Cuộc chiến đang diễn ra đã mang đến những thách thức chưa từng có, khiến hàng triệu người dân từ cả hai phía đang sống ở gần tuyến đầu, trong đó có 800.000 trẻ em, phải vật lộn với nỗi sợ hãi, bất ổn và điều kiện sống nguy hiểm.
Cuộc chiến thông tin khốc liệt
Trong hai năm qua, chiến dịch truyền thông và thông tin của cả hai bên cuộc xung đột nhằm cạnh tranh giành trái tim, khối óc cũng như sự ủng hộ của người dân, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng khốc liệt y như những gì đang xảy ra trên chiến trường.
Có thể thấy rõ truyền thông phương Tây quan tâm đến những chủ đề, sự kiện có thể làm mất tính hợp pháp và chính danh của Nga trong cuộc chiến, cũng như tập trung khắc họa sự tàn khốc và bi thảm của chiến tranh. Trong khi đó, Nga và Ukraine xây dựng và lan truyền những câu chuyện khác nhau về nguyên nhân, hậu quả và sự tiếp diễn của cuộc xung đột.
Đáng chú ý, so với các cuộc chiến trước, cuộc xung đột Ukraine làm nổi bật vai trò của mạng xã hội trong mặt trận truyền thông.
Các quan chức chính phủ, công dân của cả Nga và Ukraine đều chuyển sang sử dụng nhiều nền tảng mạng xã hội, bao gồm Facebook, X (Twitter), TikTok, YouTube và Telegram, để tuyên truyền miêu tả các phiên bản riêng của họ về các sự kiện đang diễn ra và khuếch đại những câu chuyện hết sức tương phản về cuộc chiến.
Phía Nga thì tiếp tục xây dựng hình ảnh câu chuyện cuộc chiến ở Ukraine như là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", theo như những gì mà Tổng thống Putin tuyên bố, và đây là một biện pháp phòng thủ cần thiết nhằm đáp trả việc NATO mở rộng sang Đông Âu cũng như "phi phát xít hóa Ukraine".
Ngược lại, câu chuyện của truyền thông Ukraine thì nhấn mạnh nước này là một quốc gia có chủ quyền khác biệt với Nga, đồng thời miêu tả các công dân và người lính của mình như những anh hùng bảo vệ đất nước.
Nhiều thay đổi ở thực địa
Tình hình thực địa của cuộc xung đột Ukraine trong năm thứ 2 cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi. Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ hơn sau cuộc phản công được ca ngợi nhiều vào mùa hè năm ngoái. Đồng thời Ukraine đang phải vật lộn với những hạn chế về nhân lực và nguồn cung cấp đạn dược ngày càng hạn chế từ phương Tây.
Sự kháng cự quyết liệt của Ukraine ở thời điểm bắt đầu cuộc chiến đã làm dấy lên hy vọng trong các quốc gia phương Tây rằng một đội quân ít binh lính hơn và ít vũ khí hơn có thể đẩy lui lực lượng của Nga.
Nhưng cuộc chiến đã rơi vào thế giằng co trong hầu hết năm thứ hai. Cho đến tuần trước thì có một thay đổi đáng chú ý là Ukraine buộc phải rút khỏi thành phố trọng điểm Avdiivka sau nhiều tháng giao tranh ác liệt, đánh dấu thất bại tồi tệ nhất của họ kể từ khi Bakhmut thất thủ hồi tháng 5 năm ngoái.
Có thể nói, nước Nga đang tận hưởng những thành tựu gần đây trên chiến trường sau hai năm. Nước Nga, có dân số gấp ba lần và ngân sách quân sự gấp đôi Ukraine, hiện đang tăng cường sản xuất vũ khí trong nước và có thể huy động thêm hàng trăm nghìn quân khi cần thiết.
Trong khi đó, Ukraine đang lệ thuộc nước Mỹ, vốn đang dao động giữa việc cam kết hỗ trợ "miễn là cần thiết" (cho Ukraine) và "miễn là chúng tôi có thể".
Có vẻ sự lựa chọn "miễn là chúng tôi có thể" mang tính khả dĩ hơn khi số tiền viện trợ rất cần từ Mỹ đang bị kẹt. Khoảng 50 tỉ USD viện trợ đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhưng vẫn phải đang chờ Hạ viện phê duyệt, và không biết ngày đó là khi nào.
Ngoài ra, sự thống nhất giữa Liên minh châu Âu (EU) và NATO trong vấn đề Ukraine đang bắt đầu rạn nứt với gần như mọi quyết định lớn đều bị trì hoãn.
Kiên cường về kinh tế
Dù xung đột vẫn chưa có hồi kết nhưng điểm sáng là nền kinh tế Nga và Ukraine đã tỏ ra kiên cường hơn dự kiến ban đầu. Sau khi nền kinh tế Nga giảm 2,1% vào năm 2022, nước Nga vào năm 2023 đã lấy lại quy mô nền kinh tế như mức trước cuộc xung đột.
Matxcơva đạt mức tăng trưởng GDP gần 3% vào năm 2023. Đáng chú ý đây là mức tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nền kinh tế trong nhóm G7.
Những lý do giải thích cho kết quả tốt hơn mong đợi đối với nước Nga chính là sản lượng dầu thô ổn định trong khi giá dầu cao, chi tiêu xã hội và quốc phòng mạnh hơn cũng như khả năng của nước này trong việc lách một phần các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nước Nga đã biết cách bù đắp tổn thất thương mại với phương Tây bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, nước Nga cũng không tránh khỏi những khía cạnh tiêu cực của cuộc chiến. Nền kinh tế đã bị cản trở nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt mang tính toàn cầu.
Ở phía bên kia, mặc dù suy thoái kinh tế Ukraine trong hai năm qua cũng nhẹ nhàng hơn so với những dự đoán ban đầu, nhưng nền kinh tế của quốc gia này đã bị tác động tiêu cực nặng nề do các cuộc tấn công liên tục của Nga vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Mất điện thường xuyên xảy ra ở hầu hết Ukraine.
Ngoài ra, viện trợ và hỗ trợ tài chính từ các quốc gia phương Tây suy yếu trong thời gian gần đây. Cả nợ công và thâm hụt ngân sách của Ukraine được sự đoán sẽ vẫn ở mức cao nguy hiểm.
Nhìn về tương lai, cuộc xung đột Ukraine vẫn không có dấu hiệu sẽ kết thúc trong ngắn hạn. Các nhà lãnh đạo Ukraine phải tăng cường mặt trận ngoại giao và truyền thông để thu hút sự chú ý chính trị từ cộng đồng quốc tế vốn đang bị phân tán bởi những gì đang xảy ra ở Trung Đông.
Thêm vào đó, lo ngại lạm phát tăng nhanh khiến một số lãnh đạo phương Tây ngần ngại trong việc chi những khoản viện trợ lớn cho Ukraine.
Hiện không có tiếng nói nghiêm túc nào của phương Tây muốn từ bỏ Kiev, nhưng không thể phủ nhận rằng khi cuộc xung đột càng kéo dài thì sự mệt mỏi càng tăng lên. Câu chuyện mệt mỏi không phải chỉ là của người Nga, người Ukraine, người Mỹ, người châu Âu, mà còn là câu chuyện của toàn thế giới. Triển vọng hòa bình vẫn còn nằm ở đường chân trời.
500
Một ngày trước kỷ niệm tròn hai năm chiến sự Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố 500 lệnh trừng phạt mới nhắm vào Matxcơva. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã nhất trí về mặt nguyên tắc của gói trừng phạt thứ 13 nhắm vào Nga và sẽ phê duyệt chính thức vào ngày 24-2.
Cuộc chiến drone
Cuộc xung đột Nga - Ukraine không phải là cuộc chiến đầu tiên sử dụng nhiều thiết bị bay không người lái (drone), song số lượng drone nhiều chưa từng thấy được cả hai bên sử dụng đã biến đây thành cuộc chiến drone đầu tiên trên thế giới.
Hồi đầu tháng 2-2024, việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thành lập lực lượng drone riêng trong quân đội cho thấy tầm quan trọng của loại vũ khí này trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh Kiev ngày càng thiếu hụt vũ khí.
Drone có thể tạo ra những bước ngoặt trong cuộc chiến bởi có thể sử dụng cho nhiều mục đích. Nó có thể do thám, giảm nguy cơ bị tấn công bất ngờ, điều phần nào lý giải vì sao cả Nga lẫn Ukraine khó có thể đánh vào các điểm phòng thủ của đối phương để đạt được đột phá.
Trong chiến đấu, loại vũ khí giá rẻ và khó bị phát hiện này có thể gây thiệt hại như pháo hoặc tên lửa với chi phí thấp hơn nhiều, chỉ khoảng vài trăm USD mỗi chiếc.
Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi thành "nhà máy chiến tranh" trong hai năm qua, Ukraine đã đẩy mạnh năng lực sản xuất drone. Theo Thủ tướng Denys Shmyhal, đến nay đã có 200 công ty tham gia sản xuất drone để đạt mục tiêu sản xuất 1 triệu drone trong năm 2024, trong đó có khoảng 11.000 drone tầm trung và xa.
Trong hai tháng đầu năm, chiến dịch không kích của Ukraine đạt kết quả khá ấn tượng khi Kiev cho biết trong một tuần của tháng 2-2024 các drone của nước này đã tiêu diệt 73 xe tăng và nhiều mục tiêu quan trọng khác của Nga.
Tương tự, Nga cũng đẩy mạnh sử dụng drone sản xuất trong nước cũng như được cho là nhập từ Iran. Trong bản tin vào tháng trước, Hãng tin TASS cho biết Nga sẽ sản xuất khoảng 32.000 drone mỗi năm vào 2030, 70% trong đó là sản xuất trong nước, trong dự án trị giá khoảng 7,6 tỉ USD.
Theo giới phân tích, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng cho thấy drone chính là vũ khí của tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận