Mỹ chỉ trích hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Ngày 17-6, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo chỉ trích những hành động "mang tính leo thang và thiếu trách nhiệm" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đó, hải cảnh Trung Quốc tố tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho tàu quân sự Sierra Madre tại bãi Cỏ Mây trên Biển Đông đã tiếp cận "một cách cố tình và nguy hiểm" một tàu Trung Quốc, dẫn đến va chạm nhẹ.
Manila đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này. Lực lượng đặc nhiệm quốc gia của Philippines ở Biển Đông còn tố ngược tàu Trung Quốc đâm và làm hư hỏng tàu thuyền của họ trong vụ chạm trán ngoài khơi trên.
Cũng trong thông báo vừa đăng, Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự ủng hộ của Washington đối với Philippines.
Thủ tướng Israel giải thể nội các chiến tranh
Ngày 17-6, người phát ngôn Chính phủ Israel David Mencer tuyên bố Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã giải thể nội các chiến tranh - cơ quan được thành lập ngay sau khi xung đột giữa Tel Aviv và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng nổ hồi tháng 10-2023.
Sự tan rã của nội các chiến tranh là điều được đoán trước sau khi ông Benny Gantz - đối thủ chính trị lớn nhất của ông Netanyahu ở Israel - và đồng minh Gadi Eisenkot cùng tuyên bố từ chức khỏi đây hôm 13-6.
Cả hai tuyên bố quyết định này do nội các do ông Netanyahu lãnh đạo đã không thể cho ra một kế hoạch rõ ràng về vấn đề Gaza.
Ông Mencer cho biết việc thành lập nội các chiến tranh từng là "điều kiện tiên quyết" để ông Gantz gia nhập một chính phủ đoàn kết.
"Tuy nhiên, với sự rời đi của ông Gantz, nội các này không còn cần thiết. Nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển sang cho nội các an ninh", người phát ngôn Chính phủ Israel khẳng định.
Nội các an ninh là một cơ quan đã tồn tại từ lâu, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza. Thành viên của nội các này là một nhóm nhỏ bộ trưởng, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược Ron Dermer.
Ông Putin cam kết nâng tầm quan hệ Nga - Triều Tiên
Ngày 18-6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) trích lời Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông muốn nâng cấp quan hệ Nga - Triều Tiên lên mức độ mới.
Trong bức thư đăng trên Lao động Tân văn (cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên), ông Putin cho rằng trong 70 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và tin tưởng nhau.
Tổng thống Nga cảm ơn Bình Nhưỡng vì đã ủng hộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine và hứa hẹn sẽ hỗ trợ những nỗ lực bảo vệ quyền lợi chính đáng của Bình Nhưỡng, bất chấp "sức ép, tống tiền và đe dọa quân sự Mỹ".
Bài viết trên được đăng tải chỉ ít giờ trước khi chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của tổng thống Nga đến Triều Tiên trong 24 năm qua bắt đầu.
Điện Kremlin chỉ trích tổng thư ký NATO "leo thang căng thẳng"
Ngày 17-6 (giờ địa phương), Điện Kremlin lên tiếng chỉ trích phát ngôn của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg liên quan đến việc đang đàm phán giữa các nước thành viên việc triển khai thêm vũ khí hạt nhân.
"Tôi sẽ không đi vào chi tiết hoạt động về số lượng đầu đạn hạt nhân sẽ được vận hành và đầu đạn nào sẽ được cất giữ, nhưng chúng tôi cần tham khảo ý kiến về những vấn đề này. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tiết lộ với tờ Telegraph của Anh trước đó vài giờ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng bình luận trên mâu thuẫn với tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình ở Ukraine mới được công bố hôm 16-6. Trong đó, các nước ký tên chỉ trích bất kỳ sự đe dọa hay hành vi sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh Ukraine cũng là không thể chấp nhận.
"Điều này đơn thuần là một sự leo thang căng thẳng khác", ông Peskov tuyên bố.
Đáp lời, ông Stoltenberg khẳng định Matxcơva chỉ đang muốn tạo sự nhầm lẫn. Thực chất, bình luận của ông chủ yếu xoay quanh nỗ lực hiện đại hóa các biện pháp răn đe hạt nhân của khối, bao gồm việc nâng cấp F-16 thành F-35 thế hệ mới.
NATO sắp đạt chỉ tiêu ngân sách quốc phòng, cho thấy ông Trump sẽ thắng cử
Ngày 17-6, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định sẽ có hơn 20 quốc gia thành viên liên minh này đáp ứng điều kiện phân bổ ít nhất 2% GDP vào ngân sách quốc phòng trong năm 2024.
Chia sẻ với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, ông Stoltenberg khẳng định mới chỉ năm năm trước, số thành viên NATO hoàn thành chỉ tiêu trên còn chưa đạt con số 10.
Ông cho biết: "Năm nay, trên khắp châu Âu và Canada, các đồng minh NATO đã tăng ngân sách quốc phòng lên đến 18%. Đây là mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Cũng trong năm nay, có đến 23 đồng minh NATO sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng".
Trước đó, khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, ông Stoltenberg khẳng định việc liên minh này tăng ngân sách quốc phòng "tốt cho cả châu Âu và Mỹ, đặc biệt vì hầu hết số ngân sách được tăng này sẽ được chi trên chính đất Mỹ".
Động thái tăng ngân sách trên của NATO được cho là đối phó với viễn cảnh cựu tổng thống Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ tổng thống mới. Gần đây, ông Trump từng khẳng định sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO không hoàn thành nghĩa vụ đóng góp ngân sách kể trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận