Ngoài việc điều phối danh sách hơn 1.400 người cho máu thường xuyên, anh Hùng còn là người tổ chức các hoạt động thiện nguyện vùng cao - Ảnh: HÒA QUÝ
Chi viện đêm ngày
Đang phơi lúa thì tiếng chuông điện thoại trong nhà reo lên. Đầu dây bên kia tiếng người "cầu cứu" gấp vì người thân đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam ở thị xã Điện Bàn cần "máu nóng".
Trước khi xác tín lại phía bệnh viện, anh cẩn thận yêu cầu người nhà bệnh nhân đọc rõ thông tin người bệnh, nhóm và số đơn vị máu cần giúp. Như một phản xạ nghề nghiệp, chiếc điện thoại thứ 2 được bật ghi âm để đảm bảo thông tin không sai lệch. "Bệnh nhân Nguyễn Hữu Tươi. Nhóm máu O. Cần khẩn cấp 2 đơn vị".
Anh Hùng vừa gõ thông tin rồi đưa lên trang mạng xã hội của nhóm kêu gọi. Việc đồng áng bị ngắt quãng thêm ít lâu nữa để anh mở máy tính. Ở đó một phần mềm mang tên "Hiểu và Thương" hiện lên dữ liệu người cho máu nhóm O tại quanh khu vực thị xã Điện Bàn, danh sách này lên tới vài chục người.
Tuy nhiên, không phải người nhà bệnh nhân điện đến là có người hiến máu ngay vì có nhiều trường hợp bận việc hoặc vừa mới hiến máu cách đó không lâu, chưa đủ thời gian để hiến lại. Phải mất đến gần chục cuộc gọi mới "chắc cú" được 2 người đến bệnh viện trong thời ngắn.
"Nhiều năm đi cho máu tại các bệnh viện nên hầu như tôi đều thuộc lòng tên y tá từng khoa, việc xác minh thông tin lại rất nhanh. Cũng có trường hợp "đầu nguồn" cung cấp số điện thoại nóng của câu lạc bộ cho người thân xin máu là từ bệnh viện" - anh nói.
Suốt buổi sáng, có ba người nhà bệnh nhân tại Quảng Nam và Đà Nẵng gọi điện tới nhờ anh tìm kiếm giúp người cho máu. Đến trưa, các trường hợp này đều gọi điện thoại lại thông báo đã nhận được máu do câu lạc bộ giúp đỡ.
Anh Hùng lý giải mấy tháng nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động tập trung đông người bị hạn chế nên các chương trình hiến máu nhân đạo tập thể bị đình trệ nên nhu cầu máu có nhiều hơn đôi chút so với ngày thường.
Trong khi đó lực lượng tình nguyện viên đông đảo nhất là sinh viên các trường tại Đà Nẵng lại ở quê chưa ra nên việc liên lạc mất công hơn thường ngày.
Mỗi khi có thời gian hoặc với những trường hợp đi cho máu lần đầu, anh Hùng đều có mặt cùng người cho máu tại bệnh viện. Lý do chính là để thấy được giọt máu ấy cho đi từ tấm lòng, từ sự sẻ chia của các thành viên trong câu lạc bộ.
Sự có mặt của anh không những xóa đi tâm lý mang ơn của người xin máu mà cũng nhờ vậy kết nối thêm những ngọn lửa thiện nguyện từ xung quanh.
Anh nói các thành viên trong câu lạc bộ đã xác định đi cho máu thì chẳng ai lấn cấn chuyện phải trả ơn này nọ. Thậm chí sau khi hiến máu cứu người, bệnh viện có chế độ hỗ trợ như bánh, sữa thì đều mang đi cho những người nằm viện.
"Nhiều trường hợp người bệnh được nhận máu sau này lại trở thành "người một nhà" rất thân với câu lạc bộ. Có người thậm chí rủ cả nhà cùng đăng ký cho máu" - anh bộc bạch.
Nhiều năm qua, trong vai trò điều phối hơn 1.400 người cho máu thường xuyên, anh Hùng đã giúp nhiều người qua cửa tử nhờ sự hỗ trợ kịp thời - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Có duyên việc thiện sẽ đến
Câu lạc bộ "Máu nóng - Hiểu và Thương" do anh Hùng sáng lập ra đời vào năm 2015. Thời đầu, cả nhóm vận hành "thủ công" ghi chép thông tin người cho - người nhận theo kiểu truyền thống.
Thấy công việc ghi thông tin của anh Hùng mất thời gian, lại không rà soát hết được thời gian tối thiểu cho máu theo quy định nên một thành viên trong câu lạc bộ là anh Trần Đại Sơn (nay là kỹ sư công nghệ thông tin, thành viên ban chủ nhiệm) đã nghĩ ra phần mềm mang tên "Hiểu và Thương".
Bằng sự bảo chứng và góp ý của anh Hùng, Sơn phát triển phần mềm này trở thành đề tài tốt nghiệp Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng) một cách hoàn hảo.
"Ngày tôi bảo vệ trước hội đồng, các thầy cô đều bất ngờ vì đề tài đã mang ra ứng dụng, không những hoàn hảo mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Bây giờ thì có thầy trong hội đồng phản biện của tôi ngày ấy lại trở thành thành viên tích cực cho máu trong câu lạc bộ" - Sơn nhớ lại.
"Hiểu và Thương" có danh sách của các thành viên và hiển thị đầy đủ lịch sử hiến máu cũng như tổng số lượt cho, số người có thể cho máu vào thời điểm hiện tại, tỉ lệ nhóm máu và giới tính... Tất cả các thông số đều được hiển thị bằng các biểu đồ giúp ban điều hành tìm kiếm nhanh nhất người có thể chi viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Nhiều, phó trưởng khoa ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, vai trò điều phối của anh Trần Phước Hùng là vô cùng quan trọng. Vừa là người kết nối kịp thời vừa là người "giữ lửa" để chuyển tải những thông điệp giữa người cho và người nhận.
"Quan trọng là việc giữ được ngọn lửa tình nguyện cháy bền bỉ, dài lâu cũng như nguồn máu có lúc cần nhiều, có giai đoạn cần vừa phải thì người điều phối phải nuôi được tấm lòng sẻ chia của các thành viên trong nhóm. Tôi trân quý Hùng vì sự có mặt kịp thời để cho đi những giọt máu quý giá giúp người bệnh giành lại sự sống"- bác sĩ Nhiều nói.
Hơn 2.700 lượt cho máu và tiểu cầu
Hiện câu lạc bộ có hơn 1.400 tình nguyện viên đăng ký cho máu, do vậy lượng người sẵn sàng cho thường quay vòng ở 1.000 người. Chỉ tính từ thời điểm có phần mềm "Hiểu và Thương" năm 2016 đến nay, câu lạc bộ này đã cho hơn 2.700 lượt máu và tiểu cầu cấp thiết để cứu người.
Ngoài việc cho máu, các thành viên câu lạc bộ là “Máu nóng - Hiểu và Thương” còn tham gia các hoạt động thiện nguyện cộng đồng - Ảnh: HÒA QUÝ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận