Việc còn lại bây giờ là làm thế nào để triển khai việc này một cách hiệu quả. Đánh giá vị trí hiện tại về quy mô và hiệu quả của bộ máy và tham chiếu với các nước khác là một cách tiếp cận khoa học để giải quyết vấn đề này.
Quy mô của khu vực công được đo bằng nhân sự so với dân số và chi ngân sách so với GDP; và hiệu quả có thể đo bằng điểm số quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo số liệu từ WB, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF), điểm số hiệu quả quản trị nhà nước của Việt Nam là 59/100 với bình quân mỗi cán bộ phục vụ 22,7 người dân và mức chi ngân sách bằng 18,8% GDP.
Nhìn trên bình diện toàn cầu và nhóm nước có mức độ phát triển tương tự thì Việt Nam thuộc nhóm hiệu quả.
Bình quân toàn cầu, điểm số quản trị là 51 với mỗi cán bộ phục vụ 21,6 người và chi ngân sách bằng 32% GDP.
Nhóm có thu nhập bình quân/người từ 4.000 - 14.000 đô la thì điểm số quản trị là 46,5 với mỗi cán bộ phục vụ 21 người dân và chi ngân sách bằng 28,4% GDP.
Tuy nhiên, nếu hướng đến nhóm nhà nước hiệu quả nhất thế giới như Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Áo và Luxembourg, và quốc gia có cấu trúc thể chế tương tự là Trung Quốc, Việt Nam có thể giảm đội ngũ nhân sự trong khu vực công khoảng 10% (tương đương 400.000 người).
Nếu từng bước có thể cắt giảm số nhân sự này và các yếu tố khác không đổi thì chi ngân sách so với GDP của Việt Nam sẽ tiệm cận Singapore, nhà nước hiệu quả nhất thế giới.
Điểm số quản trị, số cán bộ trên dân số và chi ngân sách so với GDP của Singapore - nhà nước hiệu quả nhất thế giới - lần lượt là 100 điểm, 25,1 và 15,4%. Luxembourg là 97,6 điểm, 23,9 và 43,6%; Nhật Bản là 96,2 điểm, 24 và 44,1%; Hong Kong là 95,8 điểm, 27,3 và 28,2%; và Áo là 91,5 điểm, 25,2 và 52,8%.
Trong nhóm này, chỉ có Singapore là có mức chi ngân sách so với GDP thấp hơn Việt Nam, còn lại là cao hơn rất nhiều. Gần nhất là Hong Kong cũng cao hơn Việt Nam gần 10 điểm phần trăm.
Trung Quốc là một quốc gia rất đáng để tham khảo đối với Việt Nam. Điểm số quản trị của họ là 68,4 với một cán bộ phục vụ 25,2 người dân và chi ngân sách bằng 33,4% GDP.
Theo số liệu của ILO, vào năm 2022 ở Việt Nam có 4,32 triệu người (bao gồm cả lực lượng vũ trang và giáo viên trong các trường công) đang làm ở khu vực công, chiếm 4,4% dân số và 7,9% lực lượng lao động của cả nước.
Tham chiếu các nhà nước nêu trên, Việt Nam có thể hướng đến mục tiêu mỗi cán bộ công chức phục vụ 25 người dân (tăng 2,3 người so với mức hiện tại). Khi đó mỗi người tiếp tục làm việc trong khu vực công sẽ cáng đáng bình quân thêm 10% khối lượng công việc từ việc cắt giảm nhân sự.
Với kịch bản này, chi ngân sách nhà nước cho nhân sự sẽ giảm được khoảng 1% GDP hằng năm hay tương đương gần 5 tỉ USD. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển là rất lớn.
Do đó, trong giai đoạn ít nhất là từ nay đến năm 2045, Việt Nam có thể tăng cường chi ngân sách (tỉ lệ so với GDP có thể bằng với Trung Quốc) để đẩy mạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng.
Điều cần lưu ý là tỉ lệ chi ngân sách so với GDP sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của các quốc gia.
Tóm lại, việc tinh gọn và nâng cao hiệu quả của bộ máy là vấn đề có tính chiến lược, cách mạng đối với Việt Nam. Khi được triển khai một cách hợp lý, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân đúng nghĩa.
Đây là một tiền đề quan trọng cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để trở thành nước phát triển có thu nhập cao ở thời điểm 100 năm độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận