25/09/2024 12:30 GMT+7

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới

62 năm trước ở Vĩnh Linh xảy ra một biến cố bất ngờ: đập thủy lợi Bàu Nhum bị vỡ, nước ngập cả một vùng đồng bằng, cát lấp trắng xóa hàng chục ha ruộng...

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới - Ảnh 1.

Kỹ sư Nguyễn Ty Niên đã nâng cấp thành công đập Bàu Nhum bằng phương pháp sáng tạo - Ảnh: P.X.D.

Có một công trình thủy lợi độc nhất vô nhị trên thế giới nằm ở tỉnh Quảng Bình mà tưới mát được cho ruộng đồng Quảng Trị. Tuy nổi tiếng như thế nhưng kể cả nhiều người dân địa phương vẫn chưa biết. Xung quanh đập nước này cũng toàn là sự lạ như câu chuyện Vĩnh Linh kiên cường và đầy sức sống bên vĩ tuyến 17 thời chiến.

"Đồng ruộng Vĩnh Linh có nguồn nước xanh tươi từ Bàu Nhum, không còn cớ cho chế độ bên kia vĩ tuyến 17 tuyên truyền xấu.

Ông NGUYỄN TY NIÊN

Sự cố bất ngờ

Năm 1962, cách đây 62 năm ở Vĩnh Linh xảy ra một biến cố bất ngờ: đập thủy lợi Bàu Nhum (xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) với dung tích 1,5 triệu m3 nước, đập cao 5m bị vỡ, nước ngập cả một vùng đồng bằng, cát lấp trắng xóa hàng chục ha ruộng.

Đây không chỉ là thiệt hại đáng kể về nông nghiêp mà còn là cái cớ để loa truyền thanh của chế độ Sài Gòn ở phía nam cầu Hiền Lương được dịp tuyên truyền Vĩnh Linh gặp phải những tổn thất về người và của... Tình hình thật không đơn giản!

Ông Nguyễn Ty Niên (sinh năm 1939, sau này là trưởng Ty Nông nghiệp - thủy lợi khu vực Vĩnh Linh) khi ấy là kỹ sư vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội về Ty Nông nghiệp - thủy lợi khu vực Vĩnh Linh được đích thân ông Trần Đồng (chủ tịch ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh) gọi lên giao nhiệm vụ quan trọng phải khôi phục bằng được đập nước Bàu Nhum và đưa nước về tận cánh đồng Cổ Trai sát Cửa Tùng, để phía bờ nam sông Hiền Lương cũng phải biết...

Ông Nguyễn Ty Niên nhớ lại: "Bắt tay nghiên cứu, công trình không có hồ sơ, chỉ để lại dấu vết là một đập đắp bằng cát bị vỡ và hệ thống ống cao su vắt ngang qua thân đập để lấy nước và xả lũ, do bác Nguyễn Ước (tham sự công chính của Pháp) là phó Ty Thủy lợi - kiến trúc Vĩnh Linh thiết kế".

Qua nghiên cứu, như ông Nguyễn Ty Niên kể lại, là phát hiện một điều rất lạ: hồ nước nằm trọn giữa vùng đồi cát trắng mênh mông, khảo sát thấy có nhiều phễu nước nằm trên dãy đồi cát trắng trùng trùng điệp điệp kéo ra sát biển. Ông bước đầu nhận định: nguồn nước của hồ tụ thủy là do dãy đồi cát trắng ven biển cung cấp.

Tiếp đó ông nhờ sự trợ giúp của một người bạn thân dạy ở bộ môn địa chất thủy văn Đại học Bách khoa Hà Nội là ông Vũ Ngọc Kỷ vào tận Vĩnh Linh nghiên cứu và đã khẳng định suy đoán của ông Niên là hoàn toàn có cơ sở.

Ông Niên nhận định: "Tôi nhận thấy công trình cũ xảy ra sự cố vỡ đập nhưng giải pháp công trình của người tiền nhiệm là sáng tạo, cần nghiên cứu bổ sung những hạn chế do đánh giá nguồn nước đến không chính xác nên nước tràn đập và kết cấu lọc nước thân đập có thể là nguyên nhân gây vỡ hồ. Tôi quyết định kế thừa giải pháp của người tiền nhiệm - bác Nguyễn Ước, nhưng nâng quy mô công trình với đập cao trên 10m và chứa hơn 7 triệu m3 nước".

Vậy là ông bắt tay ngay vào thiết kế công trình nhưng khó khăn, thử thách cũng chỉ mới bắt đầu...

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới - Ảnh 2.

Đoàn Sở NN&PTNT Quảng Trị đi thăm Bàu Nhum năm 2024 - Ảnh: P.X.D.

Những khó khăn từ chính các lãnh đạo

Ông Niên mang bản thiết kế ra tận Hà Nội, tìm đến Bộ Thủy lợi trình bày xin ý kiến nhưng không ai đồng ý, không có cơ quan chức năng nào phê duyệt. Lý do đưa ra thật đơn giản: từ cổ chí kim chưa ai đắp đập giữ nước bằng cát cả! Việc này nếu có cũng là chuyện phiêu lưu trong khoa học.

Không chịu bó tay, ông đánh bạo gõ cửa gặp ông Đào Trọng Kim, nguyên bộ trưởng Bộ Công chính trong chính phủ lâm thời sau Cách mạng Tháng Tám 1945. Kỹ sư Niên trình bày giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh đặc biệt bức bách của vùng giới tuyến đòi hỏi phải giải quyết, một phương án kỹ thuật mà chưa có sách vở nào đề cập.

Mặc dù lắng nghe nhưng ông Kim cũng không thể nào đồng ý. Cuối cùng, rất cân nhắc, ông phê vào hồ sơ thiết kế: "Đây là ý tưởng có thể xem xét". Phê thì phê vậy nhưng không đóng dấu. Quả thật éo le!

Ông Niên quay lại Vĩnh Linh báo cáo tình hình. Chủ tịch khu vực Vĩnh Linh Trần Đồng hỏi: "Bộ không duyệt, nhưng trước yêu cầu bức bách của nhiệm vụ chính trị vùng giới tuyến, anh là kỹ sư, anh có làm được không?". Ông Niên đáp: "Kế thừa kinh nghiệm người tiền nhiệm cộng với sự bổ sung, phát triển có cơ sở khoa học, tôi tin chắc rằng sẽ thành công".

Nghe vậy, chủ tịch Trần Đồng ký duyệt luôn cho ông. Công trình xây dựng trong vòng sáu tháng, chủ yếu bằng thủ công, công cụ cơ giới duy nhất là một máy bơm nước, cuối cùng đã thành công. Nước thủy lợi vào tận đồng Cổ Trai lúa lên xanh tốt như mong đợi. Bà con hai bên bờ giới tuyến biết tin đã rất mừng vui.

Nhưng nào phải đã hết gian nan!

Cuộc thị sát căng thẳng

Cuối năm 1964, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa vào thăm Vĩnh Linh. Nghe ông Trần Đồng báo cáo về đập Bàu Nhum, ông Trần Đăng Khoa nổi trận lôi đình.

Ông Khoa vốn là kỹ sư công chính giỏi lại kiêm nhiệm chức viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi nên ông nổi nóng vì cho rằng đây là một sự phiêu lưu, nên cho gọi ông Niên lên và phê bình gay gắt. Rồi tức tốc ông Khoa chỉ đạo ông Đồng và ông Niên đi cùng ra ngay công trình xem xét thực tế. Ông Trần Đồng lúc ấy cũng lo vì chính ông là người ký duyệt công trình.

Không khí căng thẳng, nghiêm trọng!

Đến nơi tận mắt thấy giải pháp thi công độc đáo, cảnh quan thơ mộng ông Khoa có vẻ dịu lại. Nhân tiện ông Niên mạnh dạn trình bày cụ thể phương án kỹ thuật, gương mặt ông Khoa giãn ra, nét vui mừng hiện rõ. Ông bắt tay ông Trần Đồng và khen ngợi kỹ sư Nguyễn Ty Niên.

Về lại Bàu Nhum

Khi ghé nhà một công nhân về hưu từng công tác ở Bàu Nhum, chúng tôi được nghe nhiều chuyện. Ông Đoàn Duy Tích (sinh năm 1946) vui vẻ kể lại: "Tui trước công tác chỗ khác, năm 1980 mới về Bàu Nhum làm nhiệm vụ vận hành. Lúc ấy vẫn còn vất vả lắm, tất cả đều làm bằng tay, bằng vai, phải có sức khỏe và chịu khó mới đảm đương nổi.

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới - Ảnh 3.

Ruộng đồng xanh tươi ở Vĩnh Linh - Ảnh: P.X.D.

Mỗi lần "mồi" nước, một người vác, một người xách nước đổ vào, cũng mệt nhọc mà chỉ cần sơ sẩy một chút là công cốc, phải làm lại từ đầu, nhiều khi quá mệt nổi cáu, anh em lại nổi nóng với nhau, cũng vì công việc mà thôi, xong việc đâu lại vào đấy.

Chỉ riêng chuyện hằng ngày đạp xe trên những con đường cát khoảng 12 cây số ra xí nghiệp để báo mực nước cũng nhọc rồi. Ngay cả khi được trang bị máy bộ đàm chạy bằng ắc quy thì mỗi lần ắc quy hết điện, anh em bỏ lên xe đạp, người dắt, người đẩy đi sạc điện cũng bở hơi tai. Có điều vất vả đến mấy chúng tôi cũng luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để ruộng đồng bà con có được nước tưới, mùa màng tươi tốt".

Trong ngày hè, chúng tôi về lại Bàu Nhum. Hồ nước trong xanh, cảnh quan thơ mộng giữa bời bời cát trắng. Ông Nguyễn Sinh Công, tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cứ trầm trồ: "Cách đây bao năm, còn khó khăn, thiếu thốn đủ điều mà làm được như thế này quả thật rất đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Những người thực hiện không chỉ giỏi chuyên môn mà còn dám nghĩ dám làm".

Còn ông Hồ Xuân Hòe, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Công trình Bàu Nhum phát huy tác dụng rõ rệt trong suốt mấy chục năm qua, cho đến nay vẫn an toàn, vẫn phục vụ tốt.

Tuy vậy cùng với thời gian cũng có sự xuống cấp nên chúng tôi đã đề xuất cấp trên về phương án tu sửa để bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là vào mùa mưa bão. Dù công trình không lớn nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, không chỉ là công trình thủy lợi đơn thuần mà còn là một dấu ấn lịch sử của vùng quê Vĩnh Linh kiên cường, sáng tạo".

---------------------------

Có dịp trò chuyện với nữ đạo diễn phim tài liệu đặc biệt Nguyễn Thị Xuân Phượng sẽ thấy cuộc đời bà nhiều duyên nợ với Vĩnh Linh, gần như là định mệnh với lũy thép bên vĩ tuyến 17.

Kỳ tới: Từ chuyến đi sinh tử

Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 2: Đập nước có một không hai trên thế giới - Ảnh 3.Vĩnh Linh - khúc tráng ca 70 năm - Kỳ 1: Tòa thành kỳ lạ trong lòng đất

Ngày 25-8-1954 tại thị trấn Hồ Xá, đại diện quân đội viễn chinh Pháp đã ký biên bản, chính thức bàn giao khu vực Vĩnh Linh lại cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Vĩnh Linh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên