Đá Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp thành đảo nhân tạo - Ảnh: CSIS/AMTI
Động thái ngang ngược mới của Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi chính phủ nước này tuyên bố thành lập cái gọi là "quận đảo Tây Sa" và "quận đảo Nam Sa" để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Các "danh xưng tiêu chuẩn" mà Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc tự tiện công bố ngày 19-4, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được áp dụng cho "25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông".
Ngoài việc ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng.
Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.
Ngày 19-4, trước việc Trung Quốc thông báo thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "quận Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa" một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng phát biểu: "Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hủy bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".
Giới quan sát nhận định hành động của chính phủ Trung Quốc một lần nữa cho thấy Bắc Kinh sẽ không từ bỏ các âm mưu củng cố chủ quyền vô lý tự vẽ ra trên Biển Đông. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế.
Hôm 17-4, trong một tài liệu đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã ngang ngược cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp".
Văn bản do phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đệ trình còn nhấn mạnh Bắc Kinh đã liên tục "phản đối sự xâm lược và chiếm đóng trái phép của Việt Nam" trước khi lớn tiếng "yêu cầu Việt Nam rút tất cả người và phương tiện, thiết bị ra khỏi các đảo, đá đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp".
Trên thực tế Trung Quốc luôn nói một đằng, làm một nẻo. Trong văn bản ngày 17-4, Bắc Kinh thậm chí không ngượng miệng và đổi trắng thay đen lịch sử.
Trung Quốc là nước duy nhất sử dụng vũ lực để kiểm soát và chiếm đóng trái phép các đảo, đá trên Biển Đông. Trong số đó phải kể đến trận chiến ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã xua tàu chiến chiếm đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, giết hại 64 chiến sĩ Việt Nam.
Bất chấp sự chống trả kiên cường và phản đối quyết liệt của Việt Nam, Trung Quốc đã chiếm giữ bất hợp pháp đá Gạc Ma. Năm 2014, Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Gạc Ma thành đảo nhân tạo và biến nó thành một tiền đồn quân sự phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý của mình trên Biển Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận