29/03/2020 14:30 GMT+7

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: 'Chạy thận xong, đêm về nằm lo'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tuần ba buổi từ 6h sáng, anh Nguyên cuốc bộ sang Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận. Ở đối diện "ổ dịch lớn nhất cả nước" hiện nay, anh và các bệnh nhân cùng cảnh ngộ lo lắng vì vốn dĩ sức đề kháng đã yếu, nay ai nấy đều phải tự lo.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 1.

Anh Dương Đình Nguyên (47 tuổi, tạm trú ở xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ tay vào chiếc khẩu trang được phát miễn phí, chia sẻ mấy ngày nay bệnh nhân xóm chạy thận đều phải đeo khẩu trang khi nói chuyện với nhau - Ảnh: HÀ THANH

Mấy ngày nay, bà con ở xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) kháo nhau về "ổ dịch Bạch Mai". Ngõ 121 vốn thưa người, nay thì vắng bóng hẳn. Hàng quán đóng cửa im lìm, các dãy nhà để biển "cho thuê trọ" nhưng chẳng ai dám bén mảng đến khu vực này.

Người ngoài không dám vào, còn 130 bệnh nhân ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị cũng không dám đi đâu xa hơn vị trí khoảng sân ở đầu ngõ.

Cuộc sống ở xóm chạy thận những ngày đối diện với "ổ dịch" Bạch Mai - Video: HÀ THANH

Không dám ra ngoài

Bệnh tật đeo đẳng, bệnh nhân tuần ba buổi chạy thận, quy trình cứ lặp đi lặp lại liên tục như vậy, thiếu ngày nào sức khỏe suy kiệt ngày ấy. Nay dù có đối diện với nguy cơ trong "ổ dịch", vẫn chẳng ai dám bỏ phố về quê, trái lại vẫn phải đều đặn đến viện.

Hơn 10 năm chạy thận, anh Dương Đình Nguyên (47 tuổi, tạm trú ở xóm chạy thận) bộc bạch chưa lúc nào "vừa chạy thận vừa lo" như lúc này.

"Cứ đi từ nhà ra ngõ, từ ngõ đi về nhà chứ không dám đi đâu. Bệnh viện khuyến cáo, nhắc nhở mọi người cố gắng giữ gìn sức khỏe, cẩn thận hơn trong mùa dịch, chạy thận đi đến nơi về đến chốn", anh Nguyên thuộc lòng luôn những khuyến cáo của bệnh viện.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 3.

Ngõ 121 Lê Thanh Nghị vắng lặng, quán xá im lìm - Ảnh: HÀ THANH

Tuần ba buổi bắt đầu từ 6h sáng, anh đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận đến chừng hơn 10h là lục tục về nhà liền không dám la cà. Người mệt mệt thì bước chân ra ngõ hít thở không khí, hễ thấy người đông là về ngay vì không được tụ tập đông người.

Ở xóm này, mỗi phòng trọ cũng vỏn vẹn chưa đầy 10m2, hai chiếc giường kê sát nhau là chỗ trú cho 2 bệnh nhân chạy thận. Biết là nguy cơ cao vì vốn bệnh nhân chạy thận sức đề kháng yếu hơn người bình thường, mọi người nhắc nhau đeo khẩu trang, sát khuẩn tay liên tục.

Cũng may vừa rồi bệnh nhân được phát mỗi người chục chiếc khẩu trang vải, giờ nói chuyện với nhau đều đeo khẩu trang.

Cậy nhờ cả vào bác sĩ

Đối diện với "ổ dịch lớn nhất cả nước" nhưng không chạy thận không được, chị Trương Thị Thu (48 tuổi, quê Nam Định) cũng chỉ ngày nào chạy thận mới khăn gói sang viện, không chạy thận là tuyệt đối ở nhà, hạn chế cả ra ngõ.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 4.

Chị Trương Thị Thu sống ở xóm chạy thận 4 năm qua. Chị nói nay chạy thận bác sĩ ra tận cổng đón bệnh nhân vào, được sát khuẩn, đo thân nhiệt ngay ngoài cổng - Ảnh: HÀ THANH

"Đến viện là có trưởng khoa đứng ở đầu cổng đón bệnh nhân, không cho người nhà đi cùng, trừ trường hợp ngồi xe lăn hay bệnh nhân nặng quá. Chúng tôi được sát khuẩn, đo thân nhiệt ở ngoài cổng, tiếp đó vào phòng phun khử trùng và lên khoa chạy thận đo tiếp thân nhiệt, đúng giờ mới được vào.

Chạy xong hết ca một mới cho ca hai vào, làm nghiêm ngặt lắm, không được chạm tay vào bất cứ thứ gì", chị Thu kể.

Khó khăn nhất với bệnh nhân ở đây là trong mùa dịch COVID-19 phải hạn chế đi lại, không buôn bán nước hay chạy lặt vặt được để trang trải cuộc sống, chỉ trông chờ vào chu cấp của gia đình.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 5.

Chồng chưa kịp gửi tiền lên đã phải tự cách ly tại địa phương, mấy hôm nay bà Phan Thị Tảo (trái) phải tự xoay xở tiền ăn, tiền sinh hoạt phí - Ảnh: HÀ THANH

"Người thân không được lên đây, bản thân mình ở đây không được đi đâu. Ông nhà thường lên đây với tôi, nhưng mấy ngày qua phải ở quê không gửi tiền lên được, chị em trong xóm rất khó khăn, khó về vật chất cũng như tinh thần. Thôi thì bệnh tật, tất cả vì cộng đồng, mình phải bình tĩnh", bà Phan Thị Tảo, bệnh nhân chạy thận, chia sẻ.

"Nhưng các bác sĩ quan tâm, chu đáo với bệnh nhân nên chúng tôi yên tâm phần nào để chữa chạy. Lo đấy nhưng biết làm thế nào, đành cậy nhờ y bác sĩ chăm sóc thôi", bà Tảo chia sẻ.

"Đêm về nằm lo"

Cũng tuần ba buổi chạy thận tại Bệnh viện Bưu điện, bà Dương Thị Hoài (65 tuổi, ở Nam Định) bộc bạch dù không chạy thận ở Bạch Mai nhưng ở trọ xóm này nên đêm nào chạy thận về cũng lo lắng lắm.

"Lo chứ nhưng chỉ để trong lòng thôi, bác sĩ có viết ra giấy cho mình, khuyến cáo rửa tay, chịu khó ăn chín uống sôi, tự mình bảo vệ mình. Chúng tôi ăn uống ở nhà, già cả rồi nên hạn chế đi ra ngoài, 1 tuần chỉ đi mua thức ăn một lần, sống ở điều kiện nào thì khắc phục thôi", bà Hoài giãi bày.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 6.

Căn phòng bà Hoài ở trọ kê đủ hai chiếc giường, dù không chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai nhưng lại sống ở xóm chạy thận, bà nói đêm nào cũng nằm lo - Ảnh: HÀ THANH

Vừa ăn tạm nắm xôi buổi sáng, bà nổi lửa bếp luộc nồi khoai mới đi chợ được, vừa kể: Bệnh nhân chạy thận "bỏ cửa bỏ nhà" lên đây chạy chữa bệnh, người mới nhất cũng vài ba năm, nhiều nhất cũng ngót mười mấy năm. Đã mang bệnh tật nên ai cũng xác định "sống chung với lũ".

"Bom đạn xưa kia đánh trên trời còn tránh được, mà dịch này lơ lửng trong không khí, sợ chứ. Mấy bữa nay gia đình lo lắng gọi điện, đòi lên đây chăm sóc tôi nhưng tôi can không cho, bảo 'ai ở đâu ở yên đấy'", bà Hoài thật thà chia sẻ.

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 7.

Vốn bệnh tật, nay phải đối diện ổ dịch lớn nhất cả nước, bệnh nhân ở xóm chạy thận nói lo thì có lo nhưng phải bình tĩnh sống. Họ chia nhau từng củ khoai, chia ngọt sẻ bùi trong lúc khó khăn - Ảnh: HÀ THANH

Nói xong, bà cầm rổ khoai vừa chín gõ cửa từng phòng, ai nấy rối rít cảm ơn nói vui "qua được bữa trưa rồi".

Còn bà cười đôn hậu: "Hôm nay chủ nhật, con 'côvít' này không biết thế nào, thôi mình đi ra chợ mua cân khoai cho chị em ăn".

Xóm chạy thận đối diện ổ dịch: Chạy thận xong, đêm về nằm lo - Ảnh 8.

Khuyến cáo đeo khẩu trang ở đầu xóm chạy thận - Ảnh: HÀ THANH

Thông báo khẩn: Ngừng ra vào Bệnh viện Bạch Mai Thông báo khẩn: Ngừng ra vào Bệnh viện Bạch Mai

TTO - Đã có thêm 2 ca bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 9 người. Cách đây ít phút, Bệnh viện Bạch Mai có thông báo khẩn, cho biết bắt đầu ngừng ra vào bệnh viện để phòng dịch.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên