Mọi người xúm xít cùng nhau chuẩn bị cỗ tết - Ảnh: HUYỀN TRẦN
Bây giờ tết chẳng còn thiếu thứ gì, thứ duy nhất mà nhiều người hoài niệm và ước ao hẳn là 'không khí tết' đoàn viên, sum vầy, háo hức. Tôi cũng chỉ mong mình luôn thu xếp được công việc, trở về với bố mẹ những ngày sắp tết.
"Tết này đi đâu chơi không?", đó là câu hỏi năm nào bạn bè cũng hỏi tôi. Tôi biết người ta nói với nhau rất nhiều về việc tết đi chơi xa hay về nhà. Ở nhiều giai đoạn của tuổi trẻ, chúng tôi cũng từng coi việc đi 5 châu 4 bể, chinh phục được 1 đỉnh núi hay "check in" ở một địa danh nổi tiếng là điều vẻ vang.
Là một người thích đi đó đi đây, bạn bè chẳng xa lạ gì khi thấy tôi đăng hình đi khắp nơi, có khi tận miền cực Bắc tổ quốc đi ngắm ruộng bậc thang, có khi là một chuyến tình nguyện nào đó trên cao nguyên, hoặc một vùng núi tuyết xa xôi tận Nepal. Tôi và những chuyến đi, tôi và cuộc sống dịch chuyển không ngừng.
Nhưng tết với tôi lại là một chuyến đi hoàn toàn khác, 10 năm nay chưa bao giờ thay đổi: về nhà.
Bố chuẩn bị lá để gói bánh chưng - Ảnh: HUYỀN TRẦN
Tết năm nay nữa là tròn 10 năm tôi "ở trọ Sài Gòn". 10 năm xa nhà, ngồi nhẩm lại mấy mùa tết mới thấy biết bao thay đổi. Năm nào nhà vẫn còn ông nội, giờ tết về chỉ còn đứng trước bàn thờ thắp nhang cho ông. Tết năm nào em gái út tôi còn làm thơ chúc tết cả nhà để nhận thêm lì xì, giờ nó đã là sinh viên sắp ra trường. Mọi việc cứ thế diễn ra theo quy luật, giống như mùa xuân là quy luật của tạo hóa, đất trời.
Năm nào cũng thế, cứ 25 tết là tôi gác lại mọi cuộc vui tất niên cuối năm để về nhà. Nhà tôi là một vùng biên giới mà mỗi lần nghe tên đám bạn đều bật cười: Bù Đốp. Tên gì lạ quá hen!
Nhà tôi cách Sài Gòn 4 tiếng ngồi xe đò thôi, gần hơn rất nhiều so với các bạn tôi ở Tây Nguyên, cũng tiện hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp của tôi có người phải ngồi đợi ngoài sân bay mấy tiếng đồng hồ để về Hà Nội. Thế nhưng tôi vẫn muốn về nhà đón tết sớm.
Mùa xuân đến trước cửa nhà - Ảnh: HUYỀN TRẦN
Những ngày giáp tết, mẹ tôi có khi 9h mới từ vườn rau vào nhà, cơm nước vội vàng nhưng vẫn không quên gọi điện hỏi chừng nào mấy đứa về nhà. Giáp tết là mùa người trồng rau bận rộn nhất. Mẹ tôi gieo thêm rau mới, nhổ rau cho mối, bố chở đi giao.
Tôi mê nhất là những luống rau xà lách của mẹ, được gieo đặc biệt để ăn tết, gặp trời lạnh rau cuộn vào, lá xanh mướt.
Giáp tết bận rộn, có khi cả nhà tôi đều ở ngoài vườn rau, mỗi người một việc cho kịp giao hàng. Ngẩng mặt lên, mặt trời có khi lặn sau rừng cây từ bao giờ, sương giăng lạnh buốt. Hàng xóm, họ hàng nhiều khi đến chơi cũng chẳng có thời gian nghỉ tay mời vào nhà uống nước, vườn rau lại thành nơi mọi người bàn với nhau chuyện mai giết heo ở nhà nào, ngày nào gói bánh chưng… cười đùa rôm rả một góc trời.
Chúng tôi chỉ cho mẹ dùng Facebook. Mẹ chụp hình luống rau mơn mởn đăng lên, nói sẽ ship rau tận nhà sáng 30 tết cho ai mua từ 2kg trở lên. Rồi chúng tôi phụ mẹ "chốt đơn" ra một tờ giấy, cẩn thận đóng gói rau thành từng bịch nhỏ, sáng 30 tết mẹ chở 2 sọt rau đầy trên chiếc xe cub 30 năm tuổi đi khắp xóm trên xóm dưới giao hàng. Nhờ vậy mà mẹ bán hết sớm, chẳng bao giờ bị ế rau, về chuẩn bị cơm cúng tất niên.
Luống rau xà lách mơn mởn sương sớm - Ảnh: HUYỀN TRẦN
Bố tôi thì dành hết niềm đam mê cho mấy chậu mai kiểng. Nhiều khi mẹ hay nói bố mê cây gì không mê, đi mê cây mai, năm nở hoa có 1 lần còn cả năm không ai ngắm. Mẹ chọc bố vậy nhưng cứ gần rằm tháng chạp là mẹ nhắc bố hái lá mai sớm cho nó nở ăn tết từ từ. Có khi ngoài vườn rau về đã tối mịt, bố tôi vẫn đội đèn đứng soi mai, tỉ mẩn uốn nắn.
Bận rộn vậy chứ chưa năm nào bố mẹ tôi bỏ đi 1 thủ tục nào cho tết: gói giò thủ, gói bánh chưng, làm mứt dừa, dưa hành củ kiệu… Bây giờ có tủ lạnh để bảo quản mọi thứ nhưng tôi vẫn nhớ mùa tết xưa khi tôi còn bé, khí hậu miền nam nắng nóng làm sao bảo quản được bánh chưng thật lâu mà không bị hư.
Bố tôi buộc bánh chưng treo trong lòng giếng đào, hơi nước mát lạnh bảo quản được bánh, hết mùng hết tết háo hức ngồi chờ mẹ chiên cho miếng bánh chưng giòn rụm, vàng ươm chấm với mật mía.
Bây giờ tết đã chẳng còn thiếu thứ gì, thứ duy nhất mà nhiều người hoài niệm và ước ao chắc hẳn là "không khí tết" đoàn viên, sum vầy, háo hức. Tôi cũng chỉ mong mình luôn thu xếp được công việc, trở về với bố mẹ những ngày sắp tết. Dù chắc sẽ vẫn chẳng thể thoát được những câu hỏi của mấy cô bác hàng xóm rằng "bao giờ lấy chồng", nhưng có hề gì, tết mà!
Tết này, gác lại những chuyến hành trình miệt mài của tuổi trẻ, tôi trở về với gốc mai của bố, vườn rau của mẹ.
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận