Kế hoạch hành động nêu rõ, về điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô, từ năm 2015, duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (SCT/OT/VAT; phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường…) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.
Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa. Giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô chưa sản xuất được ở trong nước, và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu.
Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển; bổ sung một số linh kiện, phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao; bố trí nguồn vốn nhất định từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho các doanh nghiệp vay đầu tư trang thiết bị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp ô tô với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và nới lỏng điều kiện thế chấp. Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ô tô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp ô tô, và định hướng rõ ràng cho những dự án, nhà đầu tư mới.
Về phát triển nguồn nhân lực, tiến hành rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề, …); rà soát, sửa đổi các nội dung giáo trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, có sự tham vấn chặt chẽ với doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện); xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ô tô với sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài.
Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện nay vẫn rất nhỏ, mỗi năm tiêu thụ trên 200.000 xe ô tô các loại. Trong giai đoạn 2009-2013, giá trị nhập khẩu ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô vào Việt Nam đạt 2,8 tỉ USD/năm, chiếm 1,85% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù chưa phát triển mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu của công nghiệp ô tô thời gian gần đây tăng trưởng khá tốt. Năm 2009, toàn ngành mới xuất khẩu được trên 200 triệu USD, thì đến năm 2013 đã đạt trên 700 triệu USD, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2009-2013 đạt 28,9%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, phụ tùng ô tô, chiếm trên 90%, và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn còn kém phát triển. Tỉ lệ mua phụ tùng trong nước đạt được ở mức khác nhau tùy theo chủng loại xe và nhà sản xuất (10-30% đối với xe du lịch, >30% đối với xe tải, > 40% đối với xe buýt). Phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất tại nhà máy, tỉ lệ mua từ nhà cung cấp rất thấp. Bên cạnh đó, trong số các nhà cung cấp hiện có, hơn 90% là nhà cung cấp FDI, chỉ có một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia được vào mạng lưới nhà cung cấp của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Năm 2018 là năm bản lề của công nghiệp ô tô Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN vào Việt Nam được giảm về 0%. Việt Nam chỉ còn 3 năm để chuẩn bị và tăng cường năng lực cạnh tranh của công nghiệp ô tô trong nước. Nếu không tận dụng được cơ hội ngắn ngủi này, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng tương tự Philippines vài năm về trước, khi thị trường chưa phát triển, chính sách không rõ ràng khiến các nhà sản xuất lắp ráp rút khỏi thị trường chuyển sang nhập khẩu, và đến khi nhu cầu tiêu dùng ô tô bùng nổ (thời kỳ phổ cập ô tô - motorization), ô tô sẽ được nhập khẩu về để đáp ứng nhu cầu trong nước gây ra thâm hụt cán cân thương mại nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận