Đến chiều 28, dãy phòng trọ vắng hoe, ba anh em ngó ra đường thấy thiên hạ tíu tít ba lô về quê mà lòng buồn không giấu nỗi.
"Thôi mình về", anh trai tôi lên tiếng. Ba anh em chịu không nổi cảnh xa nhà, nhớ mẹ. Chị dâu đưa bóp ra đếm, còn bảy triệu rưỡi. Tôi với tay tìm ba lô vẫn dư hơn một triệu tiền làm thêm cả năm dành dụm. Thế là a lê hấp, ba anh em kéo nhau lên bến xe miền Đông mua vé, khi đó trời chiều đã chập choạng tối.
Sáng 29 tết, ba anh em tôi cầm vé lên xe. Cận ngày, "xe ngon" sạch vé, nhưng Sài Gòn tình thương mến thương có những chuyến xe tăng cường để phục vụ bà con xa xứ về quê ăn Tết. Tôi nhớ mãi chuyến xe năm đó, xe tăng cường là những chiếc xe buýt thường ngày được sử dụng lại, giá thì mềm nhưng ghế lại cứng, và tất nhiên chuyến xe hơn ngàn cây số làm gì có máy lạnh.
Thú vị nhất là cảnh tài xế không biết đường! Tôi nhìn bác tài thấy quen lắm, dường như bác chạy chuyến xe buýt nào đó trong thành phố mà tôi từng là khách. Khi mọi người đã yên vị, bác tài rồ ga, một lúc đã rời khỏi Sài Gòn phố. Bỗng, sang đến đất Đồng Nai, bác tài hỏi lớn: "Có ai biết đường ra Bắc không?".
Mọi người trên xe cười, bảo bác cứ đùa, lái xe mà không biết thì ai biết. Nhưng sau đó mọi người im lặng, mặt ai cũng hiện rõ vẻ lo âu. Trời ơi, đúng thật là bác tài không biết đường ra Bắc.
Nhưng trong cái khó ló cái khôn, xe chạy thêm đoạn đường thì một anh lên tiếng: "Em có cách rồi, bác cứ chạy theo xe khách Hoàng Long phía trước, nó ra Bắc đó". Ừ nhỉ, mọi người tỉnh ra, bác tài cũng hớn hở khi thấy phía trước xe khách Hoàng Long im đậm dòng chữ "Sài Gòn - Hà Nội".
Đuổi theo. Rồ ga. Hoàng Long chạy trước, xe buýt theo sau. Bác tài vừa lái vừa hát nho nhỏ, trên xe hành khách cũng vui lây. Mọi người bắt đầu làm quen và bàn tán chuyện tết nhất. Bỗng, xe khách Hoàng Long rẽ ngang. Thì ra vào đổ xăng. Thế là chuyến xe buýt của tôi năm đó cũng phải giảm tốc. Đợi!
Xe buýt bon bon, mọi người náo nức. Khi đến Phú Yên thì có nhóm người đứng dọc đường vẫy lại. Không phải công an, cũng không hẳn hành khách. Là một nhóm dân anh chị tay chân xăm trổ nhìn phát ớn.
"Bà con cô bác về Tết nhớ mua quà tặng cho người nhà. Ai bị đau tim đau khớp hãy dùng thuốc của tụi em. Đau tim nó tìm đến khớp, đau khớp nó đớp vào tim. Thuốc gia truyền đảm bảo chất lượng". Kẻ rêu rao quảng cáo, kẻ dúi vào tay từng hành khách những bịch đầy hạt trắng. Mọi người chưa kịp phản ứng đã bị thu một trăm ngàn đồng.
Ba anh em tôi ngồi cuối xe thì một anh bước tới dúi vào tay. Tôi rùng mình, nhìn sang hai anh chị mặt đã tái nhợt. Tôi móc ví, trình rằng còn mấy chục bạc lẻ nhàu nát, mong thông cảm. Thế là họ quay mặt đi, kéo cả nhóm xuống xe. Chắc họ cũng nhận ra cái đám sinh viên vốn nghèo...
Nửa đêm tới Đà Nẵng, nửa đoạn đường về nhà, ai ai cũng vui ra mặt. Nhưng mọi chuyện không như mơ, khi vào trung tâm thành phố, xe khách Hoàng Long tăng tốc, qua một khúc cua rồi biến đi đâu mất. Bác tài ngẩn ngơ, thắng xe, dừng ven đường hỏi ra quốc lộ 1. May làm sao, mất một lúc cũng vòng vèo tìm được đường, thế là thẳng tiến một mạch thâu đêm về bến xe Hà Tĩnh.
Chuyến xe buýt tới nơi đúng chiều 30 tết. Nhìn ai cũng xác xơ vì mất ngủ, vì lo… xe lạc đường lẫn cướp bóc, nhưng tận sâu trong đôi mắt dường như ai cũng long lanh một niềm vui sướng, ừ không vui sao được khi đã về nhà ăn Tết.
Anh em tôi xuống xe cuối cùng, trước khi bắt xe ôm về nhà, chúng tôi không quên gửi lời cảm ơn bác tài. Bác cười chào chúng tôi mà trong đôi mắt bác năm đó dường như đang cay xè, bác quay xe, vào lại Sài Gòn, và đón giao thừa một mình trên chuyến xe hơn ngàn cây số.
Thoáng chốc, gần mười năm trôi qua, anh em tôi vẫn gắn bó với Sài Gòn. Xe khách, tàu lửa, máy bay giờ nhiều, tha hồ lựa chọn. Thế nhưng, tôi vẫn nhớ chuyến xe tăng cường về Tết năm đó; nhớ khuôn mặt hiền từ của bác tài; nhớ giọng nói trầm ấm của những hành khách về muộn trên chuyến xe tết và nhớ cả những hàng cây xa dần trên chuyến xe...
Mời bạn đọc chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online những cảm xúc, trải nghiệm của mình trên đường về quê đón xuân Canh Tý với chủ đề "Đường về quê ăn tết của tôi".
Hãy gửi cho chúng tôi những câu chuyện của chính mình, hoặc bạn trực tiếp chứng kiến dưới dạng bài viết, tin ảnh, clip (chưa được sử dụng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Facebook, các trang mạng khác) theo địa chỉ email: vequeantet@tuoitre.com.vn từ nay đến 2-2-2020 (mùng 9 tháng giêng).
Trong bài viết, bạn nhớ ghi rõ họ tên, số điện thoại liên lạc và số tài khoản ngân hàng. Mỗi câu chuyện được chọn đăng trên Tuổi Trẻ sẽ được nhận quà lì xì 1 triệu đồng. Chương trình do Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty TNHH Cỏ May là đơn vị đồng hành.
Tuổi Trẻ mong nhận được tin bài của bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận