Cách ly Bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp sáng 29-3) - Ảnh: NAM TRẦN
Trong ngày 28-3 và sáng 29-3, Bộ Y tế công bố thêm 16 bệnh nhân COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân ở Việt Nam lên 179. Điều đáng chú ý là đã có 16 bệnh nhân COVID-19 từ ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Phong tỏa Bạch Mai
Trong số 16 bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai, 7 người là từ nhà ăn, 5 người trong nhóm bệnh nhân Khoa Thần kinh, 3 người ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới (2 điều dưỡng - bệnh nhân 86, 87 và con của bệnh nhân 86), 1 người là thân nhân bệnh nhân từ 20 đến 22-3 đã đi lại 5 lần tại quầy số 1 nhà ăn.
Điều đáng chú ý, chỉ có bệnh nhân 86, 87 và con của bệnh nhân 86 là tìm thấy nguồn lây (lây tại bệnh viện và gia đình bệnh nhân). Các ca bệnh còn lại (133, 161, 162, 163, 168, 169, 170, 172 và 174) hiện chưa rõ ai làm lây cho ai, nguồn lây từ đâu.
Trong sáng 28-3, ngay sau khi tuyên bố dừng tiếp nhận bệnh nhân mới, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã hoàn tất lấy mẫu xét nghiệm 5.000 cán bộ nhân viên, bệnh nhân và thân nhân còn ở lại bệnh viện.
Xe chuyên dụng phun hóa chất tẩy độc, khử trùng Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: TTXVN
Lo ngại về diễn biến ổ dịch trên, ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết không loại trừ có thêm nhân viên và bệnh nhân của Bạch Mai nhiễm bệnh.
Và theo ông Hiền, nếu không nhanh chóng tạm phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai sẽ có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ những nhân viên y tế hằng ngày về nhà sau ca trực, từ bệnh nhân và thân nhân sau khi bệnh nhân được ra viện. Chính vì thế 2h sáng 28-3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã đến làm việc với Bệnh viện Bạch Mai và quyết định phong tỏa bệnh viện ngay sau đó.
"Khó khăn nhất hiện nay bởi Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối. Bệnh viện tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân thì sẽ có những khó khăn cho trường hợp bệnh nhân nặng có nhu cầu chuyển tuyến. Thế nhưng nếu không phong tỏa thì nguy cơ lây lan tiếp sẽ rất khó lường. Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế chắc chắn sẽ có phương án cho những vấn đề đặt ra", ông Hiền chia sẻ.
Về nguồn lây bệnh ban đầu tại Bệnh viện Bạch Mai, tại cuộc họp với UBND TP Hà Nội, ông Dương Đức Hùng, phó giám đốc bệnh viện, cho rằng: Nguồn lây từ bên ngoài bệnh viện, thân nhân bệnh nhân vào thăm người bệnh khi đã nhiễm bệnh từ trước.
Sở dĩ có kết luận sơ bộ như trên là qua đánh giá kết quả xét nghiệm tình trạng bệnh của từng người. Chính vì thế Bộ Y tế đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tất cả các phòng khám tư của bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai.
Kiểm tra sức khỏe người đến Bạch Mai từ 9-3
Bác sĩ P.M., đang làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, cho biết mình đang ở nhà. Tuy nhiên chị đã chuẩn bị sẵn một túi đồ dùng cá nhân để sẵn sàng vào bệnh viện bất kỳ lúc nào bởi khi vào viện là ở luôn, như đi "cách ly". Khoa chị M. làm việc đang còn hơn 10 bệnh nhân và hơn 10 nhân viên y tế đang trực chiến. Trong số các bệnh nhân có cả một số phụ nữ đang mang bầu, cần chế độ ăn bệnh lý.
"Tôi có gọi hỏi các đồng nghiệp và bệnh nhân xem có cần chuyển thêm thực phẩm, nhưng tất cả đều nói là yên tâm, mọi người vẫn ổn. Ngày mai tôi được biết sẽ có xe đưa thân nhân bệnh nhân đi cách ly riêng. Việc chăm sóc cho bệnh nhân sẽ hoàn toàn do nhân viên y tế phụ trách. Đặc thù trong công việc hằng ngày là trực đêm, nên chúng tôi hoàn toàn có thể cách ly tại bệnh viện", bác sĩ M. chia sẻ.
Lực lượng chức năng kiểm tra người ra vào Bệnh viện Bạch Mai sáng 28-3 - Ảnh: NAM TRẦN
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đề nghị mở rộng kiểm tra sức khỏe cho những người từng đến Bạch Mai từ ngày 9-3 (trước đó đề nghị kiểm tra từ 12-3). Theo đó, các nguồn cần rà soát là nhân viên y tế, sinh viên, bệnh nhân điều trị nội trú, người vào thăm bệnh nhân, người đến dự đám tang.
Theo ông Chung, công việc trên là rất khó khăn do số lượng người đến khám và từng đi lại tại bệnh viện rất lớn, chưa kể số lượng người vào thăm người bệnh có thể nói là khổng lồ (tính từ 12-3 đến nay đã có hàng chục ngàn người từng đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai).
Trước tình hình trên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bảo hiểm xã hội để sử dụng hệ thống thông tin người bệnh, điều tra, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe nhằm kiểm soát người ra vào bệnh viện thời gian trên.
"Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, hằng ngày có hàng chục ngàn người ra vào, UBND TP Hà Nội đã rất trách nhiệm, chủ động, phối hợp với ngành y tế để dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai", ông Đam nói và yêu cầu: Toàn bộ nhân viên y tế phải thực hiện khai báo sức khỏe. Bộ Y tế cũng cho biết sẽ dành tất cả những điều kiện tốt nhất về trang thiết bị cho Bệnh viện Bạch Mai.
Cách ly y tế người ra vào Bạch Mai từ 10-3 đến nay
Cuối ngày 28-3, UBND TP Hà Nội đã có công điện gửi Sở Công an, Sở Y tế, giám đốc BV Bạch Mai và các chủ tịch UBND quận huyện, yêu cầu thành lập các tổ công tác rà soát những người đã từng đến BV Bạch Mai từ 10-3 đến nay. Trong đó bao gồm bệnh nhân nội, ngoại trú, sinh viên học sinh thực tập tại BV, y bác sĩ..., đồng thời lập tức ra quyết định cách ly y tế với những người này.
Giám đốc BV Bạch Mai chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh nhân đã đến khám, chữa bệnh tại thời điểm này. Riêng thân nhân của bệnh nhân hiện đang ở BV sẽ được chuyển đi cách ly tập trung theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận