26/09/2024 09:07 GMT+7

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 3: Về vĩ tuyến 17 - chuyến đi sinh tử

Có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nữ đạo diễn phim tài liệu đặc biệt Nguyễn Thị Xuân Phượng (sinh năm 1929) sẽ thấy cuộc đời bà nhiều duyên nợ với Vĩnh Linh (Quảng Trị), gần như là định mệnh.

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 3: Về vĩ tuyến 17 - chuyến đi sinh tử - Ảnh 1.

Đạo diễn Xuân Phượng và tác giả hội ngộ ở Quảng Trị năm 2022 - Ảnh: NVCC

Nhiệm vụ đặc biệt

Một ngày tháng 5-1967, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng nghe thủ trưởng Phạm Ngọc Thuần, chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, giao nhiệm vụ đột xuất: "Em ngưng mọi công việc, lên ngay dinh Chủ tịch, nhận lệnh của Bác Hồ".

Khi bà Xuân Phượng và vài người khách khác cùng đến, Hồ Chủ tịch giới thiệu mọi người làm quen với nhau: "Bác giới thiệu với các cháu, đây là hai người bạn thân thiết của Bác, là những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng trên thế giới.

Ông Joris Ivens đã làm hàng chục phim tài liệu nói về các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Người bạn đời của ông, bà Marceline Loridan, là một phụ nữ Do Thái đã bị tập trung vào lò thiêu người Auschwitz của phát xít Đức. Chỉ còn năm ngày nữa là đến lượt bà bị vào lò thiêu, rất may là quân Đồng Minh đã kịp đến giải phóng".

(Rất lâu về sau, khi nước ta thống nhất nhiều năm, bà Xuân Phượng mới biết vợ chồng đạo diễn Jvens đã cầm ngôi nhà riêng của mình ở Paris để lấy kinh phí làm phim).

Cuộc sơ ngộ đặc biệt đã mở đầu cho hành trình làm phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân mà bà Xuân Phượng là phiên dịch tiếng Pháp kiêm bác sĩ của đoàn làm phim đặc biệt vào tuyến lửa, nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc.

Biết chuyến đi sẽ gặp muôn vàn nguy hiểm, bác sĩ Xuân Phượng rất lo cho sự an nguy của các vị khách nước ngoài. Vì trước khi vào giới tuyến, Bác Hồ đã căn dặn bác sĩ kiêm phiên dịch:

"Đồng chí Ivens là bạn của Bác, là một chiến sĩ điện ảnh cách mạng quốc tế rất có uy tín trên thế giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ đồng chí ấy. Những thước phim của Ivens sẽ có giá trị to lớn đối với quốc tế khi nói về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta".

Rồi Bác nói thêm: "Cháu phải bảo vệ sức khỏe cho đồng chí Ivens, cho đoàn. Đi đến nơi, về đến chốn. Làm tốt, Bác sẽ thưởng".

Một nhiệm vụ rất đặc biệt và cũng thật khó khăn, một chuyến đi sinh tử.

Bom dội trên đường

Đoàn lên đường, xe ngụy trang cẩn thận đề phòng máy bay địch phát hiện ném bom. Nhưng mới đi không lâu đã gặp nguy hiểm.

Chưa vào đến Vĩnh Linh, ba chiếc xe chở đoàn bị bom phá tan hoang, két nước thủng lỗ chi chít, đã có người bị thương. Tình hình nóng bỏng.

Phi Hùng, người phụ trách an toàn cho cả đoàn, gọi điện ra Hà Nội xin chỉ thị. Đạo diễn Jvens đoán biết nên đưa cho bác sĩ Xuân Phượng mảnh giấy ghi vội mấy dòng: "Chưa đi được một phần mười của hành trình.

Chúng tôi quyết vẫn đi tiếp vào Vĩnh Linh. Chúng tôi không trở về đâu. Ký tên: Jvens và Mareline". Chiều hôm ấy, lệnh hỏa tốc từ Hà Nội chỉ thị: "Bổ sung cho ba xe khác. Đoàn tiếp tục lên đường. Gắng bảo vệ tính mạng cho khách".

Xe vào gần Hà Tĩnh ban đêm, có vẻ an toàn, mọi người lim dim ngủ tranh thủ trên xe đang chạy nghiêng ngả theo con đường chi chít hố bom và ánh hỏa châu ma quái.

Chợt các xe va vào nhau, bom lại đánh xuống đường, bà Mareine kêu lên khi bị thương vào đầu gối, nhà quay phim Thái Dũng cũng bị thương, cả hai đều phải nhập viện. Đạo diễn Jvens quyết định gửi họ lại điều trị ở trạm quân y dã chiến, sẽ vào sau, còn đoàn vẫn tiếp tục lên đường.

Cứ như thế 15 ngày, hầu như chỉ nhai lương khô và đi dưới bom đạn, đoàn đã vào tới Vĩnh Linh.

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 3: Về vĩ tuyến 17 - chuyến đi sinh tử - Ảnh 2.

Cầu Hiền Lương từng bị bom Mỹ đánh sập năm 1967 - Ảnh tư liệu

Những thước phim giữa sự sống và cái chết

Công việc đầu tiên ở Vĩnh Linh cũng quá ư mạo hiểm. Đó là quay phim cột cờ Hiền Lương. Chia làm hai kíp quay phim, phòng khi kíp 1 bị bom hay bị thương thì kíp 2 thay thế quay bằng được lá cờ vì đạo diễn cho đó là việc quan trọng, mở đầu cho bộ phim. Khi nghe đạo diễn phân công, người quay phim tên Tuấn lẩm bẩm: "Thế này thì tám phần chết, hai phần sống rồi…".

Y như dự đoán, khi quay phim Tuấn đang tác nghiệp trên cột cờ, bên kia lính bờ Nam súng ống lăm lăm chỉ chực nhả đạn khi cần thì máy bay ném bom, vùi cả mấy người trong đất cát. Lúc lính bờ Nam phát hiện nã đạn nhưng đã muộn hơn anh Tuấn vài phút. Lại gặp may!

Trong thời gian ở Vĩnh Linh, đoàn làm phim đã gặp một nhân vật là cậu bé tên Phạm Công Đức để lại nhiều ấn tượng khi vóc dáng Đức còn thấp hơn khẩu súng trường.

Sau này khi xem phim, có khán giả nước ngoài cật vấn đạo diễn Ivens vì sao ông để một đứa bé cầm súng và trả lời phỏng vấn là tham gia đánh giặc, như vậy liệu có nhân đạo và phù hợp hay không?

Đạo diễn trả lời ngay: "Nếu trong bữa tối an lành, cả nhà anh đang quây quần, bỗng có một hay nhiều người xông vào lần lượt bắn chết từng người, rồi sau đó trút bom tàn phá ngôi nhà của anh thì không biết đứa trẻ chín tuổi kia có quyền cầm súng báo thù hay không? Chúng tôi gọi đó là chiến tranh nhân dân…".

Hay có lần bà Xuân Phượng đỡ đẻ cho một phụ nữ Vĩnh Linh cũng dưới đạn rền đạn xé dưới lòng địa đạo khi người chồng khóc lên kêu cứu cho vợ con mình.

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 3: Về vĩ tuyến 17 - chuyến đi sinh tử - Ảnh 3.

Người dân Vĩnh Linh kiên cường dưới bom đạn chiến tranh - Ảnh: Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc

Đó là một ca đỡ đẻ nhớ đời với bác sĩ Xuân Phượng. Không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn rõ mặt sản phụ… Trong khi người mẹ sinh con lần đầu, đến rặn đẻ còn chưa biết và chuyển dạ thì đã hai ngày.

Cuối cùng thì mẹ tròn con vuông. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Hai ngày sau, người cha đứa bé đem mấy củ khoai mì (sắn) tặng đoàn và nói với bà Xuân Phượng: "Tui cảm ơn o (cô) không kể xiết. Xin o đặt tên cho con trai tui". Bà đáp: "Xin đặt tên cháu là Nguyễn Xuân Phượng, đó cũng là tên của tôi".

Hai tháng ở Vĩnh Linh với quá nhiều hiểm nguy và cũng đầy ắp kỷ niệm. Bộ phim tài liệu Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân đã hoàn thành tốt đẹp, được công chiếu năm 1969 ở Paris sau đó ở nhiều nước khác và gây được tiếng vang rộng rãi để thế giới càng ủng hộ chính nghĩa Việt Nam.

Từ đó nghe lời khuyên đạo diễn, bà Xuân Phượng theo đuổi nghề mới, trở thành phóng viên chiến trường, đạo diễn phim tài liệu chuyên nghiệp và tên tuổi.

Cuộc hội ngộ đặc biệt

Năm 2007, đạo diễn Xuân Phượng trở lại Vĩnh Linh sau 40 năm với mong muốn gặp lại các nhân vật và nhân chứng một thời khói lửa.

Đoàn của bà vừa đi khắp Vĩnh Linh công chiếu bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân vừa dò hỏi tung tích những người cần tìm. Bà được Đài PT-TH Quảng Trị cử đi cùng phóng viên Phan Khiêm để làm phóng sự về chuyến đi này.

Đi được vài ngày, chiếu phim nhiều nơi nhưng nhân vật cũ vẫn biệt vô âm tín, không biết họ còn, mất hoặc lưu lạc phương nào. Nét bồn chồn pha lẫn buồn bã đã thi thoảng xuất hiện trên gương mặt của nữ đạo diễn kỳ cựu...

Đêm cuối ở Quảng Trị, khi nghe đạo diễn tâm sự, phóng viên Phan Khiêm chợt buột miệng hỏi: "Có phải cô tìm một người tên Đức phải không, cháu cũng có học cấp III với một thầy giáo dạy toán tên Phạm Công Đức hiện sống ở Quảng Trị".

Một linh cảm như mách bảo và đạo diễn giục anh Khiêm điện thoại ngay. Qua điện thoại, bà nhận ra đây chính là nhân vật trong phim của 40 năm trước. Hạnh phúc vỡ òa!

Và thế là đã có một cuộc tái ngộ, trùng phùng xúc động hiếm có như mong đợi rất nhiều và rất lâu của những người trong cuộc.

Năm 2012, bà Xuân Phượng sang Paris đem theo gói quà của thầy Đức, là cậu bé Đức ngày nào, gửi tặng vợ chồng đạo diễn Jvens. Mở ra là một gói tiêu khô được trồng ở Vĩnh Linh, bà Marceline ôm gói tiêu vào lòng: "Cảm ơn cuộc đời! Mừng cho bé Đức!".

Rồi mọi người đến ngôi mộ đạo diễn Jvens đặt một gói tiêu nhỏ trước tấm bia những ân tình mộc mạc và nồng nàn của Vĩnh Linh, Quảng Trị.

-------------------------

Bước ra khỏi chiến tranh theo cách nói của nhà thơ Ngô Minh từng cảm thán gan ruột: Vĩnh Linh ơi, từ địa đạo bước lên/Tưởng trắng rợn một màu tang trắng…

Kỳ tới: Vĩnh Linh ơi, từ địa đạo bước lên

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 3: Về vĩ tuyến 17 - chuyến đi sinh tử - Ảnh 3.Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới

62 năm trước ở Vĩnh Linh xảy ra một biến cố bất ngờ: đập thủy lợi Bàu Nhum bị vỡ, nước ngập cả một vùng đồng bằng, cát lấp trắng xóa hàng chục ha ruộng...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên