ví dụ khi trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, nhà nghiên cứu cao cấp tại Cơ quan nghiên cứu chính sách Defense Priorities, ông Daniel L. Davis, cho rằng Tổng thống Putin sẽ tận dụng cơ hội để tham gia các vấn đề quốc tế.

Theo đó, ông Putin nhiều khả năng sẽ đáp trả các động thái của Mỹ tại Triều Tiên và sẽ định hình Nga như một bên tiềm năng có thể tác động tới câu chuyện này.

Nhật Bản trong khi đó lại ở trong thế phức tạp hơn. The Atlantic và báo Hàn Quốc Korea Times đều nhận định rằng Thủ tướng Abe đến Mỹ với rất nhiều dự tính.

Trong đó, ông phải đảm bảo xử lý gọn gàng vấn đề thương mại và rào cản thuế quan Mỹ áp lên hàng Nhật, đồng thời tìm cách tham gia câu chuyện Triều Tiên càng sâu càng tốt để giành lại lợi ích của Nhật Bản, điển hình là giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt ở Triều Tiên trong quá khứ.

Trong số sáu nước đàm phán hạt nhân Triều Tiên những năm 2000, Nhật Bản là quốc gia duy nhất chưa có cuộc gặp trực tiếp cấp lãnh đạo với ông Kim Jong Un. Trong khi đó, uy tín của ông Abe và đảng cầm quyền đang rất cần thiết trong bối cảnh cuộc bầu cử địa phương ở Nhật sắp tổ chức vào tháng 7 tới.

Những động thái của Nga và Nhật Bản gần đây có thể là khởi đầu cho sự quay lại của mô hình đàm phán sáu bên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Davis cũng cho rằng vấn đề của bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết bằng nền hòa bình giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, và Mỹ có thể tiếp tục thể hiện vai trò tích cực nếu từ bỏ ảo tưởng về khả năng phi hạt nhân hóa trong giai đoạn ngắn.

Ông nói: "Ông Moon Jae In (tổng thống Hàn Quốc) và ông Kim Jong Un sẽ làm những gì tốt nhất cho bán đảo Triều Tiên và thế giới. Đó là các cuộc đàm phán hòa bình và bình thường hóa quan hệ".

Sự trục trặc của Mỹ là thời cơ để các nước khác chung tay. Nếu đàm phán sáu bên trở lại, đây dường như không phải điều Mỹ mong đợi, vì chính quyền Tổng thống Trump vẫn muốn chủ động gặt hái lợi ích riêng tối đa.

The Atlantic viết rằng cả ông Putin lẫn ông Abe đều không tác động trực tiếp tới ông Trump hay ông Kim, nhưng sự tham gia của họ là những động lực vừa mới vừa cũ trong cuộc đàm phán này.

Kim Jong Un Kim Jong Un 'hợp' với ông Putin hơn ông Trump?

TTO - Theo nhà phân tích người Mỹ David A. Andelman, Tổng thống Donald Trump có khả năng không giải quyết nổi vấn đề Triều Tiên trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, trong khi nhiệm kỳ 2 còn là một dấu hỏi lớn.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên