Thầy Huỳnh Quang Thành chia sẻ về phương pháp dạy học của mình - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong hai ngày 8 và 9-4, gần 300 nhà giáo từ 40 tỉnh thành đã tham dự hội thảo đào tạo thực hành PEN 2023 tại Trường đại học Fulbright Việt Nam, cùng chia sẻ những phương pháp dạy học mới.
Tạo "điểm chạm"
Với chuyên môn về khoa học tự nhiên, ông Huỳnh Quang Thành - giáo viên Trường EMASI Vạn Phúc (TP.HCM) - giới thiệu về cách dạy học thông qua hoạt động "phỏng sinh học". Ở đó, những phần bài học trong những môn lý, hóa, sinh được gắn kết với điều lý thú về các loài động vật, thực vật trong tự nhiên.
Ví dụ, khi giảng về tàu cao tốc ở Nhật, thầy Thành giới thiệu cho học sinh về đầu tàu được lấy cảm hứng từ chiếc mỏ của những chú chim bói cá. Theo thầy Thành, cách làm này sẽ giúp học sinh thấu hiểu thiên nhiên. Một cách tự nhiên, các em hình thành được tình yêu thương và có trách nhiệm với thiên nhiên.
Trong khi đó, nhóm giáo viên Lê Hồng Hạnh, Trần Phương Thanh và Nguyễn Thị Minh Thủy - Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) - chia sẻ kinh nghiệm tạo "điểm chạm" cho học sinh với các tác phẩm văn học.
Với một tác phẩm văn học, các cô thường yêu cầu học sinh đọc trước nội dung. Lên lớp, các cô sẽ gợi mở những vấn đề, những nút thắt trong tác phẩm. Học sinh và thầy cô sẽ luân phiên đặt những câu hỏi và thảo luận cho tới khi không còn thắc mắc gì nữa.
Giáo viên chia sẻ về cách tạo "điểm chạm" giữa học sinh và tác phẩm văn học
Một số nội dung, giáo viên và học sinh sẽ học bằng trải nghiệm. Như ở bài học Xúy Vân giả dại, cô trò cùng theo dõi trích đoạn chèo. Xem tới đâu sẽ cùng nhau bàn luận về những chi tiết, lý giải về những hành động của nhân vật.
Khi kiểm tra, học sinh sẽ được chọn nhiều cách thể hiện khác nhau, từ viết bài cảm nhận, viết nhật ký, vẽ tranh, hoặc có thể hát.
"Một trong những quy tắc là thầy cô nên tham gia cùng học sinh. Thầy cô có thể cùng em đóng một trích đoạn chèo. Học sinh sẽ thích thú với môn học và tác phẩm văn học", cô Hạnh nói.
Khi thầy cô nhìn lại mình
Với cô Phùng Thị Thanh Lài - giáo viên Trường phổ thông nNăng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM), dạy học là "siêu học". Cô Lài tâm sự mỗi khi lên lớp, cô không nghĩ mỗi học sinh là một đứa trẻ được "ban phát" hay "nhồi nhét" kiến thức.
Ngược lại, người dạy sẽ phải liên tục học - học với mỗi học sinh của mình - để có thể học sinh ấy tự học và tự phát triển. Sau mỗi buổi dạy, cô Lài thường sẽ tự đánh giá xem buổi dạy ấy đã thành công chưa? Nếu chưa, cô có thể làm gì để tốt hơn?
Cô Phùng Thị Thanh Lài chia sẻ tại sự kiện
Tuy nhiên, sự sáng tạo đôi khi cũng gặp trở ngại bởi những quy chuẩn. Có lần ở một trường phổ thông, cô Lài đã cho học sinh trải nghiệm thử sáng tác một tác phẩm văn học trước khi học cách bình luận.
Theo cô, cách làm này sẽ giúp học sinh biết đặt mình vào vị trí của người khác trước khi đưa ra những bình phẩm. Sau đó, cô bị "rầy" vì không dạy theo chương trình.
"Tôi nghĩ rằng người dạy là người hướng dẫn trên tinh thần tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu người học", cô Lài chia sẻ.
TS Nguyễn Chí Hiếu - sáng lập Quỹ phát triển Giáo dục IEG - cho rằng các phương pháp dạy học suy cho cùng cũng chỉ là công cụ.
Nếu người dạy chưa tìm thấy được những bản sắc từ bên trong của mình - ông dùng chữ "căn tính" - thì áp dụng thêm một phương pháp dạy học mới chỉ như nhét thêm một món vào chiếc tủ lạnh đã chật chội.
Theo ông Hiếu, điều này đòi hỏi mỗi người làm nghề dạy học sẽ phải liên tục nhìn lại bản thân. Khi có được thói quen thường xuyên soi lại mình, người thầy sẽ tự tìm thấy được những phương pháp dạy học mang màu sắc riêng.
Những phương pháp ấy sẽ luôn được thầy cô làm mới và cập nhật ngay từ thôi thúc bên trong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận