Đúng ở chỗ, từ 1-8-2024, Luật Nhà ở ban hành thì Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam tham gia vào việc xây dựng nhà ở như một chủ thể có tư cách pháp nhân, đồng thời TLĐLĐ sẽ xây dựng nhà ở cho công nhân theo hình thức thuê.
Đây được coi như một giải pháp cộng hưởng với 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ nhằm giải quyết cơn khát nhà ở cho người lao động.
Hiện nay cả nước có hơn 500 khu công nghiệp với hàng triệu công nhân. Họ chủ yếu là thuê một chỗ ở trong các khu dân cư với diện tích nhỏ bé, điều kiện sống rất thấp.
Trước mắt đến năm 2025 TLĐLĐ Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng khoảng 3.000 căn hộ, từ năm 2026 - 2030 là 10.000 - 15.000 căn hộ, chủ yếu là cho người lao động thuê.
Công nhân sẽ được sống trong các căn hộ khép kín có diện tích 30m2, 45m2 và 60m2, được đầu tư các hạng mục cơ bản, đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu của người lao động.
Giá cho thuê từ 1 đến 2 triệu đồng/căn hộ (từ kinh nghiệm của Khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam) do TLĐLĐ xây dựng thí điểm.
Có thể nói đây thực sự là một tin vui nức lòng cho người công nhân.
Với mức lương 7 - 8 triệu đồng, nếu tăng ca là 10 triệu đồng thì công nhân rất khó với tới những căn nhà ở xã hội, dù có được hỗ trợ thì giá một căn hộ nhỏ nhất 30m2 ở Hà Nội, TP.HCM cũng phải gần 1 tỉ đồng.
Với giá thuê như TLĐLĐ đưa ra thì đây là mức thuê rất phù hợp, tương đương hoặc thấp hơn mức thuê nhà trọ mà chất lượng công trình chắc chắn là tốt hơn. Theo khảo sát của TLĐLĐ ở Tiền Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... kết quả có đến 80 - 90% công nhân muốn được thuê nhà hơn là mua đứt.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, lao động có xu hướng chuyển dịch, không ổn định thì mô hình cho thuê mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên có hai chuyện cần đặt ra mà TLĐLĐ cần tính trước.
Thứ nhất là việc quản lý các chung cư này như thế nào đừng để nó trở thành "nhà ổ chuột, chợ bán hàng rong trên cao". Thứ hai là đất xây dựng.
Theo ông Hùng, các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai sẵn sàng hợp tác cấp hay cho thuê đất, nhưng hiềm một nỗi là những khu đất lớn có thể làm nhà ở cho công nhân lại ở khá xa và thiếu các dịch vụ tiện ích như trường học, nhà trẻ, y tế, siêu thị cũng như không gian sinh hoạt văn hóa như công viên, sân thể thao, nhà văn hóa...
KTS Nguyễn Văn Tất vừa hoàn thành một đề án nghiên cứu hình thành các cộng đồng ở cho người thu nhập thấp, trong đó tập trung cho công nhân các khu công nghiệp rất đáng để TLĐLĐ Việt Nam hợp tác triển khai.
Theo ông Tất, vị trí đất không quan trọng, có thể xa trung tâm, xa nơi làm việc nhưng nếu chủ đầu tư xây dựng một khu ở hoàn chỉnh cho vài ngàn người mà có đủ tiện ích ở mức trung bình, có kết nối giao thông thì vẫn thu hút được công nhân đến ở, việc đi lại sẽ giải quyết bằng xe đưa đón.
Một khi dân cư đông dần lên thì các dịch vụ xã hội sẽ xuất hiện theo nguyên lý "thóc đâu bồ câu đó".
Nhà cho thuê sẽ là thượng sách khi mà sáng kiến này nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, các nhà thầu xây dựng và toàn xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận