Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vừa qua vẫn còn nhiều vướng mắc, giải ngân thấp. Đó cũng là "căn bệnh" lâu nay của bộ máy thực thi - Ảnh: TTO
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng được thiết kế với nhiều nỗ lực cải tiến so với trước đây, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tiếp sức và trợ lực cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn.
Điểm sáng của gói hỗ trợ hướng vào 7 nhóm chính sách liên quan người lao động, bao gồm đối tượng làm việc tại khu vực công bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; bị chấm dứt hợp đồng lao động và người lao động theo chế độ hợp đồng bị ngừng việc.
Ngoài ra, lao động yếu thế (đang mang thai, phải chăm sóc người khó khăn) và trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh; lao động đặc thù như đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ, hướng dẫn viên du lịch còn được xem xét hỗ trợ một lần.
Hạn chế của gói hỗ trợ lần trước là tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác chưa được xem xét, thì nay đã được tháo gỡ, bổ sung.
5 nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, bao gồm giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Các khoản hỗ trợ trực tiếp bằng tiền một lần được thực hiện cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng dịch COVID-19 và người sử dụng lao động được hưởng chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vừa qua vẫn còn nhiều vướng mắc, giải ngân thấp. Đó cũng là "căn bệnh" lâu nay của bộ máy thực thi. Chính sách luôn bị kéo trễ qua nhiều tầng nấc, chậm đến hoặc không đến đúng địa chỉ các đối tượng thụ hưởng đã làm giảm hiệu lực và mất đi ý nghĩa nhân văn.
Yêu cầu "chống dịch như chống giặc" cũng đòi hỏi phải triển khai hiệu quả nhất các gói hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc thủ tục để rút ngắn tối đa độ trễ chính sách. Tiền phải đến đối tượng cần hỗ trợ nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Truy vết, khoanh vùng, khẩn trương điều tra dịch tễ để đảm bảo các yêu cầu cách ly, phát hiện mầm bệnh là cần thiết, nhưng việc hỗ trợ để người lao động, người sử dụng lao động phục hồi "sức khỏe" cũng quan trọng không kém. Đó cũng là cách thức đảm bảo "mục tiêu kép" - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Khi thực thi chính sách hỗ trợ cũng phải được cụ thể hóa bằng nội dung, yêu cầu, tiêu chuẩn xem xét trong thực hiện và phải được người dân giám sát rộng rãi. Mỗi cơ quan, đơn vị, cấp quản lý cần rà soát tổng thể, quy trách nhiệm rõ ràng từ người đứng đầu đến cán bộ phụ trách.
Cần cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân và áp dụng một cơ chế giám sát thực thi chính sách hỗ trợ để phát hiện người làm chậm, làm sai như cách thức truy vết, khoanh vùng đối tượng lây nhiễm COVID-19.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cam kết 26.000 tỉ đồng trong gói hỗ trợ lần này sẽ được cắt giảm 60% các thủ tục rườm rà và áp dụng các điều kiện đơn giản, thông thoáng nhất. So với gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng trước đây bị cho là giải ngân chậm, hồ sơ lần này sẽ được tiếp nhận và giải quyết chỉ 1 - 2 ngày.
Người dân đang mong chờ cam kết đó phải thành hiện thực. Tiền hỗ trợ dịch bệnh không được chậm trễ!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận