06/03/2020 06:40 GMT+7

Các trường quốc tế muốn học trở lại

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Chiều 5-3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức gặp đại diện nhiều trường phổ thông quốc tế trên địa bàn TP để trao đổi thêm về chuyện cho học sinh các trường này trở lại học.

Các trường quốc tế muốn học trở lại - Ảnh 1.

Trường quốc tế Nam Sài Gòn tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Theo tôi, trở lại cuộc sống thường nhật là một cách hữu hiệu để kiểm soát nỗi lo của chúng ta. Việc đi học lại là một phần của cuộc sống thường nhật và cha mẹ có thể lựa chọn.

TS Roderick Crouch (hiệu trưởng điều hành Trường quốc tế Úc, TP.HCM)

Sau cuộc gặp, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp và có đề xuất, kiến nghị lên UBND TP.HCM.

Phụ thuộc lịch thi quốc tế

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ trước cuộc gặp, TS Roderick Crouch - hiệu trưởng điều hành Trường quốc tế Úc (TP.HCM) - nói nhà trường hoàn toàn ủng hộ quyết định của Chính phủ ngăn ngừa dịch COVID-19.

Tuy nhiên lo lắng lớn nhất của trường hiện tại là kỳ thi tú tài quốc tế IB vào tháng 5-2020. "Thật sự rất khó cho học sinh. Chúng tôi vẫn đang hỗ trợ hết mình qua dạy trực tuyến. Nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu các em được quay lại trường. Chúng tôi hoàn toàn không thể dời được lịch thi vì phụ thuộc vào lịch thi quốc tế" - TS Roderick Crouch nói.

Tương tự, Trường quốc tế ABC (TP.HCM) cho biết cũng đang gặp một số khó khăn khi ôn tập cho học sinh tham gia dự thi A-Level và IGCSE sẽ diễn ra cuối tháng 4 đến đầu tháng 6-2020. Theo nhà trường, ưu tiên hàng đầu vẫn là sức khỏe, nhưng trường vẫn đang đợi chỉ đạo tiếp theo của sở để có hướng đi có lợi nhất cho học sinh.

Còn ông Chistophe Legris - tùy viên hợp tác tiếng Pháp, Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM - nói rằng ngoài lo lắng về việc học và dịch bệnh, phụ huynh người nước ngoài ở các trường quốc tế tiếng Pháp tại TP.HCM cũng vất vả hơn khi không thể vừa làm vừa trông con. 

Ông Legris lý giải, không giống như nhiều gia đình Việt Nam có thể nhờ ông bà chăm cháu những ngày nghỉ học, nhiều lao động ngoại quốc phải đau đầu tìm chỗ gửi con trong khi vẫn phải đi làm.

Phụ huynh thấp thỏm

Bà H.T.N. (Q.3, TP.HCM) hiện có con học lớp 12 tại Trường quốc tế Úc AIS (TP.HCM). Bà chia sẻ cả nhà đều thấp thỏm cho tình hình học tập của con khi từ tết đến nay vẫn chưa thể trở lại trường. 

Đầu tháng 5-2020 con của bà sẽ phải tham gia kỳ thi tú tài quốc tế IB cam go kéo dài đến ba tuần và trải rộng trên rất nhiều môn học từ ngôn ngữ, khoa học, xã hội, toán, nghệ thuật.

"Căng thẳng lắm. Nếu như thi THPT quốc gia là cơ sở để xét tuyển vào các trường đại học trong nước thì bằng tú tài quốc tế để xét các trường đại học trên thế giới. Bỏ tiền bạc cho con học mười mấy năm trời cũng chỉ mong đậu được vài trường hàng đầu" - bà N. nói.

Bà kể thêm hiện nay mỗi ngày trường vẫn tổ chức học tập các lớp online theo đúng thời gian chính khóa. Trong đó vẫn điểm danh và giao nhiều bài tập hơn để phần nào bù lại khối lượng thiếu hụt trong lớp. Theo bà, đây vẫn không phải là cách tốt nhất, đặc biệt với các học sinh có sức học vừa.

Cũng có con đang chuẩn bị cho kỳ thi tú tài, bà Nguyễn Thị Huỳnh Lâm (Q.1) chia sẻ nhiều phụ huynh người Việt ở trường quốc tế con bà đang theo học như "gánh" 2 nỗi lo: vừa sợ dịch COVID-19, nhưng cũng sợ bài vở mất, vì chỉ còn chưa đầy hai tháng là con phải theo kỳ thi khó khăn nhất. "Các mẹ có con chưa học cuối cấp đều nói tội các cháu phải thi IB năm nay, vì chỉ có thể ôn tập từ xa nhiều ngày qua" - bà Lâm tâm sự.

Dù biết ngành giáo dục cũng đã cố gắng,  theo bà Lâm, các thông báo nghỉ học cho ra theo từng tuần như thế sẽ làm các gia đình khó tính toán. Chẳng hạn nếu TP cho nghỉ hẳn hai tháng thì phụ huynh có thể tính đường chuyển trường hoặc chịu chi cho con xuất ngoại ôn tập. "Đằng này mọi thứ cứ lưng chừng, chỉ có thời gian là không chờ đợi" - bà Lâm băn khoăn.

Các trường quốc tế muốn học trở lại - Ảnh 3.

Trường quốc tế Canada tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Kiểm soát chặt chẽ khi học lại

Theo TS Roderick Crouch, khi học trở lại, nhà trường sẽ mở thêm lớp sau giờ học để đảm bảo học sinh sẽ được chuẩn bị thật kỹ càng cho các kỳ thi sắp tới. Bên cạnh đó, nhà trường vẫn sẽ luôn tuân thủ các quy định để có được môi trường an toàn nhất cho học sinh.

Cụ thể, mỗi ngày, bất kỳ ai bước chân vào trường đều phải kiểm tra thân nhiệt. Phụ huynh không được vào trường, mà phải chờ bên ngoài cổng. Nếu bị ốm, bất kỳ ai cũng không được vào trường mà cần phải kiểm tra sức khỏe và chữa dứt bệnh.

Trường cũng kiểm tra lịch sử đi du lịch của tất cả phụ huynh học sinh. Bất kỳ học sinh hoặc thành viên trong gia đình từng đi qua vùng dịch: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Iran, đều buộc cách ly tại nhà 14 ngày. Ngoài ra, luôn có nhân viên làm vệ sinh kỹ mọi ngóc ngách trong trường học. Tất cả  hoạt động với quy mô lớn, các cuộc cắm trại dã ngoại ngoài nhà trường cũng sẽ bị hủy.

Sẵn sàng đón cán bộ y tế đến kiểm tra

Cuộc gặp chiều 5-3 là tiếp nối sự kiện 19 hiệu trưởng trường quốc tế, bao gồm 8 ở Hà Nội và 11 ở TP.HCM, gửi kiến nghị chung lên Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24-2 xin phép được chấp thuận cho trường hoạt động ngày 2-3. "Chúng tôi luôn sẵn sàng đón tiếp các cán bộ của Bộ Y tế đến xem xét kiểm tra các quy trình và thủ tục đang được áp dụng tại các trường khi các trường mở cửa trở lại" - kiến nghị nêu.

Thuê gia sư "VIP"

Cả tuần nay, gia đình bà N. bắt đầu ngắm nghía đến các gia sư "VIP" chuyên ôn thi IB, đồng thời tìm hiểu thêm các khóa ôn tập online cho con. "Nếu vẫn phải nghỉ học, chúng tôi phải mướn gia sư. Nhưng những thầy cô như này ở Việt Nam khá hiếm và đắt đỏ" - bà N. nói.

Để không phải đi học rồi lại nghỉ học Để không phải đi học rồi lại nghỉ học

TTO - Theo chuyên gia, các trường cần nghiêm túc yêu cầu người học kê khai thông tin y tế trước khi đi học trở lại. Nếu không làm kỹ, việc đi học trở lại sẽ "phá sản" và vô cùng nguy hiểm.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên