Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khó tiếp cận vốn hỗ trợ
Ngày 9-3, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các đơn vị tổ chức hội thảo "Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo" tại TP.HCM.
Tại hội thảo, TS Trương Chí Bình - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - cho biết hiệp hội này có 300 doanh nghiệp thành viên, nhưng chỉ có vỏn vẹn hai doanh nghiệp tiếp cận được quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo bà Bình, các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các doanh nghiệp trong ngành này rất đầy đủ, song thực tiễn thực thi rất khó khăn, chưa đạt như kỳ vọng.
Bà dẫn chứng một doanh nghiệp hội viên sản xuất phụ tùng ô tô đã tham gia chuỗi cung ứng, mong muốn vay vốn với lãi suất ưu đãi theo chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, quá trình vay vốn rất nhiêu khê, thời gian kéo dài, trải qua nhiều thủ tục, thậm chí Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải có văn bản kiến nghị, cam kết doanh nghiệp này đã tham gia chuỗi cung ứng.
Bà Bình cho biết sau hai năm mới được tiếp cận nguồn vốn, lẽ ra được hưởng lãi suất hỗ trợ giảm 4% so với lãi suất bình quân thì sau khi trừ đi "các chi phí" chỉ còn được hưởng 2%.
Đồng thời, thời gian vay ưu đãi cũng mất đi hai năm làm thủ tục, chỉ còn 5 năm thay vì 7 năm.
Do đó, bà Bình cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần phải thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận nhanh, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển.
Sản xuất linh kiện công nghiệp hỗ trợ trong nước chi phí cao hơn nhập khẩu
Tương tự, bà Lê Huyền Nga - trưởng phòng công nghiệp hỗ trợ Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - cho rằng cần có thêm nhiều chính sách về tín dụng, giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo bà Nga, hiện Việt Nam thu hút doanh nghiệp FDI nhiều nhưng cơ chế để liên kết giữa doanh nghiệp Việt và FDI khá lỏng lẻo. Do đó rất cần chính sách để cải thiện việc liên kết chuỗi cung ứng.
Bà Nga cho hay hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 25 - 30% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Riêng đối với ngành công nghiệp ô tô, ông Nguyễn Trung Hiếu - trưởng ban kế hoạch kinh doanh và đối ngoại Công ty Toyota Việt Nam - cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô Việt Nam khó phát triển là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, chưa thu hút được các nhà cung cấp.
Theo vị này, tỉ lệ nội địa hóa ô tô tại Thái Lan, Indonesia lên đến 90%, trong khi tỉ lệ nội địa trung bình ở Việt Nam chỉ 15%. Hiện khó nâng tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam do khó sản xuất linh kiện hàng loạt, khó giảm giá thành bởi thiếu sản lượng.
Doanh nghiệp này cho biết từng đặt nắp bình xăng, báo giá ở Việt Nam là 3,5 USD/cái, trong khi nhập khẩu chỉ 1,5 USD/cái, sau khi đã làm nhiều cách để hạ giá thành thì Việt Nam hạ giá xuống 2,5 USD/cái, vẫn cao hơn nhập khẩu.
"Nếu mua cái nắp bình xăng đó ở Việt Nam thì chiếc xe đó giá thành đội giá lên 1 USD, tương tự các linh kiện khác thì sẽ chênh mấy ngàn USD mỗi chiếc xe nếu sản xuất trong nước, vì có đến mấy ngàn linh kiện", ông Hiếu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận