“Điểm yếu của giáo viên hiện nay là phương pháp dạy học"

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Trao đổi giữa Tuổi Trẻ với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển về Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông tổng thể gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.

Một tiết học tiếng Anh ở Trường THCS thị trấn Neo (Bắc Giang) - Ảnh: Vĩnh Hà

Sau những ý kiến đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ quanh dự thảo Chương trình đổi mới giáo dục phổ thông tổng thể, nhiều ý kiến đã băn khoăn liệu đội ngũ giáo viên có đáp ứng được yêu cầu đổi mới hay không. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, Thứ trưởng  Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết:

Đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay phần lớn đã đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo và phần lớn đang đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Với việc triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, chúng ta tin tưởng và trông đợi vào đội ngũ giáo viên đang làm việc tại các nhà trường phổ thông hiện nay.

Bên cạnh đó, theo yêu cầu, các trường sư phạm cũng sẽ phải đổi mới đào tạo để cung cấp đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được nhiệm vụ trong tương lai.

Điểm yếu của phần lớn giáo viên phổ thông hiện này là thói quen với phương pháp dạy học truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều dẫn tới việc học sinh thụ động ghi nhớ kiến thức máy móc, ít khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống. 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Để triển khai chương trình mới, giáo viên cần được tập huấn nhiều hơn về phương pháp dạy học, cách tổ chức các hoạt động giáo dục và đánh giá học sinh theo yêu cầu mới. Đây là những việc Bộ GD-ĐT đã triển khai trong năm học qua và đẩy mạnh hơn vào các năm học tới.

* Vậy quá trình tập huấn, đào tạo lại giáo viên mất bao lâu mới có thể đáp ứng được, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch tập huấn giáo viên và đổi mới mạnh mẽ nội dung tập huấn theo yêu cầu mới, tập trung vào những nội dung quan trọng của chương trình giáo dục mới.

Cụ thể, sẽ tập huấn và khuyến khích các sở GD-ĐT, các nhà trường tổ chức hội thảo, diễn đàn, sinh hoạt tổ chuyên môn theo các chuyên đề như nâng cao năng lực về vận dụng phương pháp dạy học, giáo dục, kiểm tra đánh giá theo định hướng tích hợp, phân hóa, phát triển năng lực người học, kỹ năng phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường, vận dụng linh hoạt chương trình môn học, năng lực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng tin học…

Để giảm bớt kinh phí, tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin, trong cuộc đổi mới này, bộ sẽ tăng cường hình thức tập huấn, bồi dưỡng qua mạng, kết hợp với tập huấn trực tiếp.

Giáo viên có thể được tương tác với các nguồn tài nguyên về chương trình, SGK, thí nghiệm, thiết bị giảng dạy và tài liệu dạy học khác, giáo viên có thể trao đổi với chuyên gia, nhà sư phạm thông qua các diễn đàn mở, gửi ý kiến góp ý, thắc mắc và được giải đáp qua mạng.

* Theo thiết kế của chương trình, ở bậc THCS sẽ có những môn học truyền thống không còn nữa, thay thế vào đó là môn học có tên gọi mới, tích hợp nội dung của các môn học cũ. Vậy việc triển khai bố trí giáo viên dạy các môn học đòi hỏi tích hợp kiến thức nhiều lĩnh vực như thế nào trong khi giáo viên phần lớn chỉ được đào tạo đơn môn? Liệu có xảy ra tình trạng dư thừa giáo viên ở những môn học không còn đứng độc lập không?

- Trong chương trình mới, nội dung các môn học tích hợp được thiết kế gồm kiến thức thuộc từng phân môn như vật lý, hóa học, sinh học (môn khoa học tự nhiên) và lịch sử, địa lý (môn khoa học xã hội), đồng thời có các chuyên đề kiến thức liên môn. 

Các nhà trường chủ động lựa chọn giáo viên có năng lực phù hợp nhất để phân công dạy từng phân môn hoặc chuyên đề cụ thể.

Như vậy có những môn học nhiều giáo viên cùng tham gia giảng dạy và sử dụng chung tài liệu, SGK để thiết kế bài giảng cho phần mình được phân công.

Có nhiều biện pháp để hỗ trợ giáo viên như bồi dưỡng, tự bồi dưỡng giáo viên để có vốn tri thức rộng, khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan. Các tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng xây dựng kế hoạch dạy học, thiết kế bài giảng, tổ chức các chuyên đề dạy học, dự án học tập cho học sinh.

Việc trao đổi, sinh hoạt chuyên môn có thể tổ chức trong các tổ chuyên môn của trường, trong nhóm giáo viên bộ môn của từng lớp học trong trường, giáo viên của các cụm trường…

Trên thực tế hai năm học qua, nhiều địa phương đã chỉ đạo triển khai hiệu quả đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng trên. Nhiều cuộc thi liên quan tới việc dạy học tích hợp liên môn, đổi mới đánh giá học sinh, cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với học sinh phổ thông… cũng là cơ hội để giáo viên cùng tham gia và rèn luyện.

Không yêu cầu cứng nhắc

Theo nghị quyết 29, trong việc đổi mới giáo dục phổ thông, việc trao tự chủ về tài chính, nhân sự tới tận các nhà trường sẽ được lưu ý, đẩy mạnh hơn. Lãnh đạo các nhà trường sẽ chủ động trong việc xây dựng chương trình nhà trường (kế hoạch dạy học, giáo dục học sinh) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT ban hành.

Trong chương trình, kế hoạch này, các trường cũng chủ động bố trí lực lượng giáo viên hoặc mời thêm giáo viên thỉnh giảng. Thậm chí có thể mời các doanh nhân, nghệ nhân, giảng viên trường ĐH tham gia giảng dạy, hướng dẫn các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học…

Thực tế trong 2-3 năm qua đã có những trường triển khai và làm rất tốt việc này. Với thiết kế mở của chương trình phổ thông, phụ huynh, các lực lượng xã hội có thể cùng tham gia giúp học sinh trong quá trình tự học, thực hành, nghiên cứu, sáng tạo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT không yêu cầu cứng nhắc các nhà trường phải tổ chức bao nhiêu chuyên đề tự chọn, mà tùy theo năng lực, điều kiện và đặc thù của các địa phương, các nhà trường.

Mỗi nhà trường cần xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng và phân công người dạy, bổ sung phòng học và thiết bị dạy học, liên kết với các cơ sở giáo dục, cơ quan nghiên cứu, cơ sở sản xuất để qua mỗi năm lại tăng thêm số môn học, chuyên đề tự chọn được dạy  trong trường, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Những trường chưa đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu học tự chọn của học sinh có thể gửi học sinh sang trường lân cận, liên kết với các trường, cụm trường để tổ chức dạy học tự chọn cho học sinh.

Những chuyên đề có ít học sinh chọn thì có thể ghép học sinh lớp dưới học cùng học sinh lớp trên.

 

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên