13/09/2020 14:11 GMT+7

Tranh cãi về sách toán có bìa hình nhân vật lịch sử, nghệ sĩ cải lương

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Mới lạ, có ý tưởng tích hợp, phản khoa học, gượng ép, thậm chí buồn cười... là những ý kiến trái ngược xoay quanh cuốn sách toán và bài toán thực tế lớp 6, 7, 9 và các đề kiểm tra toán thực tế lớp 8 có bìa in hình nhân vật lịch sử, nghệ sĩ.

Tranh cãi về sách toán có bìa hình nhân vật lịch sử, nghệ sĩ cải lương - Ảnh 1.

Các bìa sách toán thực tế lan truyền trên mạng và gây nhiều tranh cãi - Ảnh: T.T

Những cuốn sách này được ông Lê Thanh Hà, giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP.HCM, từng xác nhận với báo chí là sách của NXB này. Ông Hà thông tin với báo chí rằng đây là sách sử dụng chất liệu có tính thực tế, học sinh dùng kiến thức toán để tìm ra đáp án toán học. Hình ảnh trên bìa giúp bìa sách sinh động, thay cho những hình công thức toán trước đây.

Chuyện sách toán có hình bìa minh họa khác với truyền thống, nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Thầy Tuấn, giáo viên toán một trường THCS ở tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ: "Tôi cho rằng những dạng bài toán thực tế, nếu người biên soạn tích hợp được các yếu tố lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống, đạo đức thì quả là thú vị. Giáo viên chúng tôi tiếp cận cũng thấy hay, hướng dẫn yêu cầu học sinh giải quyết cũng hấp dẫn, mới lạ, làm cho toán bớt đi sự khô khan nhàm chán.

Bìa sách là sự minh họa thực tế, nhìn bìa sách người học ngầm hiểu trong sách sẽ có những 'ngữ cảnh' đề bài như thế. Với tôi, bìa sách đã phản ảnh đúng tinh thần nội dung cuốn sách".

Thoạt nhìn thì thấy không liên quan, số học, công thức, biểu đồ nhường cho hình nghệ sĩ, nhân vật lịch sử, nhưng lật vài trang đầu, thầy Nguyễn Anh Minh, giáo viên toán tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM nhận xét: "Đây là sách tham khảo, không phải sách giáo khoa thì cần mở rộng ra, công thức cứng đã học trong sách sẽ được 'nhảy múa' tư duy rộng ra ở những yêu cầu khác nhau, những chuyện thực tế khác nhau. Mà hướng giáo dục là tích hợp nên tôi thấy rằng bìa minh họa sách toán là hợp lý".

Cho rằng đó là sự lạm dụng thực tế, gượng ép để gọi là tích hợp phân môn, thầy Trần Văn Toàn, giáo viên toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), nhận xét sách toàn mà hình minh họa nhân vật lịch sử, nghệ sĩ cải lương là không hợp lý.

"Tôi chưa thấy thực tế cuốn sách, chỉ xem trên mạng và truyền thông. Tôi nghĩ rằng sách toán cần mang ý nghĩa chương trình toán, dù là toán thực tế nhưng vẫn là toán. Toán mà hình bìa sử, văn hóa... tôi thấy chưa phù hợp, bởi thực tế của toán vẫn là... toán.

Cứ nghĩ toán thực tế mà mà xa rời toán là không phải. Mà đó là quá lạm dụng thực tế, gượng ép đưa những điều không liên quan. Từ đó, cho là mới lạ thì tôi phản đối", thầy Toàn thẳng thắn nói.

Lắc đầu và cho rằng hơi... buồn cười vì nghĩ mãi không thấy sự liên đới nào giữa những thực tế khi thấy hình bìa của NSND Bạch Tuyết trong vai diễn nổi tiếng Thái hậu Dương Vân Nga trên quyển toán và các bài toán thực tế lớp 6 (tập 2), cô Tâm Lan, giáo viên toán một Trường THPT ở Q.Tân Phú, TP.HCM nói: "Toán nào cũng là toán, dạy toán mở rộng và nâng cao là thêm nguồn tài liệu cho giáo viên dạy và phục vụ học tập học sinh.

Suy cho cùng, học toán là hướng học sinh đến một kỹ năng tính toán vận dụng, để khi rời ghế nhà trường vận dụng, làm hành trang cho cuộc sống của mình. Vì thế, đừng quá tôn 'thực tế', mà biến hóa, xa rời toán học như từ trước bao thế hệ đã tiếp cận".

'Trải nghiệm để đam mê toán học' - sách thú vị cho cả thầy và trò

TTO - Toán học vốn dĩ khô khan với những con số và dãy tính. Nhưng cuốn 'Trải nghiệm để đam mê toán học' đã khơi dậy sự thích thú cho người đọc với câu chuyện về các nhà toán học, những bài toán dân gian...

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên