26/09/2019 12:16 GMT+7

Vì sao doanh nghiệp Việt 'mãi không thể lớn được'?

N.AN
N.AN

TTO - Vốn ít, tài sản thế chấp hết, cho nên doanh nghiệp Việt trong ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ "mãi không thể lớn được".

Vì sao doanh nghiệp Việt mãi không thể lớn được? - Ảnh 1.

Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" - Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 26-9, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Toạ đàm "Những bước tiến của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam" với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các hiệp hội công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, doanh nghiệp…

Ông Trần Xuân Toàn, Ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ là định hướng lớn của Chính phủ, song trong nhiều năm qua vẫn gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn. 

Với Diễn đàn "Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam", thời gian qua nhiều phóng viên báo Tuổi Trẻ đã trực tiếp đi nhiều nước, tìm hiểu chính sách hiện nay đang vướng mắc như thế nào với ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp ôtô để có những đóng góp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

"Chúng tôi mong mỏi thông qua tuyến bài về ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ có cơ sở lập kế hoạch, tiếp tục triển khai các tuyến bài viết khác, hướng tới Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ sẽ được Bộ Công thương, báo Tuổi Trẻ tổ chức vào cuối năm nay, từ đó chuyển tải nhanh nhất tới cơ quan chính sách và bạn đọc" - ông Toàn khẳng định.

Vì sao doanh nghiệp Việt mãi không thể lớn được? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Xuân Thúy - Ảnh: VIỆT DŨNG

Một trong những trọng tâm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là việc thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC). 

Bà Nguyễn Xuân Thúy, Phó Giám đốc IDC, cho biết Trung tâm được thành lập là thực hiện theo Nghị định 111, trực thuộc Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, đây là đơn vị tự chủ về tài chính, có nhiệm vụ hỗ trợ cho Cục Công nghiệp trong công tác quản lý nhà nước ngành công nghiệp, cung cấp dịch vụ công để thúc đẩy phát triển công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ, kết nối kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, xúc tiến thu hút đầu tư…

Vì sao doanh nghiệp Việt mãi không thể lớn được? - Ảnh 3.

Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng việc doanh nghiệp tiếp cận được hưởng ưu đãi là rất khó khăn - Ảnh: VIỆT DŨNG

Thực tế đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến bộ khá nhiều trong những năm qua, song theo bà Trương Thị Chí Bình của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính "hầu như rất khó khăn".

"Việc tiếp cận tín dụng giá rẻ ở Việt Nam là khó khăn, kể cả các quỹ hỗ trợ tín dụng cũng khó tiếp cận vì thủ tục cực kỳ phức tạp, chủ yếu yêu cầu thế chấp. Trong khi ở các nước chỉ cần có đơn hàng của Samsung, Canon là có thể thế chấp nhưng ở Việt Nam thì không thể. Doanh nghiệp phải tự chiến đấu trong khi lĩnh vực khác dễ kêu gọi đầu tư vốn nhưng ngành công nghiệp rất khó kêu gọi đầu tư vốn" - bà Bình cho hay.

Việc tiếp cận các ưu đãi của Chính phủ cũng khó khăn nên doanh nghiệp không mấy mặn mà. Đơn cử như xác nhận doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp cũng không mấy quan tâm bởi "được vạ thì má đã sưng". 

Thực tế để xin được xác nhận ưu đãi chỉ dành cho dự án mới, hoặc là sản phẩm ưu tiên, phải đạt tiêu chuẩn EU hoặc quy định khá ngặt nghèo, nên hầu như chỉ có doanh nghiệp FDI đáp ứng được, theo bà Bình.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy cho biết thêm với cơ chế trước đây chỉ có 1 doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, thì với chính sách mới hiện đã có 55 hồ sơ xin xác nhận hưởng ưu đãi, và đã có 37 hồ sơ được xác nhận. 

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong nước được hưởng ưu đãi khá thấp so với doanh nghiệp FDI, chỉ được 5 doanh nghiệp.

"Để hưởng được ưu đãi doanh nghiệp phải có hồ sơ xác minh, song doanh nghiệp FDI quan tâm chính sách hơn rất nhiều, họ có bộ phận pháp lý và pháp chế cho hoạt động này, chuẩn bị hồ sơ rất đầy đủ. Còn hầu hết doanh nghiệp trong nước thì không có nguồn lực chuẩn bị cho hoạt động này hoặc không biết. 

Trách nhiệm Cục Công nghiệp là thông tin đến với doanh nghiệp, song cũng có vấn đề khác, là năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam so với FDI vẫn còn khoảng cách, nên khi nộp hồ sơ thấy rằng không phù hợp" - bà Thúy cho biết.

Ông Hoàng chia sẻ doanh nghiệp nuôi mãi không lớn vì khó tiếp cận được vốn vay - Video: DANH TRỌNG

Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, hoan nghênh tọa đàm do báo Tuổi Trẻ thực hiện bởi đây là toạ đàm có ý nghĩa với ngành công nghiệp Việt Nam. 

Ông cho biết đã có những bàn thảo các lĩnh vực công nghiệp cần ưu tiên như da giày, điện tử, may mặc, điện tử, cơ khí…  nhưng để gộp 4 ngành này để có chính sách chung về phát triển công nghiệp hỗ trợ là "không ổn". 

Theo đó, để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí thì phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thông qua hệ thống chính sách, tìm kiếm sản phẩm với lợi thế đầu tư cạnh tranh được. 

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hoàng, Công ty TNHH Tâm Hợp, cho biết công ty của ông đã trở thành nhà cung cấp cho Toyota, Thaco, Vinfast... từ nhiều năm, nhưng khó khăn tiếp cận vốn nên dù có đơn hàng vẫn không thể cạnh tranh được. 

"Chúng tôi phục vụ Thaco, đơn hàng Vinfast, xuất khẩu đi Mỹ nhưng mãi chúng tôi không lớn được, vì tài sản của chúng tôi thế chấp hết rồi. Chỉ cần có tiền đầu tư dây chuyền hiện đại, thì có thể làm nhà cung ứng cho Toyota tốt, quanh đi quẩn lại vẫn là tiền, chứ chưa cần ưu đãi" - ông Hoàng chia sẻ. 

Công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi: Trông người Thái mà ngẫm đến ta Công nghiệp hỗ trợ cho xe hơi: Trông người Thái mà ngẫm đến ta

TTO - Trong khi Việt Nam đang đẩy mạnh sản xuất xe hơi, thì nhiều doanh nghiệp lại hụt hơi do làn sóng xe nhập khẩu tràn về ồ ạt. Thái Lan đã trở thành một Detroit của châu Á, trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên