Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: REUTERS
Phản ứng gay gắt của Bình Nhưỡng xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt lên ba quan chức Triều Tiên, bao gồm một nhân vật thân cận với lãnh đạo Kim Jong Un.
Lệnh cấm vận này càng cho thấy tiến độ ì ạch trong các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vì nó phản ánh mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên còn nhiều điểm cần giải quyết.
Hồi tháng 6 qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có cuộc gặp được mô tả "lịch sử" tại Singapore, mở ra những cam kết phi hạt nhân hóa - xóa bỏ cấm vận.
Nhưng khi đi vào các bước cụ thể, vấn đề đã nảy sinh. Trong lúc Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải bỏ trừng phạt và dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, thì Washington khẳng định Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân trước.
Kịch bản này nghe rất… quen thuộc, vì vòng luẩn quẩn đó chính xác là những gì đã xảy ra suốt thời gian dài trước đây, bởi không ai chìa cành ôliu ra trước mà chỉ khăng khăng buộc đối phương phải làm điều đó.
Hồi tháng 11, bế tắc lên tới đỉnh điểm khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người đã chạy đi chạy về giữa Washington và Bình Nhưỡng như một con thoi trong các nỗ lực đàm phán này - đã hủy cuộc gặp với đối tác Kim Yong Chol.
Trong tuyên bố hôm 16-12, Triều Tiên ghi nhận "thiện chí" của Tổng thống Trump trong việc cải thiện quan hệ hai nước, tuy nhiên cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ "đưa quan hệ Mỹ - Triều trở lại tình trạng của năm trước, vốn dĩ được đánh dấu bởi những màn đáp trả bằng lửa".
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng nếu chính quyền Mỹ nghĩ việc gia tăng cấm vận và áp lực có thể buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, thì họ sẽ xem "đây là nước tính sai trầm trọng và sẽ đóng cánh cửa dẫn tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên mãi mãi - một kết quả mà không ai muốn", theo AP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận