Khung cảnh tại ngã tư gần sân bay Hamid Karzai của Afghanistan ngày 16-8 - Ảnh: AFP
Trong một phát biểu ngày 17-8, phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic nói tổ chức này quan ngại về tình hình lây lan COVID-19 ở Afghanistan.
Afghanistan vừa chứng kiến bước ngoặt trong cuộc chính biến, khi quân Taliban tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul. Hàng ngàn người Afghanistan cũng như công dân nước ngoài đã sơ tán khỏi thủ đô.
Ông cho biết sự hỗn loạn và gián đoạn ở sân bay Kabul đang "làm chậm trễ các nguồn cung cấp y tế khẩn cấp và thiết yếu", và tác động tới một hệ thống y tế vốn dĩ mong manh của Afghanistan.
Theo CNN, hệ thống y tế Afghanistan đã đối diện với sự thiếu hụt thiết bị, vật tư y tế thiết yếu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Jasarevic lưu ý tình hình chiến sự hiện nay cũng khiến chiến dịch tiêm chủng ở nước này chịu tác động nặng nề.
Sự đông đúc trong các cơ sở y tế cũng như các khu trại cho người dân mất nhà cửa sẽ cản trở các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm, đồng thời tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.
Việc xử lý người sơ tán khỏi Afghanistan cũng đang là vấn đề đau đầu cho các nước khác, đặc biệt ở châu Âu - nơi đã gồng gánh nhiều vấn đề người di cư, tị nạn từ Trung Đông nhiều năm qua.
Ngày 17-8, Bộ trưởng phụ trách nhập cư của Hy Lạp Notis Mitarachi khẳng định một mình Hy Lạp không thể trở thành cánh cổng vào Liên minh châu Âu (EU) cho người sơ tán Afghanistan.
Ông Mitarachi kêu gọi EU phải có giải pháp chung cho cuộc khủng hoảng này. Theo đó, EU cũng cần phải tìm sự thống nhất trong việc liệu có nên trục xuất những trường hợp xin tị nạn bất thành từ Afghanistan tuần trước hay không.
"Chúng tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi sẽ không và không thể trở thành cánh cổng tới châu Âu cho người di cư và tị nạn, những người đang cố gắng vào EU", ông nói trên Đài truyền hình ERT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận