01/07/2021 20:06 GMT+7

Ai sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng?

ĐỨC BÌNH - NGỌC AN
ĐỨC BÌNH - NGỌC AN

TTO - Người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 sẽ được nhận từ 1,5 triệu đồng/người đến 3,71 triệu đồng/người, trong khi lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người…

Ai sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng? - Ảnh 1.

Lao động tự do ở quận Hà Đông (Hà Nội) nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng COVID-19 hồi tháng 5-2020 - Ảnh: Đ.BÌNH

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành, nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trả lời Tuổi Trẻ Online về việc làm thế nào để triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lần 2 khi gói lần 1 giải ngân thấp, Bộ trưởng Dung cho hay để khắc phục vấn đề thủ tục, Bộ sẽ phối hợp bộ ngành xây dựng Quyết định để triển khai theo tinh thần giảm bớt thủ tục.

Đơn cử, trước đây cho vay, tạm dừng đóng bảo hiểm phải có 4 thủ tục thì nay sẽ không cần các thủ tục này; hay việc miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động, doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản đến cơ quan bảo hiểm xin nhận hỗ trợ.

Quyết định cũng quy định rõ thời gian với cơ quan hỗ trợ sau bao ngày nhận hồ sơ phải xử lý, trường hợp không xử lý phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.Cụ thể, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 12 nhóm đối tượng chính sách được hỗ trợ bao gồm:

Theo nghị quyết mới này, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ.

Đầu tiên là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19.

Thứ đến là chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.

Thứ 3, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Tiếp đến là hỗ trợ một lần người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với mức 1,855 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,71 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.

Nội dung thứ 5 của nghị quyết nêu hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó là hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động, mức 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất.

Chưa hết, gói 26.000 tỉ đồng còn để hỗ trợ người lao động đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thêm 1 triệu đồng/người.

Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định (80.000 đồng/người/ngày) và được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27-4 đến hết 31-12-2021.

Nội dung thứ 8 quy định hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) từ ngày 27-4 đến ngày 31-12-2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Người phải cách ly (F1) cũng được nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày không quá 21 ngày.

Thứ 9 là hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ và đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp đến, các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.

Kế đó, với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Cuối cùng là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ cho người lao động và doanh nghiệp Chính phủ ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ cho người lao động và doanh nghiệp

TTO - Chính phủ dành số tiền lên tới 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đồng thời có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng chống dịch, chỉ giãn cách quy mô hẹp.

ĐỨC BÌNH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên