25/01/2013 14:30 GMT+7

Hiệp định Paris tạo tiền đề cho thống nhất đất nước

HƯƠNG GIANG
HƯƠNG GIANG

TTO - Sáng 25-1, buổi lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris long trọng cấp nhà nước đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình.

Trưng bày văn bản gốc Hiệp định ParisTái hiện Hiệp định Paris qua 140 bức ảnhCánh cửa hòa bình đã hé mở...

DoqS23x7.jpgPhóng to

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) trao tặng huân chương Anh hùng lực lượng vũ trang cho nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris, bìa trái) và ông Lưu Văn Lợi - cố vấn đặc biệt cho ông Lê Đức Thọ tại hội nghị Paris - Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã điểm lại những khó khăn trong quá trình đàm phán hiệp định cũng như ý nghĩa, bài học của hiệp định này. “Hiệp định Paris là thắng lợi của nhân dân Việt Nam và của nhân dân yêu hòa bình trên thế giới" - ông nói.

“Cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ của quân và dân ta trên chiến trường và đấu tranh ngoại giao tại Paris đều nhằm buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hàng triệu người con của Tổ quốc đã hi sinh xương máu vì mục tiêu thiêng liêng ấy. Hiệp định đã mở ra thời kỳ mới, tạo tiền đề vững chắc cho quân dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Hai phần phát biểu tiếp theo của nguyên phó chủ tịch nước - trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Thị Bình và thượng nghị sĩ Pháp Helene Luc, chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, đã khiến hội trường xúc động khi hai bà điểm lại những ấn tượng, ký ức về một thời đấu tranh ngoại giao cam go, khốc liệt không kém gì cuộc đấu tranh trên chiến trường.

Bà Bình nói: “Chúng tôi và một số cán bộ từ nhiều cơ quan chức năng được phân công tham gia hai đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tôi nghĩ chúng tôi đã hết sức cố gắng trong cuộc đàm phán đó". Động lực lớn nhất để đoàn đàm phán kiên trì đấu tranh, bà Bình nói, là lợi ích tối cao của dân tộc và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

HGDuOJA9.jpgPhóng to
Bà Helene Luc (áo đỏ) - thượng nghị sĩ danh dự, chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt có rất nhiều đóng góp giúp đoàn Việt Nam đàm phán tại Hội nghị Paris - xúc động ôm người bạn cũ Nguyễn Thị Bình (thứ hai từ trái sang) - Ảnh: Việt Dũng

Cuộc thương lượng kéo dài hơn 4 năm và 8 tháng đã trải qua 174 cuộc họp chính thức, công khai cùng hàng chục cuộc tiếp xúc bí mật giữa cố vấn Lê Đức Thọ, trưởng đoàn Xuân Thủy và cố vấn tổng thống Nixon (Mỹ) là Henry Kissinger.

Bà Bình nhớ lại: “Hiệp định này ký được là kết quả của cuộc chống xâm lăng lâu dài trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao và là kết quả của đường lối độc lập, tự chủ và phát huy đoàn kết quốc tế".

k3wV58Om.jpgPhóng to
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt tay các đại biểu khách mời quốc tế tới dự lễ Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng

Dịp này, nguyên trưởng đoàn đàm phán Nguyễn Thị Bình đã không quên vinh danh công lao của các chiến sĩ và đồng bào cả nước suốt hơn 20 năm đấu tranh cho độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. “Chúng ta hiểu là nếu không có Mậu Thân 1968, không có giải phóng Quảng Trị trong 81 ngày đêm, không có chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, không có hậu phương lớn miền Bắc vì tiền tuyến lớn miền Nam… thì sẽ không có Hiệp định Paris, và do đó sẽ không có đại thắng mùa xuân 1975. Hàng triệu người dân yêu hòa bình ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, Mỹ Latin và châu Đại Dương cũng đã góp phần vào thắng lợi đó".

Với bà, sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam trong quá trình đàm phán là một thắng lợi chính trị - ngoại giao quan trọng, vô hình trung buộc Mỹ thừa nhận các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chống lại sự hiện diện của Mỹ và chính quyền thân Mỹ, đồng thời bác bỏ luận điệu của Mỹ là miền bắc xâm lược miền nam.

Đến từ Pháp, bà Helene Luc (sinh năm 1932) hiện là thượng nghị sĩ, ủy viên Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Quốc phòng của Thượng nghị viện Pháp và chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt đã thay mặt bạn bè quốc tế nhìn lại giai đoạn hai đoàn đàm phán Việt Nam có mặt ở Paris cũng như ảnh hưởng của phong trào phản chiến ở Pháp và các nước khác trên thế giới.

Bà Luc nhớ lại: “Đoàn đàm phán của VN Dân chủ Cộng hòa đến Pháp ngày 10-5-1968, đúng lúc đang sục sôi không khí đấu tranh: đông đảo công nhân, sinh viên đã tập hợp xuống đường, hô vang “Hồ Chí Minh” để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Đối với một thế hệ, hình ảnh trên biểu trưng cho sự phản đối sức mạnh Mỹ và sự thay đổi xã hội triệt để." Trong những lần gặp gỡ nhau ở Choisy le Roi, bà Luc nhớ Bộ trưởng Xuân Thủy luôn khẳng định: chúng tôi không bao giờ nhượng bộ, bắc nam chắc chắn sẽ thông nhất và chúng tôi sẽ kiên trì đấu tranh cho thắng lợi này.

Là một trong những người gắn bó với Việt Nam, bà đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng quan hệ đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp. Bà đã cùng những người khác trong Đảng Cộng sản Pháp và thành phố Choisy-Le-Roi bố trí nơi ở, làm việc và tận tình giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham dự đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam trong những năm 1968-1973.

HƯƠNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên