19/01/2020 12:00 GMT+7

'Nhà còn ai đâu mà năm nào bác cũng về chi vậy?'

ĐỖ THỊ NHƯ QUỲNH
ĐỖ THỊ NHƯ QUỲNH

TTO - Buột miệng xong tôi thấy mình thật vô duyên, vội xin lỗi, nhưng bác nói không sao cũng nghe vài người hỏi câu đó rồi. 'Ngày tết người sống ai cũng muốn sum họp ở bên gia đình thì người chết rồi cũng vậy cháu à', bác nói.

Hơn 4h sáng 25 Tết. Tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất, háo hức làm thủ tục cho chuyến bay vào lúc 6h kém. Sau khi qua cửa an ninh, tôi đang đảo mắt tìm chỗ ngồi đợi ra máy bay thì có một bác gái lớn tuổi, vừa cười vừa nói vẫy lại: "Đây có chỗ trống nè cháu".

Tôi gật đầu cảm ơn rồi vội vàng chạy lại góc đó ngồi. Bác gái vui vẻ hỏi tôi về đâu?

- Dạ cháu bay về Hà Nội rồi bắt xe về Bắc Giang ạ.

Bác reo lên: "Đồng hương rồi. Bác cũng về Bắc Giang này. Bác về Sơn Động. Cháu về chỗ nào Bắc Giang?".

- Dạ cháu về thành phố, ngay cầu sắt đó bác biết không?

Bác gật đầu. Sau một hồi trò chuyện rôm rả, bác kể mình được người quen giới thiệu vào Sài Gòn làm tạp vụ cũng chục năm rồi. Năm nào bác cũng phải về quê dịp tết. Mấy người cùng làm họ nói bác ít tiền mà chơi sang. Khuyên bác đợi ra giêng chi phí đi lại rẻ hẵng về, tiền đó để tích cóp phòng lúc ốm đau.

Bác cười hề hề, nói tiếp: "Đúng là bác chơi sang thật, mấy người làm cùng vài năm họ mới về Tết một lần, rồi có người từ ngày vào đây còn chưa về quê lần nào". 

- Chắc bác có điều kiện nên năm nào cũng về được đúng không ạ? - Tôi hỏi.

Bác lắc đầu: "Đâu có, bác khổ từ trong trứng nước. 12 tuổi thì mồ côi bố mẹ, 19 tuổi lấy chồng, tưởng được nhờ chồng vậy mà lấy về mấy năm thì ông ý bị cảm rồi mất. Hi vọng vào thằng con trai. Nhưng mà ông trời cũng cướp mất. Nó bị tai nạn mất sau bố nó 20 năm, chưa vợ con gì sất. Giờ nhà có mình bác".

- Vậy nhà bác còn ai đâu mà năm nào bác cũng về chi vậy? - Tôi buột miệng. 

Chợt nhận ra câu nói của mình thật vô duyên, tôi vội vàng xin lỗi bác. 

Bác lắc đầu: "Không có gì, nhiều người cũng nói bác câu đó rồi. Ngày Tết, người sống ai cũng muốn sum họp ở bên gia đình thì người chết rồi cũng vậy cháu à. Chiều 30 năm nào bác cũng ra dọn dẹp mộ rồi mời bố con nó về ăn Tết cùng. Sau đó mồng 3 bác vào lại Sài Gòn. Bác mà không về chắc bố con nó tủi thân lắm.

Nghe bác nói, tôi lặng người. Nhà thơ Heinrich Heine của Đức từng nói: Nếu một người lúc nào cũng có thể mỉm cười được trước tất cả mọi điều thì chắc chắn người đó trong lòng phải có một rạn nứt đau đớn lắm… Không ngờ người phụ nữ nhỏ bé, lúc nào cũng nói cười như bác lại có một mỗi đau như vậy…

Chuyến bay của tôi bay trước bác nửa tiếng. Đã đến giờ ra máy bay. Tôi tạm biệt bác. Và chúc bác về quê bình anh, có nhiều sức khỏe. Cảm ơn bác đã tâm sự cho tôi nghe câu chuyện của gia đình mình. Và tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bác đến với bạn đọc của báo Tuổi Trẻ.

Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".

Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).

Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.

Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!

Mời bạn đọc kể chuyện Mời bạn đọc kể chuyện 'Đường về quê ăn tết'

TTO - Năm hết tết đến, người dân Việt xa quê ai cũng mong được về bên gia đình, hưởng một cái tết đầm ấm. Đường về quê tết này có thuận lợi, suôn sẻ không? Dọc đường có gì vui, đẹp, độc, lạ?... Bạn hãy kể với mọi người thông qua tuyến bài này nhé!

ĐỖ THỊ NHƯ QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên