07/03/2020 08:24 GMT+7

Trường tư kêu cứu, kêu ai?

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Không có học sinh, không có nguồn học phí, không thể trang trải hoạt động, không thể trả lương. Không đơn thuần 'kêu cứu' để học sinh nhanh trở lại, nỗi niềm trường tư cần một sự chia sẻ lớn hơn từ Nhà nước, các bộ ngành liên quan.

Trường tư kêu cứu, kêu ai? - Ảnh 1.

Thông báo đóng cửa, trả hồ sơ của một trường mầm non tư thục - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khoảng 200 cơ sở giáo dục ngoài công lập vừa cùng đứng tên trên bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành về mong muốn được hỗ trợ khó khăn sau một thời gian dài trường phải đóng cửa vì dịch COVID-19.

Trường tư không có học sinh thì sự ảnh hưởng sẽ tức thời. Nhất là các trường chưa có nguồn thu dự phòng đủ lớn để đối phó với khó khăn khách quan này.

Không có học sinh, không có nguồn học phí, không thể trang trải hoạt động, không thể trả lương. Nhiều trường đang triển khai các chương trình quốc tế với giáo viên nước ngoài thì còn khó khăn hơn khi phải chịu gánh nặng chi phí lớn, chịu áp lực bởi các yêu cầu ngặt nghèo của những tổ chức nước ngoài về chương trình, thi cử đánh giá…

Trong khi đó, các quyết định "nghỉ học" lại nhỏ giọt từng tuần khiến các trường không thể lường trước được tình hình để điều chỉnh kế hoạch, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính.

Nhưng trường tư không thể "kêu cứu" với học sinh. Bởi sự an toàn của học sinh trước dịch bệnh phức tạp vẫn là điều phải quan tâm số 1.

"Chúng tôi không kêu cứu để được cho học sinh trở lại trường. Quyết định cho học sinh trở lại trường cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc học sinh nghỉ học nếu chưa an toàn.

Nhưng có một thực trạng khác chúng tôi cần sự chia sẻ. Nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ phải giải thể nếu trường tiếp tục phải đóng cửa kéo dài" - bà Trần Thị Hải Yến, giám đốc điều hành Alpha School, một trong những cơ sở đứng tên trong bản kiến nghị, đã bày tỏ.

Mong muốn của bà Yến và phần đông các trường tư có tên trong bản kiến nghị là được hỗ trợ về chính sách như tinh thần mà Thủ tướng chỉ đạo hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Cụ thể như việc được giảm thuế, hoãn thuế, điều chỉnh các quy định… nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lĩnh vực giáo dục có thể vực dậy sau khó khăn. Điều cần thiết trước nhất là hỗ trợ pháp lý để người lao động trực tiếp, trong đó có giáo viên, được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Cũng đề cập về điều này, ông Nguyễn Xuân Khang, chủ tịch HĐQT Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, cho rằng quỹ hỗ trợ nghề nghiệp đối với giáo viên, quỹ bảo hiểm thất nghiệp rất cần được sử dụng vào lúc này vì thực tế nhiều giáo viên đang bị thất nghiệp.

Trong lúc các trường công lập nằm im chờ ngày đón học sinh trở lại thì nhiều trường tư đã xoay như chong chóng để duy trì hoạt động trong bối cảnh "nghỉ học".

Dạy học trực tuyến, các hình thức ôn tập, hướng dẫn học sinh học tập từ xa đã được nhiều trường tư áp dụng. Nhưng các hình thức dạy học từ xa này đã nhanh chóng thui chột khi Bộ GD-ĐT, các sở GD-ĐT không công nhận hình thức dạy học này và quy định cấm thu học phí.

Nỗi niềm trường tư cần một sự chia sẻ lớn hơn từ Nhà nước, các bộ ngành liên quan chứ không đơn thuần "kêu cứu" để học sinh nhanh trở lại. Điều này là chính đáng, vì giáo dục ngoài công lập nhiều năm qua đã đóng góp một phần đáng kể cho mục tiêu xã hội hóa, giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước.

Vậy thì không có lý gì khi họ rơi vào khủng hoảng lại bị làm ngơ, bỏ mặc?

Các trường quốc tế muốn học trở lại Các trường quốc tế muốn học trở lại

TTO - Chiều 5-3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức gặp đại diện nhiều trường phổ thông quốc tế trên địa bàn TP để trao đổi thêm về chuyện cho học sinh các trường này trở lại học.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên