Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc tường thuật về các diễn biến xoay quanh thượng đỉnh Mỹ-Triều - Ảnh chụp màn hình
Sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton quyết đoán rằng Mỹ sẽ tìm cách phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo mô hình Libya, Triều Tiên liền tuyên bố sẽ không bao giờ chấp nhận một kết quả như thế và dọa rút khỏi thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Ai cũng mong muốn thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, có một sự thật là Mỹ và Triều Tiên bấy lâu nay luôn mong muốn các kết quả đối thoại hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ hạt nhân thì Triều Tiên lại muốn được công nhận là một cường quốc hạt nhân hợp pháp.
Tuy nhiên, hiện không bên nào sẵn sàng đối mặt với thực tế trên và đây là mấu chốt vấn đề. Cả hai nước đang tiến tới đàm phán trong một bầu không khí mơ hồ rằng sự khác biệt to lớn như vậy có thể được giải quyết như thế nào.
Vậy tại sao các diễn biến trớ trêu đang diễn ra vào lúc này. Ông Robert E. Kelly - giáo sư tại Đại học quốc gia Busan (Hàn Quốc), đã đưa ra lời giải thích cho câu hỏi này trên Twitter. Đó là mọi chuyện do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mà ra!
Moon thả mồi, Trump dính bẫy
Ứng viên cánh tả Moon Jae In đã nhậm chức tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5-2017, thời điểm khi ông Trump đe dọa chiến tranh với Triều Tiên. Tân lãnh đạo Hàn Quốc lúc bây giờ đã tìm mọi cách để làm cầu nối cho một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên để hạ thang căng thẳng.
Và một phần chiến lược của ông Moon là đưa ra những hứa hẹn "thiếu thực tế" về kết quả mà các cuộc đàm phán có thể đạt được. Theo GS Kelly, việc ông Moon gần đây thổi phòng ý định sẵn sàng đàm phán của Triều Tiên là để dồn ông Trump vào con đường ngoại giao, nhằm ngăn nhà lãnh đạo Mỹ sa ngã trở lại con đường đe dọa chiến tranh như năm ngoái, mà vốn là "ác mộng" đối với người dân Hàn Quốc.
Nếu ông Trump cẩn trọng và cho phép cố vấn an ninh quốc gia của mình xem xét lời đề nghị tổ chức thượng đỉnh của Triều Tiên hồi tháng 3, ông Trump có thể đã nắm được ý đồ của ông Moon. Tuy nhiên, thay vào đó, chỉ 45 phút sau khi được phái đoàn Hàn Quốc thông báo về kết quả chuyến đi tới Bình Nhưỡng và lời đề nghị của Triều Tiên, ông Trump đã nhận lời ngay.
Ông Trump thậm chí không bàn bạc với các quan chức bên trong Nhà Trắng, ngay sau đó còn uống loại thức uống hương trái cây yêu thích Kool-Aid trong lúc xem tin tức trên Đài Fox News. Nhưng mọi thứ hiện là chuyện đã rồi!
Đó là lý do tại sao ông Moon Jae In ủng hộ chính sách tối đa hóa áp lực của Mỹ để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, và tuyên bố ông Trump xứng đáng được trao Nobel hòa bình. Ông Trump hẳn sướng tai vì những lời nói "mật ngọt" của ông Moon.
"Việc tâng bốc thế này để ngăn ông Trump phát động chiến tranh là một ‘điều bí mật mà ai cũng biết’ ở Hàn Quốc. Không ai thật sự tin điều đó. Các sinh viên và đồng nghiệp của tôi đều cười ồ lên với đề xuất này" - ông Kelly nhận định.
Theo vị giáo sư của Trường Busan, truyền thông phương Tây chẳng thèm thảo luận nghiêm túc về ý đồ của Moon là vì "ông Trump đã bị ghét bỏ".
Ông Moon đã sang Washington và sẽ có cuộc gặp với ông Trump vào hôm nay 22-5. "Dường như chính quyền ông Moon đã nói quá về việc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán. Ông Moon có thể sẽ bị quở mắng vì điều đó" - GS Kelly đánh giá.
Cú bắt tay lịch sử ở biên giới liên Triều giữa lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae In - Ảnh: REUTERS
Cần 1 điểm chung cho 3 người chơi
Vị giáo sư tại Đại học Quốc gia Busan cho rằng không một lời lẽ nào "êm tai" nào mà ông Trump nghe được là đúng. Mà ngược lại, Triều Tiên sẽ không phi hạt nhân hóa, cũng không phải do áp lực tối đa của ông Trump đã đẩy Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán, và ông Trump cũng không xứng đáng nhận giải Nobel như ông Moon nói.
Ông Kelly nói rằng việc Mỹ dọa hủy diệt Triều Tiên ngay tại Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm ngoái đã cho thấy ông Trump "không đáng" để nhận những kết quả trên.
Và một sự mỉa mai lớn hơn mà truyền thông bảo thủ Mỹ đương nhiên không bao giờ chấp nhận là ông Trump "thật ra đã đẩy Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán chứ không phải Triều Tiên".
Vị chuyên gia lý giải ông Trump đã gây ra một cơn sợ hãi khủng khiếp ở Hàn Quốc hồi năm ngoái, khiến tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Moon lên mức 80%, mặc dù ông Moon giành chỉ 41% số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc.
Rõ ràng nếu một ứng viên có đường lối cứng rắn với Triều Tiên thắng cử thì mọi chuyện giờ đã khác. Sẽ không có chuyện "vuốt ve" ông Trump để ngồi vào bàn đàm phán thương lượng như ông Moon đang làm hiện nay.
Chiến lược của ông Moon coi như bước đầu đã thuyết phục được ông Trump tạm thời không sử dụng biện pháp quân sự với Triều Tiên. Vấn đề nằm ở chỗ ông Moon có thể chưa bao giờ làm lay chuyển được thực tế là cái mà Mỹ và Triều Tiên muốn hoàn toàn khác nhau.
Theo ông Kelly, điều cần làm vào lúc này là hoãn thượng đỉnh Mỹ - Triều cho đến khi tìm ra điểm tương đồng giữa 3 người chơi là Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên. "Hãy để các chuyên gia liên quan tìm ra một số sự đồng thuận" - ông Kelly nói.
Tuy nhiên, vị giáo sư cho rằng ông Moon sẽ ngăn chặn nỗ lực này vì bất kỳ sự trì hoãn nào đối với thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng sẽ "mở ra khoảng trống chính trị" để ông Bolton phá quấy. Thượng đỉnh có thể sẽ vẫn diễn ra nhưng tiến triển tới mức nào thì không ai biết được!
Dĩ nhiên mọi người còn chờ xem cuộc gặp Trump - Moon ở Washington sẽ đưa đến những thông điệp mới gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận