Trong lịch sử hiện đại Việt Nam có thể thiếu một vài địa danh khi lựa chọn, nhưng chắc chắn sông Hiền Lương không thể vắng mặt, đã hóa thạch trong ký ức cộng đồng, thành cảm hứng dồi dào cho thơ ca, nhạc, họa, những thiên anh hùng ca yêu nước.
Dòng sông cảm hứng
Qua cầu Hiền Lương hôm nay thấy một Vĩnh Linh rộng dài, khang trang, trù phú, càng gợi nhắc những gì liên quan đến câu chuyện dòng sông - một dòng sông nhân chứng bất tử.
Thời nước non chia cắt, nhiều người đã nhắc đến những câu thơ như xoáy vào tâm cảm bao người: Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/Tận chân trời mây núi có chia đâu (Tế Hanh), Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây (Thanh Hải).
Lúc bấy giờ đêm tới, vào tiết mục tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam mà nghe giọng ngâm của nghệ sĩ Châu Loan, một người con của làng nghệ sĩ Tùng Luật (Vĩnh Linh), về nỗi niềm ngày Bắc - đêm Nam thì rất nhiều người nghe tim mình quặn thắt.
Sông Hiền Lương lúc ấy còn là cảm hứng cho sự ra đời của tiểu thuyết Phía nam sông Bến Hải của nhà văn Mikhail ĐômôGatxkikh (Liên Xô), được Nhà xuất bản Văn Nghệ ấn hành năm 1986. Tác giả vốn là phóng viên Thông tấn xã TASS của Liên Xô từng công tác tại Việt Nam.
Mới đây, khi đến cầu Hiền Lương cảm xúc da diết khi nghe cô hướng dẫn viên hát mộc bài Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, một trong những bài hát đã thành tiếng lòng của cả dân tộc một thời và mãi mãi.
Giọng hát cũng bình thường nhưng nghe da diết, nhất là hát trên cây cầu lịch sử. Tôi thấy khách tham quan đến từ phía Bắc nhiều người hát theo, có người không nén nổi xúc động, lấy tay lau nước mắt.
Có lẽ khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ca khúc Nối vòng tay lớn có câu Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu... thì chiếc cầu ám ảnh bậc nhất hẳn là cầu Hiền Lương. Còn nhạc sĩ Văn Cao viết Mùa xuân đầu tiên khi non sông liền một dải, bước chân người Việt qua cầu Hiền Lương không chút ngập ngừng, e ngại.
Năm 2010, hai anh em đều là họa sĩ sinh đôi giống nhau như hai giọt nước là Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải sau nhiều năm nung nấu, bằng nghệ thuật sắp đặt ngay trên chiếc cầu Hiền Lương đã cho ra đời bộ phim Cây cầu (The Bridge) cũng vào dịp 30-4.
Hai anh em họa sĩ cho biết: "Chúng tôi sinh vào tháng 4-1975 và cầu Hiền Lương là một biểu tượng ám ảnh hai anh em nên chúng tôi quyết định làm bộ phim này theo ý tưởng và cách của mình.
Đây là cách làm mới mẻ ở Việt Nam thể hiện sự khao khát tìm tòi, sáng tạo và thể hiện của người nghệ sĩ với lịch sử của dân tộc mình". Bộ phim đã được dư luận chú ý, báo chí quan tâm, VTV đã có hẳn một bộ phim tài liệu về tác phẩm này với nhan đề Anh em.
Ký ức tuổi thơ và câu chuyện hôm nay
Thuở nhỏ tôi hóng chuyện người lớn đã nghe tên con sông Hiền Lương. Khi biết chữ đã đọc những cuốn sách nhắc dòng sông này. Nhưng phải đến năm 1979 tôi mới có dịp theo chân cha mình ra Hồ Xá.
Khi qua cầu Hiền Lương, tôi háo hức nhìn ngắm dòng sông đã gồng gánh trọn những nỗi niềm dân tộc đằng đẵng 20 năm chia cắt. Khi ấy thị trấn Hồ Xá trơ trụi, nghèo nàn, chỉ có tháp nước tròn dáng vẻ gần như trái bầu khô khổng lồ là nhô lên cao như một khát vọng vĩnh hằng về hòa bình, thống nhất và ấm no, hạnh phúc.
Sau này đi làm báo, bao nhiêu lần qua lại sông Hiền Lương thì cây cầu và dòng sông đã trở nên quen thuộc nhưng cảm xúc, lạ thay, lại vẫn không chai cứng, trơ mòn.
Nhớ có lần dự họp để đưa tin về phương án di tích cầu Hiền Lương trùng tu tại UBND tỉnh Quảng Trị, tôi không khỏi xúc động khi nghe một kỹ sư phát biểu: "Trùng tu về mặt kỹ thuật thì không có gì khó khăn, phức tạp nhưng để phục hiện như nguyên bản là điều cần cẩn thận, vì đây không chỉ là chiếc cầu bình thường dùng để đi lại mà nó còn là di tích lịch sử được rất nhiều người quan tâm".
Sau này còn nhớ một lần chay xe máy qua cầu với một nhà giáo, tôi nảy ý định dừng lại để đếm các tấm ván lót trên chiếc cầu di tích xem có đúng như nhà văn Nguyễn Tuân trong ký của mình hay không? Và đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ.
Cách đây mấy năm khi thực hiện phóng sự về cầu Hiền Lương, tôi đã nghe cựu chiến binh Lương Xuân Vy ở tỉnh Lào Cai tâm sự: "Chúng tôi qua cầu Hiền Lương nhiều lần rồi nhưng phải nói lần nào cũng thấy bồi hồi xúc động. Chúng tôi mong muốn Quảng Trị bảo tồn tốt di tích này, để không chỉ người dân hôm nay đến chiêm ngưỡng mà còn để con cháu mai sau đến tham quan hiểu thêm lịch sử của cha ông mình".
Còn cựu chiến binh Nguyễn Văn Lợi ở tỉnh Phú Thọ thì hân hoan: "Trước đây chúng tôi cũng đã đến di tích bên sông Hiền Lương. Phải nói thật là lúc ấy do hoàn cảnh khó khăn nên di tích cũng có vẻ sơ sài. Hôm nay quay lại thấy khang trang, chúng tôi rất mừng.
Thái độ đón tiếp, phục vụ của cán bộ, nhân viên ở đây cũng rất niềm nở, thân tình. Mong Quảng Trị tiếp tục đổi mới và phát triển, càng có điều kiện để nâng cấp di tích khang trang, tiện nghi hơn nữa".
Dịp 30-4-2020, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đến thăm tỉnh Quảng Trị. Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông đã dạo trên chiếc cầu Hiền Lương và bắt tay ông Hoàng Nam, phó chủ tịch UBND tỉnh.
Báo chí đưa tin đây là "cái bắt tay lịch sử" báo hiệu thêm một nấc thang mới tốt lành trong quan hệ Việt - Mỹ khi khép lại quá khứ, cùng nhau hướng tới một tương lai hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Vĩnh Linh đã bước vào một vận hội mới và tên gọi Hiền Lương không chỉ là địa danh lịch sử mà còn là lương tâm, khát vọng và phẩm hạnh của Quảng Trị, Việt Nam.
Cầu Hiền Lương ra đời năm 1928. Trước đó muốn qua lại sông Bến Hải người ta chỉ có một cách là đi đò. Khi quyết định làm cầu, phủ Vĩnh Linh lúc ấy đã huy động người dân xây dựng.
Chiếc cầu rộng 2m, đóng bằng cọc sắt, chỉ dành cho người đi bộ, còn nếu đi bằng xe bò, xe ngựa hoặc ôtô phải qua phà.
Cây cầu tuy thô sơ nhưng đã đánh dấu một cột mốc lớn vào lịch sử giao thông Quảng Trị. Năm 1931, cầu được mở rộng hơn nhưng cũng vẫn chỉ dành cho người đi bộ.
Năm 1943, người Pháp cho nâng cấp chiếc cầu loại xe nhỏ có thể qua lại được. Trước nhu cầu giao thông vận tải ngày càng lớn, người Pháp quyết định xây dựng chiếc cầu này bằng bê tông cốt thép trên đoạn huyết mạch của con đường thiên lý Bắc - Nam vào năm 1950.
Đặc biệt, ý đồ của họ là muốn phục vụ mục đích quân sự ở chiến trường Trị Thiên bởi lúc này cuộc kháng chiến chống Pháp đã bước vào giai đoạn ác liệt. Cầu dài 162m, rộng 3,6m, trọng tải 10 tấn. Nhưng chỉ hai năm sau bị Việt Minh đánh sập.
Tháng 5-1952 người Pháp lại xây cầu này hoành tráng hơn với chiều dài 178m, rộng 4m, trọng tải 18 tấn. Cầu được chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m.
Sau Hiệp định Genève, cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời, nhưng thay vì hai năm tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì thời gian phải gấp mười lần như thế, đến năm 1973 chiếc cầu mới trở lại đúng vai trò của nó khi nối liền Bắc - Nam một dải.
Cũng phải nói thêm rằng năm 1967 bom Mỹ đánh sập cầu này. Đến năm 1975 giang sơn thống nhất, Nam - Bắc một nhà thì nỗi đau chia cắt không còn nghẹn lại ở mỗi đầu cầu. Năm 1996, trước tình hình cầu cũ ngày càng xuống cấp, Bộ Giao thông vận tải quyết định xây dựng lại cầu mới nằm về phía tây chiếc cầu cũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận