21/05/2020 09:49 GMT+7

Vay đúng mức, xài đúng nơi

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC
TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC

TTO - Đại dịch đã khiến vấn đề bội chi, nợ công - những yếu tố cần phải giữ nhằm ổn định nền kinh tế - lại được sự quan tâm của xã hội khi Chính phủ đề xuất Quốc hội điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế. Trong đó tăng bội chi ngân sách và nợ công.

Vay đúng mức, xài đúng nơi - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Cần nhắc lại là từ năm 2011 đến nay, chúng ta đã kiên trì kéo giảm bội chi ngân sách và nợ công xuống dưới mức trần cho phép và đã làm khá tốt. Như mục tiêu nợ công cuối năm 2020 còn 54,3% GDP trong khi mức trần cho phép là 65% GDP, bội chi ngân sách nhà nước còn 3,44% so với mức 5% trước đây. Những thành quả này giúp cho nền kinh tế có được mức lạm phát chấp nhận được, lãi suất, tỉ giá ổn định, không gây bất lợi cho cuộc sống người dân và thu hút đầu tư.

Nhưng đại dịch đã phá bĩnh lộ trình này. Vì giữ sức khỏe cho người dân, chúng ta chấp nhận đánh đổi kinh tế suy giảm, nay phải tìm "vắcxin" để cứu nền kinh tế. Các nước trên thế giới đều sử dụng 2 loại "vắcxin tài khóa" và "vắcxin tiền tệ". Để có "vắcxin tài khóa", tức cần tiền để chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khi nguồn thu lại suy giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh thu hẹp, Chính phủ phải vay nhiều hơn. Vì thế việc tăng bội chi và nợ công là bình thường trong hoàn cảnh bất thường của dịch COVID-19.

Đã gọi là vắcxin cần phải đúng liều lượng và kịp thời. Không tăng bội chi sẽ không có đủ tiền để hỗ trợ người dân khó khăn, để giảm phí, giãn thuế doanh nghiệp, nền kinh tế khó bật ra như lò xo nén. Doanh nghiệp không thể mở rộng thị trường trong nước, tận dụng cơ hội từ việc thay đổi chuỗi cung ứng trên thế giới nếu không được hỗ trợ để hồi phục. 

Đừng nghĩ vay ít là tốt, mà vay đúng mức và sử dụng vốn hiệu quả mới quan trọng. Không tăng nợ công sẽ không có tiền để triển khai làm 8 dự án đường cao tốc Bắc - Nam, người dân chưa thể về ĐBSCL qua đường cao tốc vì đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận phải chờ đầu tư bằng vốn ngân sách...

Chúng ta có lý do để vay thêm tiền nhằm đưa nền kinh tế trở lại sức bật vốn có của nó. Vay tiền để đầu tư hôm nay chính là tạo ra cỗ máy làm ra tiền trong tương lai. Khi doanh nghiệp khỏe trở lại, nền kinh tế có được sự hứng khởi vốn có của nó với mức tăng trên 7%/năm như trước đại dịch, khi đó Nhà nước sẽ có nguồn thu dồi dào, chúng ta trở lại quá trình kiểm soát bội chi và giảm nợ công. Nếu quản lý tốt, rót tiền đúng nơi, tiền đưa ra rồi tiền lại quay về, chúng ta không quá lo với mức bội chi 5% GDP, thậm chí nợ công ở mức 58% GDP...

Điều quan trọng phải làm lúc này chính là tăng cường giám sát quá trình triển khai vốn đầu tư công nhằm tăng chất lượng đầu tư. Tăng vay phải kèm theo kiểm tra, giám sát. Chính chất lượng và hiệu quả đầu tư công sẽ đánh giá mức nợ công là nhiều hay ít. Chắc chắn, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội sẽ tiên phong trong nhiệm vụ này.

Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020 Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020

TTO - Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công.

TS TRƯƠNG VĂN PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên