21/01/2023 17:16 GMT+7

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh

Những bức ảnh từ nhiều nguồn trong nước và quốc tế về Hội nghị Paris đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh mang đến hình dung sống động về cuộc đấu trí căng thẳng kéo dài 5 năm, nhiều đòn cân não nhưng cũng nhiều nụ cười rạng rỡ.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 1.

Trụ sở Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Paris tại Choisy-le-Roi, Cộng hòa Pháp - Ảnh: Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng

Trưng bày chuyên đề "Hiệp định Paris - Cánh cửa hòa bình" tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023).

Trưng bày mang tới cho những người yêu lịch sử cơ hội được tìm hiểu nhiều câu chuyện bên lề thú vị cùng một hình dung khá toàn diện về Hội nghị Paris qua bộ sưu tập hàng trăm bức ảnh từ nhiều nguồn khác nhau.

Căn phòng hạnh phúc và câu chuyện về chiếc bàn đàm phán tại Hội nghị Paris

Rất nhiều câu chuyện thú vị chờ người xem khám phá như chuyện "căn phòng hạnh phúc" tại trụ sở Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chuyện chiếc bàn hội nghị từ hình chữ nhật chuyển sang bàn tròn; chuyện "nữ tướng" Nguyễn Thị Bình, trưởng đoàn Xuân Thủy tại Hội nghị Paris và vai trò đặc biệt của cố vấn Lê Đức Thọ tại hội nghị này...

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 2.

Căn phòng hạnh phúc tại trụ sở Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Choisy-le-Roi - Ảnh: TTXVN

Điều đặc biệt, có một "căn phòng hạnh phúc" tại trụ sở Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Choisy-le-Roi.

Căn phòng này là nơi diễn ra các cuộc họp bí mật giữa hai phái đoàn ta trong suốt quá trình đàm phán ở Hội nghị Paris.

Tại đây, các thành viên của hai phái đoàn có thể công khai thảo luận về sự phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa hai phái đoàn, từ việc xác định nhiệm vụ, phương pháp đàm phán cho từng thời kỳ, từng phiên họp, trong các buổi họp báo đến các hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân bên lề hội nghị.

Cũng từ đây, những kế hoạch tấn công ngoại giao được bàn thảo, sau đó thực hiện trên bàn đàm phán khiến Mỹ luôn bị bất ngờ, lúng túng trong cách đối phó.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 3.

Ban đầu chiếc bàn đàm phán ở Hội nghị Paris là bàn hình chữ nhật nhưng phái đoàn ta đã đấu tranh để bàn tròn được sử dụng - Ảnh tư liệu

Có một câu chuyện thú vị liên quan tới chiếc bàn đàm phán ở Hội nghị Paris cũng được kể trong bức ảnh tại triển lãm.

Trước phiên khai mạc đã diễn ra cuộc tranh luận kéo dài về chiếc bàn họp hội nghị do Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cố tình trì hoãn nhằm kéo dài thời gian vực dậy quân đội Sài Gòn trước khi Mỹ rút quân.

Việt Nam Cộng hòa đòi sử dụng bàn chữ nhật như một hội nghị hai bên với mục đích loại trừ tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trái lại, lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sử dụng bàn tròn, trong đó bốn bên có vai trò độc lập, bình đẳng như nhau. 

Mỹ tán thành luận điểm của Sài Gòn về hội nghị hai bên mang tính hình thức (cái bàn), còn nội dung đàm phán là chuyện khác.

Bằng sự quyết đoán, khôn khéo của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuối cùng, một thỏa hiệp đã đạt được.

Theo đó, đại diện bốn bên sẽ ngồi vào một chiếc bàn tròn rộng lớn, kèm theo hai chiếc bàn hình chữ nhật nhỏ đặt ở hai đầu đường kính bàn tròn dành cho thư ký. Trên bàn không đặt cờ và biển hiệu.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 5.

Khai mạc Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 13-5-1968 - Ảnh tư liệu

Tới đầu tháng 11-1968 thì Trưởng đoàn trù bị Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tới Paris tham dự phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị Paris bốn bên.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 6.

Trưởng đoàn trù bị Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tới Paris tham dự phiên họp chuẩn bị cho Hội nghị Paris bốn bên ngày 4-11-1968 - Ảnh: Keystone

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 7.

Trưởng đoàn trù bị Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn báo chí ngày 18-1-1969 - Ảnh: Keystone

Nhưng đến đầu năm 1969, bà Nguyễn Thị Bình được rút về nước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhằm giành tư cách chính phủ tại cuộc đàm phán.

Sau đó bà được cử làm bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trở lại Paris đảm nhận chức vụ trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào đầu tháng 4-1969.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 8.

Bà Nguyễn Thị Bình vẫy tay chào đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Trafalgar ở London (Anh) trên đường bà trở lại Paris ngày 7-4-1969 - Ảnh: AP

Cuối năm 1969 thì các đoàn đàm phán gấp gáp về nước trong nỗi đau buồn tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã ra đi mà chưa kịp nhìn thấy hòa bình.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 9.

Đoàn đại biểu dự Hội nghị Paris về nước dự lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: HỮU CẤY

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 10.

Cố vấn Lê Đức Thọ vẫy tay chào giới truyền thông khi quay trở lại Paris nối lại đàm phán tháng 9-1972 - Ảnh: Bettmann

Hội nghị Paris gay cấn tới phút cuối

Thỏa thuận ngày 20-10-1972 giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tưởng như cho thấy hòa bình đã ở trong tầm tay thì có sự đổi thay sau đó.

Ngày 22-10-1972, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger gặp Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn. Kissinger thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu ký bản hiệp định mà Mỹ đã thống nhất thỏa thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhưng ông Thiệu phản đối, đòi sửa phần lớn điều khoản.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 11.

Ngày 22-10-1972, Kissinger gặp Nguyễn Văn Thiệu ở Sài Gòn - Ảnh: Bettmann

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 12.

Henry Kissinger vẫn họp báo công bố "hòa bình trong tầm tay" vào ngày 26-10-1972 nhằm xoa dịu dư luận phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ - Ảnh: Bettmann

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 13.

Cùng ngày này Bộ trưởng Xuân Thủy của phái đoàn ta cũng họp báo - Ảnh: Bettmann

Nhưng hòa bình chưa đến, một lần nữa cố vấn Lê Đức Thọ lại thể hiện bản lĩnh và sự cứng rắn của một nhà ngoại giao tài ba. Ông gặp riêng Kissinger ở ngoại ô Paris vào tháng 11-1972.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 14.

Cố vấn Lê Đức Thọ (bên phải) đã có cuộc đàm phán với ông Kissinger (bên trái) tại ngoại ô phía tây nam Paris ngày 22-11-1972 - Ảnh: Michel Laurent

Trước thái độ đổi thay của Nixon và Kissinger, ta chỉ đồng ý sửa đổi một số vấn đề không thực chất của bản hiệp định đã thỏa thuận. Đàm phán đi vào bế tắc đổ vỡ.

Cố vấn Lê Đức Thọ về nước để báo cáo với Bộ Chính trị chuẩn bị tình huống xấu nhất.

Và tình huống xấu nhất đã xảy ra, Mỹ cho máy bay B52 ném bom đánh phá miền Bắc. 

12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không gây nhiều đau thương cho người Hà Nội nhưng cuối cùng chúng ta đã giành chiến thắng quyết định buộc Mỹ phải quay trở lại bàn đàm phán.

Trước khi hiệp định được ký kết chính thức vào ngày 27-1-1973, cố vấn Lê Đức Thọ đã có những cuộc gặp riêng với Henry Kissinger.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 15.

Cuộc gặp riêng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô phía tây nam Paris ngày 8-1-1973 - Ảnh: Bettmann

Vào cuộc họp, cố vấn Lê Đức Thọ phủ đầu, phê phán mạnh mẽ thái độ lật lọng của Mỹ. Kissinger đòi trả tự do cho tất cả tù binh Mỹ, nhưng không đưa ra bảo đảm nào về việc trao trả quân giải phóng đang bị Việt Nam Cộng hòa giam giữ. Đàm phán đổ vỡ.

Nhưng cuối cùng hiệp định cũng đã được ký kết với những điều khoản thắng lợi cho hai phái đoàn Việt Nam, mở đường cho hòa bình và thống nhất đất nước hai năm sau đó.

Cuộc đấu trí căng thẳng tại Hội nghị Paris qua ảnh - Ảnh 16.

Góc nhìn về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Ảnh tư liệu

50 năm Hội nghị Paris: Nhớ nét chữ Bác Hồ và kỷ vật xúc động50 năm Hội nghị Paris: Nhớ nét chữ Bác Hồ và kỷ vật xúc động

Triển lãm ‘Hội nghị Paris - Cuộc đàm phán lịch sử’ khiến người xem xúc động khi gặp lại nét chữ thân thương của Bác Hồ trên mảnh giấy nhuốm màu thời gian...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên