30/06/2021 15:45 GMT+7

Gói hỗ trợ COVID-19 có thể lên tới 26.000 tỉ đồng

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đợt dịch COVID-19 (từ 27-4) khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động lao đao, khốn đốn và dự kiến sẽ có gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lên tới 26.000 tỉ đồng…

Gói hỗ trợ COVID-19 có thể lên tới 26.000 tỉ đồng - Ảnh 1.

Lao động tự do ở quận Long Biên (Hà Nội) nhận tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hồi giữa năm 2020 - Ảnh: Đ.BÌNH

Gói 26.000 tỉ đồng này dự kiến sẽ hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 30-6, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thông tin trên đã được bộ báo cáo tại phiên họp Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 29-6.

Theo Bộ trưởng Dung, tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 25-6, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương của Chính phủ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. 

Hiện bộ đang cùng các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng, lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn để trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Bộ Lao động, thương binh và xã hội nhận định đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở trong nước. 

Từ ngày 27-4 đến nay, đã phát hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng tại nhiều địa phương, diễn biến dịch phức tạp hơn, tác động mạnh hơn đến nhiều doanh nghiệp, người lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, hàng không, giải trí… 

An sinh xã hội của một số bộ phận người dân trở nên khó khăn, nhất là các đối tượng yếu thế.

Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ lao động, thương binh và xã hội nghiên cứu đề xuất một số chính sách cấp bách trước mắt để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào 3 nhóm chính: các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội; hỗ trợ trực tiếp nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu, không có khả năng lao động và không có khả năng phục hồi, đặc biệt là những người phải nghỉ việc, ngừng việc, giãn việc do yêu cầu của cấp thẩm quyền; hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp trả lương, phục hồi sản xuất để đón đơn hàng khi quay trở lại.

Trước đó (ngày 24-6), báo cáo tại buổi họp thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm (do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức), lãnh đạo Bộ Lao động, thương binh và xã hội cũng đã nêu tình hình có đến gần 10 triệu người lao động đã, đang và sẽ bị tác động bởi COVID-19, trong đó có hơn nửa triệu lao động đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm, trên 19% cơ sở sản xuất, kinh doanh và trên 2% hợp tác xã đã bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Bộ này dự báo nếu dịch bệnh tiếp tục tác động xấu tới khu công nghiệp, khu chế xuất thì sẽ khiến số lao động phải cách ly, ngừng việc có thể lên tới 2, thậm chí 2,5 triệu người.

Tháng 4-2020, Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã đề xuất, được Chính phủ ban hành nghị quyết 42, với tổng kinh phí lên tới 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020.

Gói hỗ trợ này hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho nhóm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động; hỗ trợ nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do); hỗ trợ hộ kinh doanh. Ngoài ra, còn hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc; hỗ trợ việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.

Sau một thời gian gấp rút triển khai, đã có trên 13 triệu người được hưởng hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, với tổng kinh phí trên 13.000 tỉ đồng, trong đó có trên 1 triệu lao động tự do (trên 1.000 tỉ đồng). Trên 37.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ (gần 38 tỉ đồng)...

World Bank duyệt chương trình 321 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế World Bank duyệt chương trình 321 triệu USD hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế

TTO - Ngân hàng Thế giới (World Bank) ngày 30-6 phê duyệt hai chương trình chính sách phát triển (DPO) với tổng giá trị 321,5 triệu USD, qua đó khẳng định cam kết hỗ trợ các nỗ lực phục hồi của Việt Nam.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên