Việc giải quyết một cách hài hòa nhu cầu đa dạng của học sinh, giáo viên và phụ huynh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và đồng bộ từ nhiều phía bao gồm từ xã hội, hệ thống giáo dục và chính sách pháp luật.
Áp lực không cần thiết
Hiện nay, không ít học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông đều tham gia vào các lớp học thêm, học ở một số trung tâm hợp pháp, thậm chí là học ngoài giờ tại nhà giáo viên. Nguyên nhân gốc rễ của việc học thêm bao gồm áp lực từ các kỳ thi, mong muốn đạt điểm cao để vào trường đại học tốt và tâm lý "không muốn bị tụt hậu" so với bạn bè hay so với con hàng xóm.
Tuy nhiên, tình trạng này đã và đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Trước hết, nó tạo ra áp lực không cần thiết lên học sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các em. Đặc biệt ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức cốt lõi, khả năng tự học của các em do phần lớn các em được học thêm, luyện thi vì thành tích cao hơn trong các kỳ thi.
Thực tế cho thấy một số em ở những vùng nghèo khó, không có điều kiện học thêm nhưng thành tích thi tốt nghiệp THPT khá cao nhờ đam mê và khả năng tự học, lại được thầy cô dạy kiến thức rất cơ bản.
Học thêm phải trả học phí, ảnh hưởng lớn đến những gia đình có thu nhập thấp ở khu vực thành phố, trong khi vùng nông thôn nhu cầu học thêm và dạy thêm có thể thấp hơn. Qua đó cho thấy sự bất cập trong hệ thống giáo dục, khi mà các giờ học chính khóa chưa đủ để học sinh nắm vững kiến thức, buộc các em phải tìm đến các lớp học thêm để bổ sung.
Vì sao học trong giờ học chính khóa học sinh chưa đủ đạt chuẩn đầu ra là câu hỏi cần được trả lời bởi hệ thống.
Để không còn dạy thêm, học thêm
Thủ phạm hàng đầu là chương trình dạy học còn khá nặng nề và thiên về lý thuyết, lớp học đông học sinh... khiến học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức trong giờ học chính khóa.
Quá trình thực hiện chương trình lại không chú ý đến chuẩn đầu ra của tiết học hay môn học, nên việc dạy và ra đề thi kiểm tra đánh giá dễ tùy tiện, thiếu chuẩn mực nên giáo viên và học sinh luôn cảm thấy thiếu so với kỳ vọng.
Việc tinh giản chương trình học, tập trung vào những kiến thức cốt lõi và thực tiễn, chuyển sang hình thành năng lực sẽ giúp giảm tải áp lực cho học sinh. Khi chương trình học phù hợp với khả năng tiếp thu của đa số học sinh, các em sẽ không cần phải học thêm để hiểu bài.
Kỹ năng dạy học của giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nhu cầu học thêm. Hệ thống giáo dục cần chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống, nặng về truyền thụ kiến thức, sang phương pháp dạy học tích cực, lấy học sinh làm trung tâm.
Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu bài ngay trong giờ học mà còn khuyến khích các em phát triển tư duy phản biện, sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Khi học sinh cảm thấy hứng thú và chủ động trong việc học, nhu cầu học thêm sẽ giảm đi đáng kể.
Giáo viên là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục. Việc nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy cho giáo viên sẽ giúp cải thiện chất lượng giờ học chính khóa. Khi giáo viên có khả năng truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả và sinh động, học sinh sẽ hiểu bài ngay trong giờ học và không cần phải học thêm.
Áp lực từ các kỳ thi vào lớp 10 công lập, trường chuyên và đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển vào đại học là một trong những nguyên nhân chính khiến học sinh phải tham gia các lớp học thêm. Do vậy, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, cần đổi mới đồng bộ phương thức kiểm tra đánh giá học sinh bám sát mục tiêu hình thành năng lực người học.
Thay vì chỉ dựa vào kết quả của một vài kỳ thi quan trọng, hệ thống giáo dục nên áp dụng đánh giá liên tục và toàn diện suốt quá trình học tập một cách khác quan. Điều đó giúp giảm áp lực thi cử mà còn đánh giá chính xác năng lực thực sự của học sinh, từ đó giảm nhu cầu học thêm để đạt điểm cao.
Bên cạnh các giải pháp trên, cần có những quy định nghiêm ngặt về dạy thêm, đặc biệt đối với giáo viên công lập. Nhà nước cần thiết lập và thực thi các quy định hạn chế dạy thêm dưới mọi hình thức trong và ngoài trường học đối với giáo viên, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt được phép. Việc này không chỉ giúp giảm tình trạng lạm dụng dạy thêm mà còn tạo ra môi trường giáo dục công bằng, minh bạch hơn.
Vấn nạn học thêm và dạy thêm không phải là một vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều và càng không thể cực đoan cấm đoán. Tuy nhiên, với những giải pháp đồng bộ và toàn diện, từ tiếp tục đổi mới chương trình dạy học và phương pháp giảng dạy, đổi mới thi cử và các phương thức xét tuyển đại học đến siết chặt quy định về dạy thêm, tăng lương cho giáo viên, thay đổi tư duy "vị thi cử", chúng ta có thể dần dần làm thuyên giảm tình trạng này.
Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan - từ giáo viên, phụ huynh đến học sinh - cần cùng chung tay xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, nơi mà học sinh có thể phát triển toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống không cần phải dựa vào học thêm mà tiềm năng vẫn được khai mở.
Cần có nghiên cứu, khảo sát
Theo chúng tôi, việc quản lý hay đặt các quy định về dạy thêm trong thời gian qua chưa có tác động gì nhiều đến vấn đề này có lẽ xuất phát từ việc chưa có những nghiên cứu hay những cuộc điều tra xã hội học để trả lời cho hai câu hỏi then chốt đó là tại sao giáo viên phải dạy thêm và tại sao học sinh phải học thêm?
Đối với câu hỏi thứ nhất, lâu nay có nhiều luồng ý kiến cho rằng dạy thêm là do giáo viên tìm cách ép buộc học sinh phải học thêm để cải thiện thu nhập do thu nhập của giáo viên hiện còn thấp, không đủ trang trải cho cuộc sống của họ; hoặc giáo viên phải dạy thêm nhằm đạt được các thành tích thi đua về điểm số cho nhà trường.
Đối với câu hỏi thứ hai, học sinh có nhu cầu học thêm là vì nhằm thỏa mãn nhu cầu về điểm số cao nơi các bậc phụ huynh, tức là chính phụ huynh học sinh là người tạo ra nhu cầu học thêm và giáo viên là người đáp ứng như cầu này cho phụ huynh.
Nhưng liệu có đúng là phụ huynh có muốn con mình học thêm không hay là chương trình giáo dục, nội dung giáo dục hiện nay buộc thầy cô phải dạy thêm và học sinh phải học thêm mới có thể "tiêu hóa" hết các yêu cầu mà chương trình học yêu cầu?
Tức là một câu hỏi cũng then chốt mà cơ quan quản lý giáo dục phải trả lời là với chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) thì học sinh có bị buộc phải học thêm mới đáp ứng được những đòi hỏi của chương trình hay không?
Nếu câu trả lời là không thì lúc đó việc dạy thêm có thể là do nhu cầu của thầy cô, nhưng nếu câu trả lời là có thì việc dạy thêm lại bắt nguồn từ việc thiết kế chương trình giáo dục của cơ quan quản lý giáo dục, và vì thế, chính cơ quan quản lý giáo dục phải xử lý chính mình chứ không phải là xử lý thầy cô hay học sinh.
Vì thế theo chúng tôi, để việc dạy thêm không còn là vấn đề thì trước hết cơ quan quản lý giáo dục phải nhận diện được một cách chính xác đâu là những nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm. Nếu vẫn ra những quy định dựa trên các phán đoán không có cơ sở dữ liệu làm minh chứng thì việc quản lý việc dạy thêm sẽ tiếp tục loay hoay như lâu nay mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận