Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Sẽ gộp trả hai tháng lương hưu
Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có thông báo về chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp hai tháng 1 và 2 của năm 2025. Cụ thể, cơ quan này sẽ cấp kinh phí cho các tỉnh thành vào kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp tháng 1-2025 bao gồm cả người nhận tiền mặt và qua tài khoản cá nhân.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về kế hoạch chi trả lương hưu, trợ cấp như trên và đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Ngành bảo hiểm xã hội cấp tỉnh chuyển kinh phí và phối hợp với bưu điện tỉnh để thông báo và chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của hai tháng 1 và 2 của năm 2025 cùng kỳ chi trả tháng 1-2025.
Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả và nắm bắt, giải quyết, xử lý dứt điểm phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc tới cấp có thẩm quyền.
Theo thông báo, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội xây dựng kế hoạch chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội gộp hai tháng vào kỳ tháng 1-2025.
Tổ chức chi trả tại nhà cho người thụ hưởng già yếu, cô đơn, ốm đau, bệnh tật không có khả năng đến nhận tại điểm chỉ trả. Thông báo tới người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng về việc chỉ trả gộp nêu trên.
Hiện cả nước có khoảng 3,4 triệu người thụ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Cả nước giảm 9 huyện, 563 xã và nhiều tổ chức, đơn vị
Năm 2024, theo tin tức từ báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 30-10 tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục sắp xếp nhiều tổ chức trong bộ máy.
Theo đó, tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện.
Lũy kế đến nay đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Bên cạnh đó, bộ cũng chủ trì hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 51/51 đề án sáp nhập cấp huyện, xã của các địa phương thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023-2025.
Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 đã thành lập mới thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Sắp xếp 38 đơn vị cấp huyện và 1.178 đơn vị cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Đồng thời thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị để thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 có 45% đơn vị hành chính đô thị.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ nêu rõ sẽ tiếp tục đôn đốc 51 địa phương khẩn trương sắp xếp tổ chức, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, xử lý tài sản công sau sắp xếp, bảo đảm sớm ổn định để tổ chức Đại hội Đảng các cấp năm 2025.
Cũng theo Bộ Nội vụ, tới đây sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đơn vị cấp huyện, xã đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản Việt Nam
Trong báo cáo vừa phát hành, nhóm chuyên gia HSBC Việt Nam cho biết Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài (FDI) khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực.
Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý 3, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng của năm 2024 ước đạt 21,68 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỉ USD, theo HSBC.
Báo cáo cũng chỉ ra các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.
"Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản cũng đã tăng trong những tháng gần đây. Điều này có thể được hỗ trợ bởi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực vào tháng 8, chuẩn hóa một số quy định để thúc đẩy nhu cầu", chuyên gia HSBC đánh giá.
Nhìn về phía trước, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất cũng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Hoa Kỳ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta.
Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu đô la Mỹ để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.
Chủ tịch Tập đoàn HIPT trở thành cổ đông lớn taxi Vinasun
Ông Lê Hải Đoàn - chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn HIPT - vừa trở thành cổ đông lớn của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) khi đã mua hơn 1,4 triệu cổ phiếu VNS trong ngày 13-12, nâng sở hữu từ 3,89% lên 6,01% vốn (tương đương 4,08 triệu cổ phiếu).
Ông Đoàn đang là chủ tịch HĐQT Tập đoàn HIPT, doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ về an toàn thông tin, hạ tầng công nghệ, phát triển phần mềm...
Hiện HIPT đang sở hữu 2,3 triệu cổ phiếu VNS (tỉ lệ 3,4%). Như vậy, nhóm cổ đông gồm ông Đoàn và HIPT đang nắm 9,4% vốn Vinasun.
Về tình hình kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2024 Vinasun ghi nhận 778 tỉ đồng doanh thu và lãi ròng 60 tỉ đồng, giảm lần lượt 17% và 52% so với cùng kỳ năm trước.
Hãng taxi này cho biết đã duy trì chính sách hỗ trợ tài xế và đối tác, dẫn đến lợi nhuận giảm. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện được 70% chỉ tiêu doanh thu và 74% mục tiêu lợi nhuận.
GELEX làm cổ đông lớn tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam
Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX vừa có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán về ngày trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư nắm giữ 5% trở lên cổ phiếu tại Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.
Trước đó vào ngày 17-12, GELEX đã mua vào 5,9 triệu cổ phiếu SEA của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam.
Qua đó nâng số cổ phiếu sở hữu từ 6 triệu lên 11,9 triệu. Tỉ lệ nắm giữ cũng tăng từ 4,8% lên 9,52%, trở thành cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần).
Seaprodex vốn là doanh nghiệp nhà nước, được thành lập vào năm 1978 với tên gọi ban đầu là Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu của doanh nghiệp đạt 462 tỉ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỉ đồng, giảm gần 20%.
Điều chỉnh giao thông trung tâm TP.HCM, tạm ngưng đào đường Tết dương lịch 2025
Ngày 20-12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có thông báo điều chỉnh tổ chức giao thông trên đường Lê Lợi (quận 1) để phục vụ tổ chức Liên hoan nhạc kèn TP.HCM năm 2024 và Liên hoan múa rối.
Theo đó, kể từ ngày 22-12 đến 31-12 sẽ cấm các loại xe đi vào phần đường dành cho ô tô trên đường Lê Lợi (đoạn từ Pasteur đến Phan Bội Châu). Người dân đi xe chuyển hướng vào phần đường hỗn hợp trên đường Lê Lợi (theo hai hướng lưu thông).
Phục vụ Giải việt dã Lực lượng vũ trang năm 2024 chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tại địa điểm xuất phát các cự ly 3km, 5km kể từ 6h đến 9h30 ngày 21-12 sẽ cấm các loại xe đi trên đường Đồng Khởi (đoạn từ Lê Thánh Tôn đến Nguyễn Thiệp); Công trường Lam Sơn (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Đồng Khởi) và đường Lê Lợi (đoạn từ Đồng Khởi đến đường Nguyễn Huệ).
Về lộ trình thay thế, lộ trình 1: Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi. Lộ trình 2: Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Đồng thời trên lộ trình Giải việt dã Lực lượng vũ trang năm 2024 sẽ hạn chế các loại xe lưu thông ở một số tuyến đường.
Sở cũng có thông báo gửi các đơn vị liên quan về việc tạm ngưng thi công các công trình có tổ chức đào đường, vỉa hè trong thời gian từ ngày 31-12 đến hết ngày 1-1-2025.
Chủ đầu tư tất cả các công trình có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, vỉa hè, đồng thời khẩn trương tái lập toàn bộ các đoạn đang thi công, xong trước ngày 30-12.
Đối với các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường đang khai thác được phép tồn tại hàng rào nhưng phải thu gọn rào chắn, tiến hành vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ khu vực công trường.
Dự kiến tin tức sự kiện trong nước từ ngày 21 đến 28-12
- Ngày 21-12: Họp Ban Chỉ đạo triển khai nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Nẵng; tại Quảng Ninh; Chương trình chính luận nghệ thuật "Con đường lịch sử"; tại TP.HCM, Liên hoan võ thuật quốc tế, chủ đề "Tự hào võ Việt - Hội nhập quốc tế".
- Ngày 22-12: Khánh thành các công trình tái thiết sau bão Yagi tại Lào Cai; Bế mạc Giao lưu quân nhạc quân đội các nước ASEAN; tại TP.HCM, Chương trình hòa nhạc "Bài ca không quên"; tại Cần Thơ, khai mạc Giải Marathon quốc tế di sản năm 2024.
- Ngày 23-12: Hội thảo "Thành tựu và những dấu ấn nổi bật của Quốc hội khóa XV".
- Ngày 25-12: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ 5, khóa VII.
- Ngày 25 và 26-12: tại Hà Nội, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025.
- Ngày 26-12: Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 80 và tổng kết 40 năm công tác công an phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước; Thông báo tình hình, kết quả công tác công an năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và định hướng tuyên truyền về công tác công an thời gian tới.
- Ngày 27-12: Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; tại Yên Bái, Festival khèn Mông và Lễ hội hoa tớ dày Mù Cang Chải.
- Ngày 28-12: Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác thanh tra 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành thanh tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận