16/01/2023 15:07 GMT+7

50 năm Hiệp định Paris: Minh chứng cho khát vọng hòa bình

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris là minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.

50 năm Hiệp định Paris: Minh chứng cho khát vọng hòa bình - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương - phát biểu đề dẫn hội thảo - Ảnh: TTXVN

Ngày 16-1 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng đồng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "50 năm Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam: Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm".

Tuyên truyền trong nước và đối ngoại góp phần tạo nên thắng lợi Hiệp định Paris

Hội thảo quy tụ khoảng 350 đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó là các nhân chứng lịch sử, đại diện thành viên hai đoàn đàm phán, các cán bộ lão thành, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu và trường đại học tham dự hội thảo.

50 năm Hiệp định Paris: Minh chứng cho khát vọng hòa bình - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội thảo nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris - Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - ủy viên Bộ Chính trị, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương - nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo trong năm bản lề thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ông chỉ đạo hội thảo cần tập trung làm rõ ý nghĩa to lớn của Hiệp định Paris đối với tiến trình cách mạng Việt Nam, đúc rút và chắt lọc những bài học kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong tình hình mới.

Ông Lê Hải Bình - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cho rằng công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của Hiệp định Paris.

Qua đó, hiệu triệu tinh thần dân tộc ở cả miền Nam tiền tuyến thành đồng và miền Bắc hậu phương xã hội chủ nghĩa.

Cùng đó, công tác thông tin tuyên truyền song hành với đối ngoại nhân dân đã làm sáng tỏ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến cứu nước, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam và phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh.

Thảo luận về ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán, ký kết, thi hành Hiệp định Paris, các đại biểu nhất trí khẳng định thắng lợi của Hiệp định Paris là kết quả của sự vận dụng nhuần nhuyễn và xuyên suốt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam hiện đại.

Đỉnh cao của quá trình đàm phán tiến tới ký kết Hiệp định Paris là sự phối hợp linh hoạt, sáng tạo và biện chứng giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, tạo nên thế trận "vừa đánh, vừa đàm".

Hiệp định Paris là kết tinh của sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiệp định Paris đã tạo ra bước ngoặt về cục diện, tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước vào năm 1975.

50 năm Hiệp định Paris: Minh chứng cho khát vọng hòa bình - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris là minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình - Ảnh: TTXVN

Minh chứng cho khát vọng hòa bình

Phát biểu tổng kết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định Hiệp định Paris là minh chứng lịch sử sống động cho khát vọng hòa bình và truyền thống ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam.

Đồng thời là tiền đề quan trọng của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo ông Sơn, cho đến nay đã 50 năm trôi qua nhưng những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử này vẫn còn vẹn nguyên giá trị và cần được vận dụng hiệu quả trong triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII.

Ông nhấn mạnh, ngành ngoại giao sẽ tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh, thực hiện kỷ cương vượt mọi thách thức, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập môi trường hòa bình, ổn định phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc và nâng cao vị thế của đất nước trong giai đoạn mới.

Trong lịch sử đấu tranh của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại hội nghị Paris.

Theo đó, thời gian kéo dài gần 5 năm (4 năm 8 tháng 20 ngày), với 202 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết ngày 27-1-1973.

50 năm Ngày ký Hiệp định Paris: Triển lãm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris: Triển lãm 'Khát vọng hòa bình'

Ngày 9-1, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Ban Di sản ký ức tổ chức sự kiện "Khát vọng hòa bình".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên