17/06/2024 06:38 GMT+7

Tin tức thế giới 17-6: Vũ khí hạt nhân đe dọa nhân loại nhiều hơn; Houthi tấn công tàu khu trục Mỹ

Người dân từ 177 nước qua Mexico để tới Mỹ; Israel cảnh báo nguy cơ leo thang căng thẳng vì hỏa lực xuyên biên giới của Hezbollah; Các nước lớn gia tăng chất lượng vũ khí hạt nhân và đe dọa hơn... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 17-6.

Tên lửa Trident II D5 (loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) được phóng thử từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Hải quân Mỹ USS Nebraska ngoài khơi bờ biển California, Mỹ hồi tháng 3-2018 - Ảnh: REUTERS/HẢI QUÂN MỸ

Tên lửa Trident II D5 (loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân) được phóng thử từ tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Hải quân Mỹ USS Nebraska ngoài khơi bờ biển California, Mỹ hồi tháng 3-2018 - Ảnh: REUTERS/HẢI QUÂN MỸ

Vũ khí hạt nhân và vai trò nổi bật chưa từng thấy

Sáng 17-6, các nhà nghiên cứu đánh giá vai trò của vũ khí hạt nhân đã trở nên nổi bật hơn và các quốc gia hạt nhân đang hiện đại hóa kho vũ khí của mình khi quan hệ địa chính trị xấu đi. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "lùi lại và suy ngẫm", theo Hãng tin AFP.

Trong niên giám thường niên vừa công bố, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) chỉ ra các nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân cũng đã phải chịu những thất bại lớn trong bối cảnh quan hệ quốc tế căng thẳng do các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.

"Chúng tôi chưa từng thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ Chiến tranh lạnh" - ông Wilfred Wan, giám đốc Chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, bình luận.

Theo SIPRI, 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới (trong đó có Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc...) "tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ và một số nước đã triển khai các hệ thống vũ khí hạt nhân hoặc mang năng lực hạt nhân mới vào năm 2023".

Viện nghiên cứu này lưu ý rằng vào tháng 2-2023, Nga đã tuyên bố sẽ ngừng tham gia vào hiệp ước New START 2010 - "hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân còn lại cuối cùng hạn chế lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ".

"Chúng ta đang ở trong một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người" - Giám đốc SIPRI Dan Smith nói, đồng thời thúc giục các cường quốc trên thế giới "hãy lùi lại và suy ngẫm. Tốt nhất là cùng nhau hành động".

Houthi tấn công tàu khu trục Mỹ

Ngày 16-6, lực lượng Houthi ở Yemen thông báo đã tấn công 2 tàu dân sự và 1 tàu khu trục của Mỹ ở khu vực Biển Đỏ và Biển Ả Rập. Đây là các vụ tấn công tàu mới nhất mà lực lượng này thực hiện.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của lực lượng Houthi, ông Yahya Saree cho biết lực lượng này đã phóng các tên lửa đạn đạo nhằm vào một tàu khu trục Mỹ, tấn công bằng tên lửa nhằm vào một tàu mang tên Captain Paris, và thực hiện một vụ tấn công khác bằng máy bay không người lái nhằm vào tàu Happy Condor.

Hiện chưa rõ các vụ tấn công này có trúng đích hay không.

Israel cảnh báo Lebanon vì hỏa lực của Hezbollah

Ngày 16-6, người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari cảnh báo việc nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon gia tăng hỏa lực xuyên biên giới nhằm vào Israel có thể dẫn đến nguy cơ leo thang nghiêm trọng, theo Hãng tin Reuters.

"Thái độ ngày càng hung hăng của Hezbollah đang đẩy chúng ta đến bờ vực của tình trạng leo thang có thể lan rộng hơn, gây ra hậu quả tàn khốc cho Lebanon và toàn bộ khu vực" - ông Hagari nói.

Gần đây nhóm vũ trang Hezbollah - nhóm được Iran hậu thuẫn - đã phóng loạt rocket và máy bay không người lái với số lượng lớn chưa từng thấy trong 8 tháng giao tranh với Israel, song song với cuộc xung đột Israel - Hamas.

Người phát ngôn quân đội Israel tuyên bố: "Israel sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ dân thường, cho đến khi an ninh dọc biên giới của chúng tôi với Lebanon được khôi phục".

Hướng đến các cuộc đàm phán cuối cùng với Nga vì hòa bình cho Ukraine

Ngày 16-6, các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố ủng hộ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như nhu cầu đàm phán cuối cùng với Nga về việc chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, họ vẫn chưa giải quyết được những câu hỏi chính về cách thức và thời gian, theo Hãng tin AFP.

Hơn hai năm sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao từ hơn 90 quốc gia đã dành cuối tuần tại Thụy Sĩ để tham dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày nhằm giải quyết cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến 2.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ca ngợi "thành công" ngoại giao của sự kiện này - sự kiện mà Nga không được mời. Ông để ngỏ khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ hai, với mục đích chấm dứt cuộc chiến bằng một giải pháp công bằng và lâu dài.

Ông Biden thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza dịp lễ Eid al-Adha

Ngày 16-6, nhân dịp lễ Eid al-Adha (lễ Hiến sinh của người Hồi giáo), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi đến người Hồi giáo thông điệp ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, nói rằng đây là cách tốt nhất để giúp đỡ những dân thường đang phải chịu đựng "nỗi kinh hoàng của cuộc chiến giữa Hamas và Israel", theo Hãng tin AFP.

"Quá nhiều người vô tội đã bị giết, bao gồm hàng ngàn trẻ em. Nhiều gia đình đã phải rời bỏ nhà cửa và chứng kiến cộng đồng của họ bị phá hủy. Nỗi đau của họ vô cùng to lớn" - ông Biden nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ nói thêm: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng đề xuất ngừng bắn 3 giai đoạn mà Israel đã đưa ra cho Hamas và được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp thuận là cách tốt nhất để chấm dứt bạo lực ở Gaza và cuối cùng là chấm dứt chiến tranh".

Người dân từ 177 nước thông qua Mexico để tới Mỹ

Ngày 16-6, Chính phủ Mexico nói rằng khoảng 1,39 triệu người từ 177 quốc gia đã đi qua Mexico từ đầu năm đến nay để cố gắng đến Mỹ mà không có giấy tờ nhập cảnh.

Số người di cư lớn nhất (với gần 380.000 người) đến từ Venezuela, nơi người dân trải qua khó khăn kinh tế nghiêm trọng trong nhiều năm. Tiếp theo là Guatemala, Honduras, Ecuador và Haiti, những nơi đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi bạo lực băng đảng và buôn bán ma túy.

Các công ty Đức lo ngại về giá cả giảm ở Trung Quốc

Theo Hãng tin AFP, một báo cáo công bố ngày 17-6 chỉ ra giá giảm và nhu cầu yếu là những khó khăn chính mà các công ty Đức tại Trung Quốc đang phải đối mặt.

Cụ thể, 61% trong số 186 công ty Đức được Phòng Thương mại Đức khảo sát cho biết "áp lực về giá" là vấn đề lớn nhất mà họ phải đối mặt ở Trung Quốc. Báo cáo cho biết nhu cầu yếu - liên quan đến sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và căng thẳng địa chính trị - cũng nằm trong số những mối quan ngại hàng đầu.

Đôi chân và túi bột

Tin tức thế giới 17-6: Vũ khí hạt nhân đe dọa nhân loại nhiều hơn; Houthi tấn công tàu khu trục Mỹ- Ảnh 4.

Với đôi chân băng bó và tay cầm một túi bột, bé gái người Palestine đi bộ dọc con đường ở thành phố Deir al-Balah, miền trung Dải Gaza, hôm 13-6. Bức ảnh này lột tả được sự tàn khốc của xung đột Israel - Hamas với dân thường, trong đó có trẻ thơ - Ảnh: AFP

Tin tức thế giới 16-6: Thượng đỉnh về hòa bình Ukraine khai mạc; Xe bọc thép Israel nổ tungTin tức thế giới 16-6: Thượng đỉnh về hòa bình Ukraine khai mạc; Xe bọc thép Israel nổ tung

Gần 100 quốc gia đến dự thượng đỉnh Ukraine; Cựu tổng thống Pháp quay lại chính trường; Iran và thành viên NATO thực hiện thỏa thuận lịch sử... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 16-6.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên