Chiều 11-12 tại TP.HCM, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về việc nâng cao hiệu quả phối hợp công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tư pháp và thi hành án dân sự trên địa bàn TP.
Buổi làm việc do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đồng chủ trì.
Sẽ sửa đổi những luật cần thiết sửa trong kỳ họp Quốc hội tháng 2
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay Bộ Tư pháp đang được Chính phủ giao rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tinh gọn bộ máy.
Qua rà soát sơ bộ, có tới 184 luật liên quan đến tổ chức bộ máy cần phải sửa đổi, bổ sung. Cùng đó là khoảng 200 nghị định, chưa kể những quyết định của Thủ tướng, nghị quyết và nghị định của Chính phủ.
Liên quan đến chủ trương phân cấp, phân quyền cho các địa phương, ông Ninh cho rằng sau khi hợp nhất các bộ, ngành trung ương với những lĩnh vực quản lý đa ngành, nếu không phân cấp, phân quyền thì “chắc chắn không có bộ trưởng nào có thể bao quát được tất cả lĩnh vực đa ngành”.
Qua rà soát bước đầu, việc phân cấp phân quyền liên quan đến khoảng 174 luật chuyên ngành cần phải sửa đổi, chưa kể những nghị định có liên quan và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Do đó, sắp tới Bộ Tư pháp sẽ tham mưu với Chính phủ, với Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 2 tới phải sửa đổi những luật bắt buộc phải sửa ngay để có thể vận hành thông suốt bộ máy.
Dự kiến sẽ phải sửa Luật Tổ chức Quốc hội và dựa vào kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phân cấp, phân quyền mới có thể sửa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Tuy nhiên kỳ họp Quốc hội tới sẽ phải ban hành một nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ theo sắp xếp mới.
Trong nghị quyết đó sẽ có điều khoản chuyển giao những nhiệm vụ từ các bộ trước khi sáp nhập, hợp nhất để tiếp tục làm nhiệm vụ trong những cơ quan mới.
Cần cơ chế đặc thù để giải quyết các vụ chưa từng có tiền lệ
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ sự cảm kích sâu sắc trước sự quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ của Bộ Tư pháp trong suốt quá trình thực hiện các nhiệm vụ của TP, đặc biệt là nghị quyết 98.
Ông Nên cho rằng trước đây, TP.HCM đã được biết đến là nơi sáng tạo, năng động và dám thử nghiệm các mô hình mới, từ đó rút ra bài học để áp dụng cho cả nước.
Chính vì vậy, ông đánh giá cao sự lựa chọn của Bộ Tư pháp khi chọn TP.HCM là địa bàn nghiên cứu và phát triển các chương trình hợp tác, nhằm làm nền tảng cho các mô hình pháp lý có giá trị quốc gia.
Theo bí thư Thành ủy TP.HCM, hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, tuy nhiên vẫn có những bất cập và sự không đồng bộ khi áp dụng vào thực tiễn.
Những giá trị pháp lý ngày xưa cũng đã có sự thay đổi, chính vì vậy cần phải nghiên cứu và thực tiễn hóa những gì đã làm được để có pháp chế tốt hơn.
Về vấn đề cải cách thi hành án, ông Nên cũng nêu rõ: "TP.HCM hiện nay đang quá tải trong công tác thi hành án dân sự và hình sự.
Mỗi ngày có hàng ngàn vụ án cần giải quyết và với lượng công việc quá lớn, dù các cán bộ thi hành án có tâm huyết và trách nhiệm cao nhưng không thể không có những khó khăn.
Vì vậy, cần phải có sự đầu tư mạnh mẽ vào nguồn lực và nhân lực, đồng thời cần áp dụng công nghệ để tăng cường công tác liên lạc và thông tin với người dân.
Trong quá trình xây dựng pháp luật và thể chế, các cơ quan cần phải linh hoạt, thay đổi và thích ứng với tình hình thực tế của xã hội và đất nước. Không cầu toàn và cũng không cứng nhắc, bởi xã hội luôn đòi hỏi phải thay đổi, phải linh hoạt và thích ứng.
Ông Nên cũng đề cập đến những khó khăn trong việc thi hành án, cho rằng cần phải có một cơ chế đặc thù để giải quyết các vụ việc có tính chất chưa từng có tiền lệ, đồng thời phải có kế hoạch cụ thể, huy động đủ nguồn lực và nhân lực để triển khai.
"Cần phải có ban chỉ đạo tương xứng để huy động lực lượng, đảm bảo có đủ con người và nguồn lực để giải quyết tốt các vấn đề".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận